ClockThứ Bảy, 04/08/2018 07:15

18 năm tìm hài cốt liệt sĩ trên núi Truồi

TTH - Giữa tháng 7, chúng tôi tìm về bên núi Truồi để nghe những câu chuyện 18 năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên núi Truồi của một người cựu chiến binh.

Chuyện hậu cần của bộ đội 192Đưa các anh về với đất mẹLập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên toàn quốc

Ông Đặng Công Thái miêu tả lại từng vị trí trên núi Truồi

18 năm tìm kiếm

Từ đầu cổng chào báo hiệu địa phận xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc chúng tôi dừng xe và hỏi nhà ông Đặng Công Thái thì ai cũng biết. Qua cầu Khe Dài, men theo con đường đồi gồ ghề, chúng tôi tìm thấy ngôi nhà cấp bốn nằm ở lưng chừng núi Truồi.

Mời chúng tôi bằng đặc sản nước chè Truồi, ông Thái bắt đầu kể hành trình 18 năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trên núi Truồi. Tháng 7/2002, lần đầu tiên ông tham gia một cuộc tìm kiếm, đó là theo đoàn đến từ Hà Tây (nay là Hà Nội). Khi đó ông là trưởng thôn nên được giao phối hợp dẫn đường. Lên đỉnh 301, đi về phía tây bắc thấy một cái hầm sâu, theo hồ sơ ghi lại, từ cửa hầm đi thêm 7 bước là ngôi mộ. Lúc đào xuống, đúng là có hài cốt.

Một lần tìm kiếm trên cao điểm 703, cả đoàn gồm 8 người, thời gian di chuyển vào đến nơi mất một ngày, buộc phải nấu cơm và ngủ lại trong rừng. Mất thêm một ngày nữa mới tìm ra được hài cốt. Đặc điểm của ngôi mộ này khó có thể tưởng tượng được, nhìn vào như một cụm đá nằm bên sườn đồi. Theo lời kể của đồng đội, hôm đó, ở cao điểm 703 diễn ra trận đánh, do không thể đưa thi thể xuống khu vực chôn tập trung nên buộc phải mai táng ngay lúc đó. Đồng đội đặt thi thể người hy sinh nằm trên tảng đá lớn và lấy đá lấp lên làm mồ.

Đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên núi Truồi

Sau khi khoanh vùng, cả đoàn đi dọc theo con đường mòn, đến gần bên cạnh ngôi mộ nhưng không ai nghĩ là đó. Vô tình họ thấy trên tảng đá có dòng chữ không rõ nét, rêu xanh che mờ gần hết. Làm sạch thì thấy trên đó khắc dòng chữ “Chiến sĩ người ở Hưng Yên”. Cả đoàn gỡ từng viên đá ra, dưới đó đúng là có một bộ hài cốt phân hủy gần hết, chỉ còn áo quần và một số vật dụng được chôn cùng. Theo ông Thái, đây là lần tìm kiếm để lại nhiều kỷ niệm nhất, bởi do đi tìm kiếm đến 3 ngày trong rừng, gạo mang theo ít nên không thể nấu cơm, ai cũng đói bụng. May mà có những người dân đi rừng ngang qua mới xin được thức ăn. Chuyến đi may mắn khi nhìn thấy được tảng đá có khắc chữ, nếu không ở giữa rừng xanh, địa hình hiểm trở sẽ khó tìm thấy.

Hôm chúng tôi về núi Truồi, chỉ một ngày trước đó có đoàn tìm kiếm từ Phú Thọ vào và đã cất bốc được hài cốt đem về. Đi theo đoàn là một người đồng đội cùng chiến đấu ở cao điểm 224. Người này kể lại, ông cùng một đồng đội nữa đưa thi thể đồng đội xuống nhưng do trận đánh diễn ra ác liệt nên buộc phải chôn ngay. 43 năm, ông quay lại và đã quên địa hình, may mà có sơ đồ mới tìm thấy.

Ông Thái nhớ lại, cách đây chục năm, có đoàn vào tìm kiếm, hôm đó ông bị đau chân không thể tham gia. Sau 2 ngày, cuộc tìm kiếm kết thúc, đoàn phải ra về. Sau đó ông lên khảo sát lại, quan sát địa hình, từ sơ đồ tác chiến, thi thể phải chôn về phía đông nam của núi Truồi, chứ không thể tây bắc (nơi đoàn tìm kiếm) vì ở phía trước là đồn địch, ông chắc chắn ngôi mộ còn nằm nơi này. Khi chuẩn bị điện báo thì người đồng đội điện vào hỏi thăm, ông liền nói: “Vào đưa ông Mạ ra, tôi tìm được vị trí mộ rồi”. Sau đó không lâu, đoàn vào và cất bốc mộ đưa về quê".

Mong các anh được về nhà

Từ 2002 đến nay, ông Thái tham gia vào 105 đợt tìm kiếm và tìm được 57 hài cốt các liệt sĩ. Đợt nào nhanh thì tìm kiếm trong 3 ngày, lâu hơn là 1-2 tuần. Điều may mắn là, tất cả 105 đoàn đến, chưa có đoàn nào về không, đều đạt được mục đích. Gần 20 năm tìm kiếm, giờ ông Thái thuộc lòng những địa điểm trên núi Truồi, là cao điểm 303, 224, 273, 703, đồi 50, 304 (mõm Con Sóc) núi Bông, núi Nghệ…

“Kinh nghiệm nhiều lần tìm kiếm cho thấy, hài cốt thường nằm dưới những lùm đất hơi nhô lên, chiều dài từ 1,5-2m, đào xuống khoảng 60 phân sẽ thấy”, ông Thái chia sẻ.

Nhiều người vào hỏi sao ông làm việc này, ông Thái đáp rằng, các bác, các anh hy sinh, chiến đấu để giải phóng, giành độc lập cho chúng tôi thì chúng tôi có trách nhiệm. “Qua tài liệu tôi tìm hiểu, trước đây, núi Truồi là căn cứ của địch để bảo vệ sân bay Phú Bài, được gọi là mặt trận lửa của Thừa Thiên. Năm 1975, để giành lợi thế, tiến đến giải phóng Huế, một tiểu đoàn được lệnh lấy chốt này, dưới sự đánh trả của địch, chỉ còn sống sót 1 đại đội, mới thấy sự hy sinh là quá lớn”, ông Thái bùi ngùi.

“Hiện nay trên núi Truồi vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, để về với đất mẹ. Tôi sẽ vẫn tiếp tục tìm, khi nào không còn sức nữa”, ông Thái khẳng định chắc nịch.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Khảo sát khu vực mộ liệt sĩ tập thể tại huyện A Lưới

Ngày 24/11, Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh do Thượng tá Trần Đình Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị dẫn đầu, cùng với cán bộ, nhân viên Đội quy tập 192, Ban CHQS huyện A Lưới và lực lượng của xã Hồng Hạ đã tiến hành đi khảo sát khu vực mộ chôn tập thể do cựu chiến binh Mỹ cung cấp tại xã Hồng Hạ, huyện A Lưới.

Khảo sát khu vực mộ liệt sĩ tập thể tại huyện A Lưới
Triển khai tìm kiếm 2 ngư dân đang trôi dạt trên biển

Ngày 13/11, theo chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Đồn Biên phòng Vinh Hiền đã triển khai lực lượng, phối hợp với lực lượng địa phương, tổ chức tìm kiếm 2 ngư dân trôi dạt trên biển.

Triển khai tìm kiếm 2 ngư dân đang trôi dạt trên biển

TIN MỚI

Return to top