ClockThứ Bảy, 31/12/2016 10:33

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2016

Với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng rất đáng tự hào, năm 2016 chuẩn bị khép lại với nhiều sự kiện tiêu biểu. Dưới đây là những sự kiện nổi bật:

1. Đại hội Đảng lần thứ XII thành công tốt đẹp

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20-28/1/2016, đã thành công tốt đẹp.

Đại hội cũng đã tổng kết 30 năm đổi mới và đề ra định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại hội lần thứ XII của Đảng có ý nghĩa to lớn, định hướng những bước đi của đất nước trong 5 năm tới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là kết quả của việc phát huy cao độ tinh thần dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, đổi mới trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội.

2. Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp thành công

Tháng 5/2016, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức thành công.

Ngay sau đó, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV đã kiện toàn tổ chức, nhân sự bộ máy nhà nước. Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội và người dân cả nước. Cả bộ máy đã bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội với một động lực mới: xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.

3. Sự cố môi trường biển Formosa và chủ trương không phát triển kinh tế bằng mọi giá

Lãnh đạo Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam vì đơn vị này đã xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Sự cố này đã gây hậu quả nặng nề đối với sản xuất và đời sống của người dân.

Hiện môi trường các tỉnh miền Trung đã an toàn. Nhiều lần khẳng định “không đánh đổi môi trường lấy dự án”, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã và đang xử lý nghiêm các sai phạm của Formosa, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh.

Năm 2016 cũng là năm môi trường nhiều địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại Hà Nội, hàng ngàn tấn cá đã chết tại Hồ Tây, hồ Linh Đàm… do thiếu ô xy đã bộc lộ ra nhiều vấn đề trong kiểm soát các nguồn xả thải ra môi trường.

4. Tổng thống Mỹ B.Obama sang thăm Việt Nam và loạt hoạt động ngoại giao rộng khắp trong, ngoài nước

Cuối tháng 5, sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam với Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thu hút sự quan tâm của không chỉ giới học giả, người dân Việt Nam mà với cả truyền thông thế giới.

Tiếp theo đó là loạt hoạt động đối ngoại sôi động của các nhà lãnh đạo Việt Nam tại các nước cũng như các nước tại Việt Nam. Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công các hội nghị cấp cao ACMECS-7, CLMV-8, WEF Mekong, hội nghị cấp cao không chính thức quan chức APEC…

Các hoạt động này đã khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán và quyết tâm hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, góp phần tiếp tục duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

5. Quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chống tham nhũng

Từ thông tin Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đi xe Lexus gắn biển xe công trên đường phố đã mở đầu cho một loạt vụ việc bị phanh phui. Văn phòng Trung ương Đảng ngay sau đó đã truyền đi chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ vụ việc liên quan và cơ quan chức năng vào cuộc điều tra các sai phạm, phát lệnh truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh. Thông qua vụ việc này, nhiều cán bộ liên quan cũng đã bị xử lý và đặc biệt xem xét  trách nhiệm của những người đã về hưu.

Năm qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử, nhiều sai phạm trong công tác cán bộ được đưa ra ánh sáng, nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật.

6. Mưa lũ khắc nghiệt ở miền Trung

Sau khi chịu những đợt hạn hán kéo dài, tới tháng 10, mưa lũ đã hoành hành ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh khiến nhiều người thiệt mạng và thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.  Tháng 11,12 vừa qua, các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lại hứng chịu những đợt mưa lũ liên tiếp khiến hơn 100 người thiệt mạng. Riêng Bình Định, mưa lũ đã kéo lùi sự phát triển của tỉnh này trở về 10 năm trước. Thủ tướng đã chỉ đạo giảm học phí cho học sinh Bình Định và quyết tâm khắc phục hậu quả mưa lũ, không để người dân nào chịu đói.

Việc này cũng đặt ra yêu cầu phải xây dựng chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu khu vực miền Trung, Tây Nguyên để có những giải pháp lâu dài, căn cơ.

7. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục

Được Thủ tướng chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, 2016 cũng chứng kiến làn sóng doanh nghiệp mới thành lập nhiều chưa từng có. Tính đến hết 11 tháng, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có xấp xỉ 102.000 doanh nghiệp mới thành lập, so với con số cả năm 2015 là hơn 94.700. Cùng với đó, cả nước có hơn 24.500 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng gần 32% so với cùng kỳ.

Năm 2016, Việt Nam cũng tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới nhờ cải thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, tiếp cận điện năng…

8. Việt Nam ký 3 Hiệp định thương mại, kết thúc đàm phán 2 FTA

Ngày 5/5/2015, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc chính thức được ký kết tại Hà Nội. Hai bên đã thống nhất toàn bộ nội dung hiệp định mang tính toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích.

Ngày 29/5/2015, tại Cộng hòa Kazakhstan, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu được ký kết. Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

Ngày 4/8/2015, sau gần 3 năm, từ ngày 26/6/2012, với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ ở các cấp bộ trưởng, trưởng đoàn và các nhóm kỹ thuật, Việt Nam và EU đã công bố việc kết thúc cơ bản đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU.  Hai bên xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay.

9. Nợ Chính phủ vượt trần

Nợ của Chính phủ lần đầu được công bố vượt trần 50% GDP năm 2015. Tỷ lệ này tiếp tục tăng lên mức 53,2% vào cuối năm khiến Chính phủ phải xin Quốc hội nới trần nợ công giai đoạn 2016-2020 và được chấp thuận ở mức 54% GDP.

Việc tăng vay nợ của Chính phủ năm 2016 chủ yếu nhằm bù đắp bội chi, trả nợ công, chi đầu tư phát triển cũng như bảo lãnh các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước vay... Trong bối cảnh gánh nặng trả nợ gia tăng cùng với việc tái cơ cấu thời hạn vay, vấn đề kỷ luật chi tiêu, đầu tư được đặt ra mạnh mẽ nhằm đảm bảo an ninh, nguồn lực tài chính cho Việt Nam trung và dài hạn.

10. Tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu

Tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến chỉ đạt 6,21%, so với chỉ tiêu 6,7% cũng như mục tiêu trung bình của nhiệm kỳ 6,5-7%.

Nguyên nhân kìm hãm đà tăng trưởng GDP là do sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp chịu ảnh hưởng của thiên tai, sự cố môi trường và giá cả hàng hóa trên thế giới… Những yếu tố này cũng khiến xuất khẩu toàn nền kinh tế không đạt mục tiêu tăng trưởng 10%.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, dù không đạt mục tiêu nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, giá cả và thương mại toàn cầu giảm, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công./

Theo Toquoc.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày 31/5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kinh tế - xã hội

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 31/5 Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Ngày 31 5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kinh tế - xã hội
A Lưới phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 12%

Ngày 13/12, Huyện ủy A Lưới tổ chức Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XII), để đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), quốc phòng - an ninh năm 2022; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và thông qua một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

A Lưới phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 12

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top