ClockThứ Ba, 15/08/2017 08:20

Y học cổ truyền đã được dân tin

TTH - Bên cạnh lĩnh vực tây y, những năm gần đây ngành y học cổ truyền (YHCT) ở Thừa Thiên Huế không ngừng phát triển, tạo niềm tin trong khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân.

Phủ khắp

TS. Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế đánh giá, mạng lưới YHCT từ tỉnh đến cơ sở phát triển mạnh về nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ tốt nhu cầu KCB. Hoạt động mạnh nhất là bệnh viện (BV) YHCT tỉnh. Đây là BV chuyên khoa hạng II được đầu tư khang trang với 120 giường bệnh, đầy đủ các khoa, phòng chức năng và đội ngũ y, bác sĩ vững về chuyên môn đáp ứng nhu cầu KCB không chỉ cho người dân địa phương. Hàng năm, BV nghiên cứu nhiều đề tài khoa học đưa vào ứng dụng KCB hiệu quả. Điển hình như điều trị đau xương khớp, thoái hóa cột sống bằng thủy điện châm kết hợp với lazer châm; điều trị đau vai gáy thể phong hàn bằng phương pháp xoa bóp, điện châm và thuốc thang; điều trị viêm khớp dạng tê thấp bằng xông hơi thuốc… Mỗi ngày, BV thu hút từ 250-300 lượt người đến khám điều trị, công suất giường luôn vượt 100%. Ngoài hoạt động KCB, BV tiến hành đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, nâng cao chất lượng KCB trong lĩnh vực YHCT.

Tại tuyến huyện, thị xã, đến nay đều thành lập khoa YHCT ở các BV. Khoa YHCT ở các BV có từ 10 - 20 giường bệnh, khoảng 7-10 cán bộ y, bác sĩ, trang bị đầy đủ thiết bị, máy sắc thuốc tự động, máy xoa bóp, máy điều trị tần phổ, đèn hồng ngoại, máy điện châm… góp phần vào hoạt động KCB cho người dân. Ở tuyến xã, phường, hiện nay 100% trạm y tế đều có y, bác sĩ chuyên trách KCB về YHCT; có đầy đủ các trang thiết bị, quầy thuốc đông dược, máy điện châm, đèn hồng ngoại... và xây dựng vườn thuốc Nam, trong đó có từ 40- 60 cây thuốc theo danh mục của Bộ Y tế quy định, góp phần đẩy mạnh xây dựng xã, phường, thị trấn đạt “Chuẩn quốc gia về y tế” và “Tiên tiến về YHCT”.

Tạo lòng tin cho bệnh nhân

Ngoài các cơ sở KCB bằng YHCT công lập, đến nay trên địa bàn có hàng trăm hội viên thuộc Hội Đông y các cấp được cấp phép hoạt động. Đồng thời, có hơn 150 cơ sở tư nhân hoạt động về lĩnh vực đông y; trong đó, có nhiều địa chỉ lan tỏa “thương hiệu” đến các tỉnh, thành trong cả nước, như Trung tâm Ứng dụng- Kế thừa Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, chùa Hải Đức, phòng khám Nguyễn Quang Hợp...

Cuối tháng 7, chúng tôi đến Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà, một trong những đơn vị điển hình với 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về YHCT. Bác sĩ CKII Lê Đình Thao, Giám đốc Trung tâm cho biết, khoa thành lập từ năm 2007, có 14 giường bệnh, 8 cán bộ; trong đó có 3 bác sĩ. Hiện nay, tổng số người KCB tại khoa này chiếm bình quân hơn 30% trong số người KCB của BV thị xã Hương Trà. Bác Lê Văn Hải ở Phú Ốc, phường Tứ Hạ điều trị ở đây chia sẻ: “Tôi bị gai cột sống và tê chân phải, đi lại khó khăn. Nghe người quen giới thiệu, tôi vào đây để điều trị  bằng châm điện và uống thuốc sắc. Mới qua hơn 3 ngày đã thấy chân không còn tê như trước. Điều vui hơn là các y, bác sĩ ở đây hàng ngày thường xuyên lui tới, ân cần tư vấn thăm khám bệnh nhiệt tình”. Bác sĩ Lê Đình Thao thông tin thêm, hiện 16 trạm y tế ở thị xã Hương Trà đều có phòng khám YHCT thu hút đông bệnh nhân. Bình quân, mỗi ngày đón từ 15-20 lượt bệnh/trạm. Hiện hầu hết cán bộ y tế phụ trách lĩnh vực YHCT ở các trạm đã, đang theo học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn trở thành bác sĩ YHCT.

Không chỉ thị xã Hương Trà, mà ở Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy… cũng đang triển khai công tác KCB bằng phương pháp YHCT, một số kỹ thuật mới được áp dụng, chất lượng điều trị ngày càng tạo được lòng tin với bệnh nhân. Số lượt KCB tăng bình quân từ 6.000 - 7.000 lượt người/năm; số bệnh nhân điều trị nội trú tăng hơn 20%/năm. Tại trạm y tế xã, phường, công tác KCB bằng YHCT gần đây chuyển biến tốt. Hàng năm, các cơ sở đều đạt trên 30% trong tổng số người đến KCB.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Nam Hùng cho biết, việc triển khai công tác KCB bằng YHCT trên địa bàn phát triển mạnh. Đây là điều kiện quan trọng để góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Tuy nhiên, để góp sức vào thành công đó, tỉnh, ngành y tế tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực YHCT; trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị phù hợp với chiến lược phát triển YHCT theo hướng hiện đại kết hợp YHCT và y học hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng những bài thuốc quý từ Thái Y viện của triều Nguyễn đang sưu tầm, kế thừa để áp dụng rộng rãi trong việc KCB cho người dân không chỉ ở Thừa Thiên Huế.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày đầu năm tăng hơn thường lệ. Các bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch, bổ sung nhân lực hỗ trợ nhằm tránh tình trạng chờ đợi; thậm chí có nơi khám xuyên trưa cho bệnh nhân ngoại tỉnh…

Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết
Bác sĩ cho mọi nhà

Tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa với phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” (BSCMN) đã tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số ngành y.

Bác sĩ cho mọi nhà
Khám bệnh, cấp thuốc cho 500 người dân Quảng Điền

Ngày 10/12, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng mưa lũ ở Quảng Điền.

Khám bệnh, cấp thuốc cho 500 người dân Quảng Điền
Return to top