ClockThứ Ba, 20/03/2018 20:39
Cảnh quan thượng nguồn sông Hương gắn với lăng tẩm triều Nguyễn:

Xứng đáng bổ sung hồ sơ di sản văn hóa thế giới

TTH - Đó là nội dung nổi bật và quan trọng nhất được đánh giá tại Hội thảo quốc tế do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng (Đại học Waseda, Nhật Bản) tổ chức ngày 20/3. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành di sản văn hóa trong nước, các nhà nghiên cứu Nhật Bản và các nhà quản lý địa phương.

Khánh thành bảo tồn Triệu Tổ Miếu và khai mạc “Huế - 1 điểm đến 5 di sản”Đổi mới để thích nghi và phát huy giá trị di sảnSố hóa để bảo vệ di sản tư liệu tốt hơn

Sông Hương & chùa Thiên Mụ. Ảnh: DT

Giá trị nổi bật đặc biệt

Hội thảo có tên đầy đủ là “Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái - lịch sử tại các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương”. Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu chia sẻ kết quả nghiên cứu, quan điểm về những giá trị, đặc điểm và tiềm năng của cảnh quan văn hóa, môi trường lịch sử - sinh thái tại khu vực lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn gắn với lưu vực thượng nguồn sông Hương. Đồng thời, bàn thảo và xem xét bổ sung cảnh quan lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương vào hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới.

Dành nhiều thiện cảm với Huế, GS.TS. Satoh Shigeru (Nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng, Đại học Waseda, Nhật Bản) nhận ra khu vực này có nhiều đặc điểm chung với cảnh quan văn hóa Nhật Bản và rất ngạc nhiên với vẻ đẹp mà người xưa đã thiết kế để thiên nhiên hài hòa vào sông núi của Huế. Ông nhấn mạnh: Ngày nay, khi thế giới buộc phải nỗ lực hết sức để bảo vệ bền vững môi trường toàn cầu, khu vực này mang lại cho chúng ta một cảm hứng tuyệt vời như một bảo tàng sinh thái bởi những đặc điểm về môi trường cùng di sản lịch sử. Đây là một vùng cực kỳ độc đáo và quý giá. Vì vậy, có thể nghiên cứu những đặc điểm đặc biệt này để khôi phục những gì đã mất nhằm nuôi dưỡng một khu vực cảnh quan văn hóa đầy sáng tạo.

PGS. TS. Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) đồng tình: "Chính vai trò cực kỳ quan trọng của sông Hương với tư cách là trục phong thủy lớn nhất, kết nối các hệ sinh thái trải dọc từ thượng nguồn về đến cửa biển Thuận An, là cơ sở khoa học để thuyết phục các chuyên gia đồng thuận trong việc xây dựng hồ sơ khoa học bổ sung trình UNESCO công nhận giá trị cảnh quan văn hóa đôi sông Hương là bộ phận hữu cơ tạo nên sự toàn vẹn và thống nhất trong cấu trúc của Quần thể kiến trúc Cố đô Huế. Đây là yếu tố góp phần làm tăng giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản và tạo ra lực hấp dẫn trong tiềm năng du lịch của Huế.

Quang cảnh hội thảo

Hiến kế bảo vệ

Hệ sinh thái tự nhiên trải dọc theo sông Hương, từ Kinh thành Huế đến các lăng tẩm hoàng gia, cùng hệ thống làng mạc dân cư là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và tinh thần phong phú. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển, hệ sinh thái này đang bị ảnh hưởng bởi nhiều tác động tiêu cực. Đó là sự tác động của khí hậu, thiên tai lên các công trình lăng tẩm. Sự thay đổi về thảm thực vật và hiện trạng sử dụng đất phục vụ sinh kế của người dân. Tình trạng khai thác cát sạn trên sông Hương. Thậm chí, những vùng đệm xung quanh mỗi di tích không được xác định cụ thể khiến không đủ diện tích để bảo vệ di sản khỏi những phát triển không mong muốn.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chia sẻ những nghiên cứu tâm huyết để tác động bảo vệ cảnh quan thượng nguồn sông Hương gắn với các lăng tâm triều Nguyễn. Đó là bảo tồn và phục hồi hệ thống thủy đạo tại các lăng tẩm và khu vực lân cận, tổ chức tour du lịch nghiên cứu sinh thái tại lăng Gia Long, thay đổi kết cấu cây trồng ở đầu nguồn và các vùng đệm nhằm đảm bảo sự ổn định của sinh thái.

Ông Nguyễn Xuân Lam, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ (thị xã Hương Thủy) cho rằng, giải pháp quan trọng và bền vững để bảo vệ cảnh quan thượng nguồn sông Hương gắn với lăng tẩm triều Nguyễn là tạo sinh kế bề vững cho người dân sống gần di tích; chuyển cơ cấu cây trồng từ cây lâm nghiệp ngắn ngày sang cây nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ người dân có đất sản xuất.

Theo TS. Phan Thanh Hải, trong quá trình phát triển, nguyên tắc quy hoạch hai bờ sông trước tiên cần nghiêm cẩn tuân thủ đòi hỏi tối thượng là duy trì vị trí và vai trò của dòng sông trong mối quan hệ với hệ thống di sản triều Nguyễn, can thiệp hai bên bờ sông theo nguyên tắc thích ứng di sản.

Tại kỳ họp lần thứ 28 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã chính thức đề nghị Việt Nam và chính quyền Thừa Thiên Huế lập hồ sơ tái đề cử để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào danh mục Di sản văn hóa thế giới, đồng thời đưa cảnh quan này vào hồ sơ tái đề cử di sản Huế.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Trần Đình Thành đánh giá rất cao những kết quả mà hội thảo đạt được, đồng thời khẳng định những nội dung được bàn thảo có ý nghĩa rất quan trọng để Bộ hỗ trợ Thừa Thiên Huế xây dựng và hoàn thiện hồ sơ tái đề cử đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.

“Thành công của hội thảo hôm nay mới chỉ là sự khởi đầu để chúng ta khẳng định lại giá trị nổi bật toàn cầu của cảnh quan đôi bờ sông Hương gắn với quần thể di tích cố đô Huế. Để việc xây dựng hồ sơ sớm được hoàn thiện, đề nghị Thừa Thiên Huế cần tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát để làm rõ cụ thể mức độ nổi bật của những giá trị đó. Khẳng định những giá trị nổi bật đó bằng những tiêu chí cụ thể của pháp luật trong nước, công ước quốc tế về di sản. Đồng thời, đánh giá những tiềm năng và lợi thế của những giá trị này đối với cuộc sống của người dân trong khu vực”, ông Trần Đình Thành nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
Để tâm hồn nhẹ nhàng như sông Hương

Nhiều du khách một lần đến Huế rồi trót thương Huế bởi Cố đô giờ “thay da nhưng không đổi thịt”. Giữa sự phát triển của một mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, cái bình yên của miền Hương Ngự còn đó đang chữa lành hoặc ít nhất làm gác lại những lo âu, trăn trở mà cuộc sống lỡ dúi vào tay người.

Để tâm hồn nhẹ nhàng như sông Hương
Sông Hương ngày ấy… bây giờ

Khi hoàn thành cầu sông Hương sẽ là cầu đi bộ thứ 7 bắc qua dòng sông này, tính từ chợ Dinh lên ngã ba Tuần. Cùng với nó là cảnh quan đôi bờ được chỉnh trang, góp phần làm cho Huế hiện hữu đẹp lên từng ngày.

Sông Hương ngày ấy… bây giờ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top