ClockChủ Nhật, 15/10/2017 10:53

Y áo người xưa

TTH - Ý kiến của triều đình khiến vua Minh Mạng cho là phải. Từ Kinh đô Huế, vua “Khiến dụ khắp, hẹn đến đầu xuân sang năm phải thay đổi một loạt, cấm lại dịch không được tự tiện đến dân gian, mượn cớ quấy nhiễu”.

“Y áo em xanh thuở buồn còn biết khóc

Chim reo trên những chiếc hoa vàng

Y áo em từ nghìn thu vuốt tóc

Tuổi mộng mơ tròn lại chiếc sao băng...”

                              (Y áo, Hạ Nguyên)

Nét kiêu sa trong y áo dân gian buổi ban đầu

Một khổ thơ trong bài thơ “Y áo” của Hạ Nguyên khiến người ta liên tưởng đến một không gian lụa là áo xưa. Hơn 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế với diễn trình văn hóa cực kỳ phong phú của Huế, dĩ nhiên y phục là vấn đề hết sức thú vị mà các nhà nghiên cứu đã để tâm tìm hiểu.

Trang phục áo dài, đội nón trong phiên chợ Tết ở Huế xưa. Ảnh: TL

Từ sau năm 1306, y phục Huế đã bắt đầu định hình trên vóc dáng những người dân di cư từ Bắc vào và cư trú tại đây. Đến khi các chúa Nguyễn dựng phủ bên bờ sông Hương nơi xanh thẳm vườn hoa trái Kim Long, y phục cùng với cách nói năng, ứng xử đã bắt đầu định hình một “tính cách Huế”. Trong nghiên cứu “Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX” (Nxb Sử học, Hà Nội, 1961), nhà nghiên cứu Thành Thế Vỹ đã dẫn dịch một nhận xét rất đáng chú ý của Giáo sĩ Christofforo Borri về y phục người dân Thuận Hóa lúc bấy giờ (1618-1621): “Trước hết nói về quần áo, có rất nhiều tơ lụa đến nỗi những người lao động và hạ lưu dùng thường xuyên hàng ngày, vì thế cho nên đã nhiều lần, tôi rất thích nhìn những người đàn ông, những người khuân vác đá, đất vôi và những thứ khác tương tự, mà không hề lo ngại giữ gìn cho khỏi rách, cho khỏi bẩn những bộ áo sang trọng của họ mặc”. Kiểu mặc sang trọng ấy về sau đã thành lề thói của cư dân Thuận Hóa.

Cuối thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn cũng đã ghi nhận trong “Phủ biên tạp lục”: “Những sắc mục ở dân gian cũng mặc áo đoạn hoa bát ti và áo sa, lương, địa làm đồ mặc ra vào thường, lấy áo vải, áo mộc làm hổ thẹn...  Đàn bà con gái thì đều mặc áo the và là hàng hoa, thêu hoa ở cổ tròn...”. Lê Quý Đôn cũng thuật tiếp y phục thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, với ý thức muốn đổi mới phong tục cho khác phương Bắc, xác lập chủ quyền phương Nam từ cách ăn mặc: “Lại hạ lệnh cho trai gái hai xứ (Thuận Hóa và Quảng Nam) đổi dùng áo quần Bắc quốc để tỏ sự biến đổi: đến như khiến phụ nữ đều mặc áo ngắn hẹp tay như áo đàn ông, thì Bắc quốc không có thể. Trải hơn 30 năm, người ta đều tập quen, quên cả tục cũ”.

Như vậy, từ cuối thế kỷ XVIII, áo phụ nữ ở Thuận Hóa đã thôi xiêm váy, kiểu cách áo có tay hẹp như áo bà ba ngày nay. Áo như thế thì mặc trông gọn gàng, vừa thuận tiện khi lao động, vừa tôn vẻ đẹp mảnh mai của cơ thể.

Cuộc đại cách tân y phục ở triều Nguyễn

Đến thời các vua Nguyễn, kiểu cách y phục càng được nâng cao ở xứ Thuận Hóa. Lúc bấy giờ người Thuận Hóa ăn mặc theo phong cách mới đã quen, phong thái nhẹ nhàng, thoải mái, thanh lịch, tao nhã. Điều đó càng gợi ý cho vua Nguyễn khuyến cáo dân chúng trong cả nước ăn mặc theo kiểu cách người Thuận Hóa, Đàng Trong. Sách “Đại Nam Thực Lục” chép vào tháng 9 năm Minh Mạng thứ chín (1828), các quan Thanh Nghệ và Bắc Thành tâu rằng sĩ dân các hạt đều muốn đổi lối áo quần theo như cách thức của người sông Gianh trở vào Nam. Triều đình nghị bàn: “Cái đạo dạy dân, không nên bắt ép, mà nhân việc thi thố là cốt cho đều phong tục. Tiên triều châm chước lễ văn, chế định y phục từ sông Gianh trở về Nam, thấm thía đức hóa đã lâu. Thế tổ Cao hoàng đế, buổi đầu thống nhất, từ sông Gianh trở ra Bắc lối y phục chưa rành mà sửa đổi vì phong tục tất phải dần dần... Nay sĩ dân Bắc Hà thấy y phục chưa giống nhau mà đều xin thay đổi, thì cho theo sở nguyện cũng không hại gì. Nhưng dân gian giàu nghèo không đều, sợ khó may mặc được ngay, xin hạn cho tuần tháng để tiện cho dân”...

