ClockThứ Ba, 30/08/2016 13:26

Ý chí kiên cường của người cựu tù Cộng sản

TTH - Gần 50 năm trôi qua, nhưng những năm tháng đấu tranh cam go, đương đầu với đòn roi tra tấn của kẻ địch chưa bao giờ phôi phai trong ký ức người cựu tù cộng sản tại nhà tù Phú Quốc. Đó là những trang sử hào hùng của cuộc đời ông Lê Hữu Thế (74 tuổi, hiện ở tại tổ 5, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) nói riêng và của cả đất nước.

Góp sức cho cách mạng

Năm 1963, ở tuổi hai mươi, chàng thanh niên Lê Hữu Thế (quê Phú Lương, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Sau một thời gian làm giao liên của huyện Phú Vang, anh Thế được tăng phái về làm Phó Bí thư kiêm xã đội trưởng xã Phú Lương, ngày hoạt động hợp pháp, đêm bí mật trừ gian diệt ác. Một ngày rằm năm 1964, anh Thế đang đi chùa thì nhận được tin báo từ người cha ruột, có hai tên thám báo của địch đang hoạt động tại cầu Vũng Trèng thuộc thôn Vĩnh Lưu (xã Phú Lương). Đây là những tên đi “cấy” cơ sở phản động, nắm tình hình của cách mạng để bọn địch có kế hoạch đối phó, càn quét. Anh Thế mượn xe đạp của dân lập tức về nhà, xuống hầm bí mật, nơi nuôi giấu đồng chí Vinh, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy và đồng chí Chiến, chính trị viên huyện đội Phú Vang báo cáo tình hình. Anh Thế được các đồng chí Vinh, Chiến giao cây súng cạc- bin đi bắt thám báo. Ra đến khu vực cầu, súng lăm lăm giương về phía những tên thám báo, anh Thế dõng dạc hô: “Tất cả đồng bào nằm xuống”. Hai tên thám báo tưởng bị bao vây sợ hãi bỏ chạy. Anh Thế đuổi theo bắt sống được một tên. Một người dân đang cày ruộng cùng phối hợp bắt nốt tên còn lại. Với những hoạt động, đóng góp tích cực cho cách mạng, năm 1964 anh Thế được vinh dự kết nạp Đảng.

Sau chiến công bắt sống thám báo địch (được khen thưởng một cây súng cạc- bin), anh Thế bị lộ nên thoát ly lên rừng.  Đến năm 1966, anh Thế được đi học tại trường quân chính quân khu Trị Thiên và đầu năm 1968 về làm Đại đội trưởng C 118 huyện đội Phú Vang. Người đảng viên trẻ Lê Hữu Thế tiếp tục hoạt động tích cực ở vị trí chiến đấu mới, cùng đồng chí đồng đội gây nhiều tổn thất cho địch. Phía địch treo giải thưởng cao, hòng bắt được anh. Ngày 9/8/1968, khi cùng hai đồng chí khác đi công tác ở đầm Sam Chuồn (nay là đầm Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang) trinh sát để đại đội đánh cảng Thuận An, anh Thế bị điệp báo, bị lộ. “Chúng tôi ngâm mình dưới nước, giữa nò sáo của ngư dân. Bọn địch dùng hải thuyền và máy bay trực thăng quần thảo trên đầm từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nhổ hết sáo nò. Sau 12 giờ đồng hồ cầm cự, chúng tôi rơi vào tay địch. Sợ lộ bí mật, có thể thiệt hại cho cách mạng, nên tôi nhanh trí khai tên mình là Nguyễn Hoàng, hoạt động du kích”- ông Thế hồi tưởng lại. Sau 3 tháng bị giam ở trại giam Non Nước (Đà Nẵng), anh Thế cùng nhiều đồng chí khác bị địch đưa ra giam giữ tại nhà tù Phú Quốc, bắt đầu những tháng ngày đấu tranh cam go, đương đầu với đòn roi, tra tấn.

Kiên cường

Với tinh thần của người chiến sĩ cộng sản, trong nhà tù anh Thế tiếp tục tích cực hoạt động. Bị đưa từ trại giam này sang trại giam khác, anh Thế vẫn lần lượt giữ chức vụ Bí thư chi bộ, Đảng ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, cùng các đồng chí tổ chức đấu tranh đưa ra yêu sách, đòi quyền dân sinh, phản đối địch tra tấn đánh đập tù nhân, đồng thời tổ chức kết nạp đảng cho những đồng chí có tinh thần bất khuất, đấu tranh dũng cảm. “Địch biết điều đó nên số tù của tôi, con số 3945 luôn được chúng “xướng” lên trong các ngày lễ, tết. Những ngày này, địch đưa tôi đến các khu biệt giam, chuồng cọp, nơi được coi như chốn địa ngục trần gian, để giam giữ, đánh đập”. Anh Thế và đồng chí của mình biết có thể sẽ phải trút hơi thở cuối cùng trong chốn lao tù bởi chế độ khắc nghiệt, bởi đòn roi tra tấn. Vậy nên, các anh càng khao khát trở về với tự do, được sát cánh trong đội ngũ chiến đấu. Nhiều lần tổ chức vượt ngục thành công, nhưng anh Thế là một trong những người tình nguyện ở lại. “Nếu một lần đi đông quá có thể sẽ bị địch phát hiện bắt giữ lại hoặc có thể bắn chết, cho nên chúng tôi nhường anh em nào lớn tuổi, sức khỏe yếu hoặc giữ chức trọng trách ra trước, tìm cách liên lạc với tổ chức ở ngoài”.

