Thể thao

Yến Hoa & 2 HCV SEA Games 29

ClockThứ Bảy, 09/09/2017 12:56
TTH - Ở tuổi 27, Trần Thị Yến Hoa là chị cả của đội tuyển điền kinh nữ Việt Nam tại SEA Games 29. Tài năng của cô dù đã được biết đến khá lâu nhưng phải đến SEA Games này, tài năng đó mới được khẳng định với 2 chiếc HCV đồng đội và cá nhân…

Gặp mặt hai VĐV Huế giành HCV tại SEA Games 29Đón và chúc mừng 2 VĐV Huế giành HCV tại SEA Games 29Thừa Thiên Huế góp 2 huy chương vàng cho đoàn TTVNYến Hoa & Niềm hy vọng “đổi màu” huy chương

Yến Hoa (thứ 3, trái sang) tại buổi gặp mặt chúc mừng của lãnh đạo tỉnh

Hậu duệ nhà Trần

Quê hương của Yến Hoa là xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. “Từ tấm bé, ba em vẫn thường nói với em rằng nhà mình là hậu duệ của nhà Trần. Sau này các con làm gì thì cũng nhớ lấy niềm tự hào đó…”.

Trần Thị Yến Hoa đến với thể thao một cách tự nhiên. Ngay từ hồi còn học tiểu học cô đã đam mê và chơi tốt các môn thể thao từ chạy, nhảy, bơi đến đá bóng nữ. Các giải thể thao, Hội khỏe Phù Đổng của trường, của huyện Yến Hoa đều được chọn tham gia và đạt giải cao.

Năm 14 tuổi, Trần Thị Yến Hoa được chọn vào đội tuyển năng khiếu điền kinh của Quân đội và tập luyện, thi đấu cho đến năm 2010. Cô kể: “Khoác áo Quân đội, em cũng đã giành được nhiều huy chương ở các giải trong nước. Em cũng thấy môi trường ở đó rất tốt; nhưng em vẫn muốn thay đổi môi trường và quyết định thi vào Trường đại học TDTT Trung ương 3 Đà Nẵng…”.

Với việc quyết định vào miền Trung học đại học là một bước ngoặt cho sự nghiệp thi đấu điền kinh của cô bé “hậu duệ nhà Trần”. Theo lời kể của Yến Hoa thì lớp học của cô có đến 3 VĐV trở thành nhà vô địch SEA Games là Trương Thanh Hằng từng 3 lần vô địch SEA Games ở các cự ly trung bình 800m, 1.500m; Phạm Thị Bình HCV môn marathon tại SEA Games 27 và bây giờ là Trần Thị Yến Hoa HCV đồng đội nội dung 4x100m tiếp sức và HCV 100m rào nữ…

Tấm gương tự học

 Với thành tích 13 giây 40, Yến Hoa đã giúp điền kinh Việt Nam giải tỏa cơn khát HCV nội dung 100m rào sau 22 năm, kể từ khi đàn chị Vũ Bích Hường lên ngôi tại Thái Lan năm 1995.

Để có được những giây phút thăng hoa tại đấu trường SEA Games, ít ai biết cô gái gốc Nam Định này phải trải qua nhiều vất vả, khó nhọc trong những tháng năm gắn bó với nội dung 100m rào. Bởi không như ở các nội dung khác, nội dung 100m rào của Yến Hoa không có HLV chuyên ngành mà cô phải tự học, tự tìm tòi những kỹ thuật để hoàn thiện kỹ năng cho mình.

HLV Vũ Ngọc Lợi là người phụ trách huấn luyện cho Trần Thị Yến Hoa. “Bác Lợi là người bác đồng hương của em, cũng là người đã phát hiện ra năng khiếu của em. Nhưng chuyên môn của bác không phải là nội dung 100m rào. Hơn nữa, bác cũng có tuổi rồi nên không thể thị phạm cho VĐV được… Vì thế bác chỉ giao giáo trình cho em tự tập luyện”, Hoa kể.