Cô gái Huế đi chợ, qua ống kính của báo Life

Ý kiến của triều đình khiến vua Minh Mạng cho là phải. Từ Kinh đô Huế, vua “Khiến dụ khắp, hẹn đến đầu xuân sang năm phải thay đổi một loạt, cấm lại dịch không được tự tiện đến dân gian, mượn cớ quấy nhiễu”. Dù đã rất thận trọng, ý kiến đề xuất từ dưới lên, trên cũng có phần dè dặt cân nhắc, tình lý rõ ràng, nhưng buổi đầu của cuộc “cách mạng thời trang”, đại cách tân y phục cũng không tránh khỏi phản ứng. Trong dân gian lúc bấy giờ lưu truyền rộng rãi bài ca dao: “Tháng chín có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng...”.

Mới hay, thay đổi một tập quán là không dễ dàng gì.

Sự tiếp nối tiên phong trong thời trang y phục

Về sau, triều Nguyễn còn có mấy lần quy định về y phục nữa, song chủ yếu chỉ về kiểu thức hoa văn, chất lượng vật liệu để phân biệt phẩm tước, quan dân. Ví như quy định năm 1838 có điều khoản: “Thân quyến các quan ngũ phẩm trở xuống, cũng như dân chúng, áo mặc thường của vị nhập lưu và quân dân đàn ông đàn bà chỉ cho dùng vải lụa, và các hạng lụa ta; nếu có việc vui mừng, mặc đẹp thì lụa ta và các thứ sa, lĩnh, trừu hàng Tổng, các hạng hoa nhuộm các sắc, đều được, duy không được dùng sắc vàng...” (Đại Nam thực lục, tập IX, Nxb KHXH, 1964, tr 118).

Trang phục Huế đầu thế kỷ XX có nhiều biến cải sâu sắc. Đàn ông Huế trước đó, ngoài áo lương dài, dù (ô) đen và đôi guốc gỗ, mỗi khi ra đường là các cụ lại bối tóc hình củ kiệu và vấn dải khăn quanh trên đầu, một trang phục mà các cụ cho là đứng đắn, nghiêm trang của một người đàn ông biết tôn trọng lễ nghĩa. Năm 1908, phong trào Duy Tân đã phát động lời kêu gọi đàn ông Việt Nam nên “cắt búi tó” và “cắt tóc ngắn”. Khởi đầu phong trào này có lúc đã được dân chúng gọi là “Giặc tông đơ” hoặc “Phong trào húi hè”. Phong này lan dần từ Quảng ra Huế và được dân chúng Huế hưởng ứng nhiệt liệt khắp nơi. Thanh niên, học sinh từng nhóm đứng trên mọi nẻo đường với chiếc kéo, chiếc tông đơ trên tay, ca vang lời hát: “Húi hè, húi hè! Bỏ cái ngu nầy, bỏ cái dại nầy. Ngày nay ta cúp, ngày mai ta cạo. Húi hè!”.

Cắt cái búi tó có ý nghĩa là đoạn tuyệt với cái quá khứ hủ lậu của dân ta từ trước để bước qua thời kỳ đổi mới của dân tộc, của đất nước. Theo nhà nghiên cứu Bùi Minh Đức, kết quả là ngày tựu trường năm 1911-1912, tất cả các giáo viên tiểu học đều đã được cắt tóc ngắn và đến năm 1916, tất cả học sinh các trường mới đồng đều cúp “carré”.

Đến giữa thế kỷ XX, áo dài Lemur xuất hiện và được chị em ở Huế tiếp nhận phổ biến rất sớm. Nữ sinh Đồng Khánh với hình ảnh tà áo dài và chiếc nón bài thơ, ôm nghiêng tập vở, đã tạc vào huyền thoại về y áo Huế xưa.

Giới trẻ Huế ngày nay cũng bắt kịp những chuyển đổi thời trang trong nước và trên thế giới. Cũng đã xuất hiện nhiều nhà tạo mẫu, nhiều nhà thiết kế thời trang nổi tiếng với các bộ sưu tập làm ngạc nhiên giới chuyên nghiệp. Đó chính sự tiếp nối truyền thống đầy sôi động trong thời buổi toàn cầu hóa của Huế hôm nay...

VÕ TRIỀU SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người xưa phòng chống dịch bệnh

Thiên tai và địch họa luôn là đại họa trong đời sống của mỗi dân tộc. Cho nên, tri thức bản địa trong đời sống gia đình cho tới cộng đồng làng xã, đến luật pháp của quốc gia đều tập trung định nên nhiều điều khoản cụ thể để xử lý nhằm an dân và bảo vệ sức khỏe.

Người xưa phòng chống dịch bệnh
Dấu xưa Trường Hậu Bổ

Tháng 9 năm Đinh Mùi, niên hiệu Thành Thái thứ 19 tức năm 1907, Nam triều bắt đầu đặt thêm Bộ Học, xếp đặt quan chế phân minh.

Dấu xưa Trường Hậu Bổ

TIN MỚI

Return to top