ClockThứ Năm, 06/11/2014 14:36

10 đồng và 9 đồng

TTH - Đó là cách nói vừa ví von, vừa hình tượng lại vừa rất cụ thể của ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh những hệ lụy của tình trạng xe chở quá tải trọng “hoành hành” trên các cung đường giao thông. “Ví dụ ta đầu tư 10 đồng về việc làm mới các công trình, duy tu bảo dưỡng tốt thì công trình kéo dài 10 năm – ông Cường nói – Ta quản lý không tốt về tải trọng xe thì sau 1 năm công trình này bị hỏng rồi và làm lại rồi. Như vậy ta mất 9 đồng. Cứ bỏ ra 10 đồng thì mất 9 đồng nếu ta quản lý không tốt việc tải trọng xe gây lãng phí tài sản quốc gia.”

Đây là một vấn đề đang nổi cộm trong quản lý và vận hành ở lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải toàn tuyến, chứ không chỉ khu trú ở một địa phương đơn lẻ nào. Việc đầu tư, nâng cấp cũng như sửa chữa các tuyến đường là một nỗ lực của Chính phủ và các cấp chính quyền trong thời gian qua. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này đều có nguy cơ bị phá vỡ trước tình trạng xe chở hàng quá tải. Nhất là khi việc chở quá tải từ 20%-30% đã trở thành phổ biến; tình trạng xe chở hàng vượt 100%, thậm chí đến 200% và hơn nữa cũng đã xảy ra. Cách đây ít lâu, báo Nhân dân dẫn nguồn một nghiên cứu cho thấy, xe chở vượt quá tải trọng trục 50% sẽ làm cầu đường giảm tuổi thọ xuống hai lần, vượt 100% thì tuổi thọ sẽ giảm 9 lần. Trong khi đó, vẫn có nhiều công trình giao thông còn thiếu đồng bộ, chất lượng thi công tồn tại nhiều vấn đề, kinh phí không chỉ thiếu để chi phí cho quản lý mà còn cả trong bảo dưỡng thường xuyên... Tất cả những điều này dẫn đến việc xuống cấp ngày mỗi nhanh hơn.

Phương tiện nhanh hư hỏng, tiềm ẩn tai nạn giao thông, tính mạng của người tham gia giao thông bị đe dọa... là những hệ lụy khác đã và đang diễn ra trong thực tiễn đời sống. Song còn có một hệ lụy khác nữa, nặng nề hơn, khó chữa hơn, khi những hành vi cố tình làm trái với quy định sẽ gây nên sự hoài nghi nếu việc giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng và công quyền không đủ mạnh, hoặc không được thực thi thấu đáo. Đó cũng là căn nguyên của việc cạnh tranh không lành mạnh về giá cước ở các đơn vị vận tải. Đây cũng là vấn đề được các doanh nghiệp trên địa bàn tập trung phát biểu tại buổi làm việc vào cuối tuần qua của Đoàn công tác Tổng cục Đường Bộ Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu tại Thừa Thiên Huế. Sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát tải trọng xe, phân bố lại tỷ trọng giữa các loại hình vận tải để tạo ra một mặt bằng giá mới, tuân thủ quy luật thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn có lãi, các ngành vận tải khác có điều kiện phát triển hơn... là những vấn đề đã được ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh khi kết luận tại buổi làm việc này. Một vấn đề mà dư luận quan tâm ở đây là làm thế nào tạo được một môi trường lành mạnh trong hoạt động kiểm tra, giám sát, để doanh nghiệp vận tải không phải làm giá (cước vận tải) và người dân không phải lo âu trước những hiểm họa tai nạn giao thông chực chờ trên các tuyến đường...

Lê Nguyễn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top