ClockThứ Hai, 17/08/2015 16:33

Xứng danh anh hùng

TTH - Chiến đấu anh dũng ngoan cường với kẻ thù trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, linh hoạt, sáng tạo chỉ đạo công tác công an trong những năm tháng khó khăn của thời kỳ đất nước mới giải phóng, thượng tá Lâm Bình, nguyên Phó ban An ninh và thiếu tá Phạm Văn Ngữ, nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Điệp báo viên quả cảm

Thượng tá Lâm Bình năm nay tròn 90 tuổi. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp ông là điệp báo viên xuất sắc của Ban Điệp báo Ty Công an Thừa Thiên hoạt động tại nội thành Huế. Với tài trí của mình, ông xây dựng nhiều cơ sở bí mật trong các cơ quan chính quyền Pháp và tay sai, đồng thời thực hiện nhiều trận đánh vào cơ quan đầu não của kẻ thù ở trung tâm TP Huế.
Lịch sử CAND và lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế đã ghi lại hàng chục thành tích diệt tề trừ gian của người chiến sĩ điệp báo. Tiêu biểu, ông đã gan dạ, khôn khéo một mình đột nhập vào Nha thông tin Trung phần của ngụy đóng tại đường Trần Hưng Đạo lấy toàn bộ hệ thống âm li-micro đưa lên chiến khu an toàn, kịp thời chuyển giao cho quân đội phục vụ công tác binh vận.
Ông kể lại, tháng 4/1949, ở chiến khu quân đội ta thiếu y cụ và thuốc men để cứu chữa cho thương binh. Biết được bệnh viện của bọn Pháp và ngụy quyền (nay là Bệnh viện Trung ương Huế) vừa được trang cấp thêm dụng cụ phẫu thuật và thuốc chữa bệnh. Ty Công an chủ trương phải lấy cho được những thứ đó để phục vụ kháng chiến. Ông xung phong nhận nhiệm vụ quan trọng này. Bằng sự gan dạ, mưu trí, ngay trong đêm ông cùng đồng đội đột nhập vào bệnh viện lấy thành công bộ dụng cụ phẫu thuật vừa được chuyển đến từ Pháp cùng nhiều thuốc chữa bệnh đưa lên chiến khu Dương Hòa. Bộ dụng cụ phẫu thuật đa năng này đã giúp các bác sĩ quân y phẫu thuật cứu sống thành công hàng nghìn thương binh.
Tháng 6/1956, ông được tăng cường cho công an khu giới tuyến Vĩnh Linh. Là Đội trưởng Đội tình báo, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng mạng lưới giao thông liên lạc, giúp cho Đội tình báo bắt nối được các đầu mối của ta trong lòng địch, tạo thế trận hoạt động thuận lợi cho cách mạng. Từ năm 1967, ông được Cục Tình báo Bộ Công an phái vào Sài Gòn điều khiển các đầu mối tình báo. Liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng bất cứ ở vị trí nào ông cũng đều thể hiện sự trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân.
Cảnh sát hình sự gan dạ, dũng cảm
 Năm 1945, thiếu tá Phạm Văn Ngữ xung phong vào đội tự vệ quyết tử quân huyện Hương Thủy đánh Nhật, cướp chính quyền sau đó tham gia Trung đoàn Trần Cao Vân, lập nhiều chiến công xuất sắc. Ông còn nhớ như in trận đánh Võ Xá oai hùng ngày 5/7/1947 tại xã Thủy Bằng, Hương Thủy. Trong trận đánh mở đầu phía Nam Thừa Thiên, ông được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo khẩu đại liên phục kích tiêu diệt quân Pháp trên đường kéo đến càn quét khu vực đèo Võ Xá. Lúc trận đánh đang diễn ra ác liệt, xạ thủ đại liên hy sinh, ông dũng cảm xông lên dùng khẩu đại liên bắn xối xả vào đội hình địch, nhờ vậy bộ đội và Nhân dân làm chủ trận địa, diệt gọn bọn địch, bắt sống một tên quan Pháp, thu toàn bộ vũ khí cùng đồ dùng quân sự.
Đầu năm 1948, ông nhận nhiệm vụ tại Ty Công an Thừa Thiên. Bằng sự gan dạ, dũng cảm, thiếu tá Phạm Văn Ngữ cùng đồng đội đã điều tra chính xác, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, Việt gian chỉ điểm, góp phần tạo điều kiện cho phong trào cách mạng phát triển. Sau Hiệp định Giơnever, tháng 8/1954 ông được điều động ra Bắc làm đồn trưởng công an vũ trang thuộc đại đội 2 khu vực giới tuyến Vĩnh Linh và sau đó là Phó phòng Cảnh sát nhân dân Ty Công an đặc khu Vĩnh Linh. Dưới làn mưa bom, bão đạn của địch, với chí khí quật cường, ông đã cùng đồng đội bảo vệ Nhân dân khu vực Vĩnh Linh nơi đầu cầu giới tuyến.
Tháng 3/1972, ông được điều động đi B, thực hiện nhiệm vụ bảo mật phòng gian các khu vực quan trọng ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Đơn vị ông đã chiến đấu bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Mặt trận giải phóng, Quân khu, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo công tác chuẩn bị thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 26/3/1975 đơn vị ông đã sát cánh cùng bộ đội chủ lực tấn công và nhanh chóng giải phóng TP Huế.
Hơn 30 năm cống hiến trong lực lượng CAND, trải qua nhiều vị trí công tác trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt cũng như những năm tháng khó khăn của thời kỳ đất nước mới giải phóng, thiếu tá Phạm Văn Ngữ luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ công an cách mạng, gan dạ dũng cảm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. 
Đinh Sen
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Return to top