ClockThứ Bảy, 27/07/2019 12:45

Xuất khẩu đồ gỗ tăng mạnh

TTH - Sáu tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh đạt trên 500 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 60 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ, là lĩnh vực xuất khẩu có giá trị tăng cao nhất từ trước tới nay.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng ngoạn mục ở mức 2 con sốĐồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang 120 nước và vùng lãnh thổ

Chế biến dăm gỗ tại Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế ở Khu công nghiệp La Sơn

Đầu tư lớn

Hoạt động tại Khu công nghiệp Phú Bài từ năm 2003 với quy mô nhỏ, KNXK chỉ đạt vài trăm ngàn USD, đến nay, Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế trở thành DN chế biến các sản phẩm gỗ quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động.

Sáu tháng đầu năm nay, KNXK của DN đạt trên 1,3 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018, với sản phẩm chủ lực là bàn ghế sân vườn và đồ nội thất, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu.

Giám đốc công ty, ông Lê Dương Huy cho rằng, những diễn biến trong việc Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc làm cho hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ tại thị trường Mỹ, là cơ hội cho hàng hóa các nước khác xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, DN nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ nên phải mở rộng nhà máy, huy động thêm công nhân tập trung sản xuất để đảm bảo số lượng xuất khẩu.

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng, người lao động có thêm cơ hội việc làm và tăng thu nhập

Ông Huy cho biết, đầu năm 2019, DN đã đầu tư 4 tỷ đồng trang bị thêm hệ thống nồi hơi và lò sấy, đồng thời ký hợp đồng với các tổ chức, hộ trồng rừng trên địa bàn để dự trữ nguồn nguyên liệu. Dự kiến từ nay đến cuối năm, DN đạt KNXK trên 1,4 triệu USD.

Tương tự,  Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế (Khu CN La Sơn) trong 6 tháng đầu năm đạt sản lượng trên 60 ngàn tấn dăm khô, KNXK trên 8 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Đầu năm 2019, DN đưa vào hoạt động thêm nhà máy sản xuất ván ghép thanh công suất 24 ngàn m2/năm, vốn đầu tư gần 140 tỷ đồng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng quy mô.

Kế toán trưởng công ty, ông Trần Tuấn Hiệp thông tin, sau khi nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu hoạt động ổn định với doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm, công ty tiếp tục phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường. Hiện, sản phẩm xuất khẩu ổn định sang các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, đến nay đã nhận đơn hàng đến hết năm 2019 và triển khai kế hoạch xuất hàng cho cả năm 2020.

Tận dụng cơ hội

Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Phan Hùng Sơn thông tin, để KNXK 6 tháng cuối năm đạt kế hoạch đề ra, sở sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNN quy hoạch lại vùng nguyên liệu, phát triển các sản phẩm qua chế biến để gia tăng giá trị xuất khẩu; đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đối với lĩnh vực chế biến gỗ và sản phẩm gỗ. Mặt khác, tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn các DN những quy định trong lĩnh vực xuất khẩu, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận với thị trường mới có tiềm năng xuất khẩu, như tham gia các hội nghị quốc tế ở nước ngoài, đa dạng hóa các kênh như phối hợp với các đại sứ quán, thương vụ tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để kết nối, chia sẻ thông tin về tiềm năng và thế mạnh của thị trường các nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, 6 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực gỗ và các sản phẩm gỗ tăng trưởng khá, đây là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, trong đó tỉnh đã tạo lập môi trường tốt cho vùng nguyên liệu, kêu gọi nhiều nhà đầu tư cùng với người dân và các tổ chức trồng rừng để khai thác hiệu quả, chế biến, tiêu thụ.

Hiện, mỗi năm KNXK đồ gỗ đạt gần 100 triệu USD, sự tăng trưởng này đã có những tác động trở lại đối với nền kinh tế lâm nghiệp, tạo giá trị gia tăng và tác động đến việc kích thích trồng rừng tại các địa phương trong tỉnh.

Sự gia tăng giá trị xuất khẩu đối với lĩnh vực gỗ và sản phẩm gỗ góp phần thực hiện chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giúp các DN gắn kết với người dân và các tổ chức trồng rừng trong việc khai thác rừng, xử lý nguyên liệu làm đầu vào cho sản xuất.

Hiện, toàn tỉnh có 8 DN tham gia chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, trong đó có 5 DN chế biến dăm gỗ, 2 DN sản xuất ván ghép thanh và 1 DN chế biến sản phẩm gỗ, KNXK mỗi năm đạt trên 100 triệu USD. Để gia tăng giá trị xuất khẩu, Sở Công thương đang vận động các DN đầu tư máy móc, công nghệ chuyển dịch từ sản xuất dăm gỗ sang sản phẩm gỗ, đồng thời tăng cường công tác kêu gọi đầu tư đối với các dự án sản xuất sản phẩm gỗ.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

8 tháng, giải ngân vốn FDI cả nước tăng 2%

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 8/2021 giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021.

8 tháng, giải ngân vốn FDI cả nước tăng 2
Xuất khẩu đồ gỗ vượt ngoài mong đợi

Dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu gây ảnh hưởng mạnh đến hàng loạt chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường thế giới; trong đó, có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam. Thế nhưng, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh từ các quốc gia nói chung, trong nước nói riêng, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam vẫn vượt ngoài mong đợi.

Xuất khẩu đồ gỗ vượt ngoài mong đợi

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top