Tại SEA Games 28 cách đây 2 năm, Yến Hoa cũng đầy hy vọng giành chiếc HCV ở nội dung 100m rào. Nhưng thật không may là ngay ở rào cuối cùng, Hoa bị vấp để hai đối thủ người Thái Lan và Indonesia vượt qua nên chỉ giành HCĐ. Từ cú vấp ngã này, Yến Hoa đã nhận ra một điều: “Để giành được HCV ở nội dung 100m rào thì mình cần hoàn thiện thêm kỹ thuật. Khác với các nội dung chạy bình thường, chạy vượt rào cần hội đủ các điều kiện: sức mạnh, tốc độ, phản xạ và nhịp điệu. Trong đó, yếu tố giữ được nhịp điệu là vô cùng quan trọng để tránh được sự cố vấp rào…”.

Nhưng như đã nói, do điền kinh Việt Nam chưa có HLV chuyên sâu về chạy vượt rào nên Trần Thị Yến Hoa đã tự mình mày mò trên internet kỹ thuật chạy rào của các VĐV điền kinh nổi tiếng của thế giới. Chính kỹ thuật từ các clip được Yến Hoa xem đi xem lại nhiều lần đã giúp cô hoàn thiện kỹ thuật chạy, nhất là nhịp điệu chạy.

Tuy nhiên, Yến Hoa cũng thú thật: “Kỹ thuật chạy rào của em vẫn chưa tốt. Ngay khi về đích và biết mình đoạt HCV nhưng em không vỡ òa cảm xúc như các bạn khác bởi biết thành tích 13 giây 40 của mình vẫn còn thua thành tích của cô Vũ Bích Hường năm 1995 là 13 giây 36 hay thành tích kỷ lục SEA Games của một VĐV Thái Lan là 12 giây 28… Em nghĩ nếu em có một HLV chuyên sâu, hướng dẫn khi tập luyện thì thành tích của em sẽ tốt hơn”.

Mối duyên với Huế

Sinh ra lớn lên ở Nam Định, trưởng thành từ môi trường thể thao Quân đội, học đại học ở Đà Nẵng và Huế là nơi Trần Thị Yến Hoa bén duyên để rồi tỏa sáng mang vinh quang về cho thể thao Cố đô. Trần Thị Yến Hoa kể: “Trước giờ thi đấu nội dung 100m rào, em đã nhắn tin cho mẹ và bạn trai của em ở Huế. Sau khi em giành HCV, điện thoại về nhà mẹ nói không nên lời: “Mẹ thở không nổi khi con chạy con gái ơi”. Còn bạn trai em thì nói nhiều hơn,… nhưng cho em giữ bí mật nhé”.

Trần Thị Yến Hoa đầu quân cho thể thao Huế từ năm 2014 và những chiếc huy chương mà cô gặt hái được đủ để khẳng định thể thao Huế đã tìm được “vàng ròng” từ cô gái thành Nam. “Em xa nhà để gắn bó với điền kinh từ năm 10 tuổi. Xa nhà đã thành quen nên những nơi em đến và gắn bó đều như là quê hương. Huế cũng vậy, đó là quê hương cũng là tình yêu của em…”.

Trần Thị Yến Hoa rất vui là trong buổi gặp mặt sau khi trở về từ SEA Games 29 khi mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đã khen ngợi và hứa sẽ sớm tuyển dụng Yến Hoa vào biên chế của ngành thể thao Huế. Đây cũng là động lực để Trần Thị Yến Hoa tiếp tục rèn luyện và cống hiến cho thể thao Huế và thể thao Việt Nam, mà cái đích lớn nhất chính là ASIAD 2018.

Bài, ảnh: PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASIAD 2023: Thể thao Việt Nam chờ huy chương điền kinh

Trong ngày 2/10, đoàn Thể thao Việt Nam sẽ thi đấu ở 9 môn. Tâm điểm sẽ là môn điền kinh với những nội dung chung kết quan trọng tại một trong những SVĐ đẹp nhất thế giới, được thiết kế với hình dáng của hoa sen, ở thành phố Hàng Châu của Trung Quốc.

ASIAD 2023 Thể thao Việt Nam chờ huy chương điền kinh
Trao thưởng Giải Điền kinh học sinh toàn quốc năm 2022

Sáng 13/1, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức báo cáo và khen tặng thành tích của các Đoàn tham gia tại Giải Điền kinh học sinh phổ thông và Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP - AN) học sinh trung học phổ thông toàn quốc năm 2022.

Trao thưởng Giải Điền kinh học sinh toàn quốc năm 2022
Return to top