Người cựu tù cộng sản nay đã 74 tuổi nhớ như in một buổi trưa “nghẹt thở” năm 1971, khi phát hiện hai tên lính ngủ trong lúc canh gác. Mặc dù xung quanh chằng chịt 13, 14 lớp kẽm gai, nhưng ngay tức khắc anh Thế cùng một đồng chí khác vẫn quyết định vượt ngục. Trèo qua hàng rào “ruồi cũng khó chui lọt” đó, thân thể các anh rách bươm, máu nhuộm đỏ. Nhưng thật đáng tiếc, ngay sau khi thoát ra ngoài, các anh bị bọn địch phát hiện bắt giữ. Cả hai anh bị địch đưa vào khu biệt giam. Đó là nơi giam giữ rất chật chội. Tù nhân ăn ở sinh hoạt ngay cạnh chiếc thùng đi vệ sinh. Mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Bọn địch còn cố tình trộn thật nhiều muối vào cơm, trong lúc khẩu phần nước (sử dụng để uống, đánh răng rửa mặt…) mỗi ngày một người chỉ được lưng ca. Hai bữa ăn trong ngày chúng đưa cách nhau một tiếng đồng hồ. Thiếu chất, suy dinh dưỡng, người rụng răng, người nổ mắt. Đã vậy, tù nhân trong khu biệt giam bị địch đánh đập ngày mấy bận. Bị đập vào mặt máu te tua cũng không đáng sợ bằng cách tra tấn dùng dùi cui đập các khớp chân, khớp tay. Vậy nhưng anh em trong khu biệt giam chẳng ai sờn lòng.

Sau lần vượt ngục bất thành, người tù cộng sản đã trải qua ròng rã 330 ngày ở chốn địa ngục trần gian như thế, vẫn một lòng trung kiên với Đảng, với cánh mạng. Còn 3 ngày nữa trước khi được trao trả, nhưng anh Thế vẫn bị địch tra tấn bằng điện. Thế nhưng, trong những ngày bị tra tấn khốc liệt, thân thể bầm giập, anh và các đồng chí khác vẫn âm thầm chuẩn bị may cờ giải phóng. Giây phút được trao trả tại sân bay Tây Ninh, những cựu tù cộng sản bị giam cầm trong nhà tù Phú Quốc nghẹn ngào xúc động, kiêu hãnh và tự hào phất cao những lá cờ giải phóng, tượng trưng cho ước nguyện và ý chí của một dân tộc anh hùng, bất khuất. Niềm kiêu hãnh và tự hào đó, ông Lê Hữu Thế người đảng viên 53 năm tuổi Đảng, mang theo nguyên vẹn cho đến tận bây giờ.

Sau khi được trao trả, ông Thế được cử đi học tại Trường quân chính quân khu Trị Thiên. Năm 1974, ông vào Nam chiến đấu. Sau giải phóng, ông Thế về quản lý trại giam ngụy quân ngụy quyền số 23 đóng trên địa bàn huyện Phong Điền; rồi công tác tại Ban tham mưu của huyện đội Phú Vang, Chủ nhiệm hậu cần của huyện đội huyện Hương Phú (cũ) cho đến lúc nghỉ hưu. 

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG (15/4/1974 - 15/4/2024)
Mài sắc ý chí, gan dạ, dũng cảm

50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cùng với lực lượng công an toàn tỉnh, lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) không ngừng nỗ lực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; vì sự bình yên cuộc sống của Nhân dân.

Mài sắc ý chí, gan dạ, dũng cảm
Đông Nam Á hiện đại hóa có chọn lọc để phát triển cởi mở, toàn diện và kiên cường

Hãng tin The Straistimes dẫn nhận định của lãnh đạo Singapore rằng, không phải nền văn minh bản địa, mà một tập hợp các nền văn hóa đang phát triển đã giúp các quốc gia Đông Nam Á cởi mở và hòa nhập, đồng thời mang lại cho khu vực nói chung và các nước trong khu vực nói riêng khả năng phục hồi.

Đông Nam Á hiện đại hóa có chọn lọc để phát triển cởi mở, toàn diện và kiên cường
APEC 2023:
Các Bộ trưởng APEC ra tuyên bố chung

Các bộ trưởng từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa cùng nhau bế mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC 2023 diễn ra tại San Francisco. Tại đây, các bộ trưởng đã ban hành một tuyên bố chung nhằm thúc đẩy hơn nữa một khu vực APEC kết nối, truyền cảm hứng cho sự đổi mới và bền vững, cũng như thúc đẩy một châu Á - Thái Bình Dương hoà nhập.

Các Bộ trưởng APEC ra tuyên bố chung
Sức trẻ với ý chí và trách nhiệm

Dù mới vào đầu mùa sơ tuyển, thế nhưng tại huyện Quảng Điền xuất hiện nhiều thanh niên là những đoàn viên viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nối tiếp truyền thống vẻ vang của cha ông, thể hiện ý chí, trách nhiệm đối với Tổ quốc, sẵn sàng lên đường bảo vệ quê hương, đất nước.

Sức trẻ với ý chí và trách nhiệm
Return to top