ClockThứ Hai, 06/07/2020 14:57

20 năm gắn bó với nghề mài dao

TTH - Đường Nguyễn Tất Thành (TX. Hương Thủy) lúc 2h chiều, trời nắng như đổ lửa. Cạnh con đường quen thuộc, ông Đỗ Ngọa nhấp ngụm nước, lau những dòng mồ hôi. Hít một hơi thật dài, tiếp tục leo lên xe đạp, cụ ông đã 73 tuổi rướn những vòng quay lặng lẽ trên con đường trở về nhà.

Nhiều việc làm mới cho người lao động A Lưới

Mỗi ngày cụ ông 73 tuổi phải đi hơn 60km để hành nghề

Nghề… nội trợ

Dao kéo là công cụ của bếp núc. Vì vậy, khi chiếc dao cùn, các bà nội trợ thường khéo léo mài bằng cách liếc dao qua đế chén, tô hoặc đá mài. Trong gia đình là thế, nhưng với những người bán thịt, xương, con dao là thứ quý giá. Để phục vụ khách hàng, họ cần dao thật bén, cầm vừa tay, chiếc chặt xương to, nặng bao nhiêu thì dao xắt thịt phải nhẹ, bổng bấy nhiêu. Thế nhưng không phải ai cũng biết mài dao, hoặc dù biết thì nước dao cũng không bén, ngọt. Nghề của cụ ông Đỗ Ngọa cũng bắt đầu từ nhu cầu ấy.

Cách đây hơn 20 năm, ông Ngọa (xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) làm đủ nghề, lái buôn, làm ruộng, lập vườn, ông xoay xở để nuôi gia đình. Thế nhưng thu nhập ngày càng kém, buôn bán lại thua lỗ luôn, ông Ngọa chia sẻ: “Khi lên thăm những người bạn làm thợ rèn ở Hương Thủy, tôi nghĩ đến nghề mài dao. Sức khỏe ngày càng kém, lại làm lụng không bằng ai. Thế là tôi liều kiếm một nghề, cũng chẳng ngờ lại gắn bó lâu đến vậy”.

Làm cho cây dao, chiếc kéo sắc, bén tưởng chừng đơn giản, nhưng nghề nào cũng đòi hỏi công phu, kinh nghiệm. Ông Ngọa cho biết: “Mang tiếng đá mài, nhưng mỗi một chiếc dao sẽ có cách mài phù hợp. Dao mỏng lưỡi khác dao dày lưỡi, dao đã dùng lâu ngày hay dao mới mua vài ba tháng, tất cả đều cần lực mài phù hợp với từng loại”.

Hòm đồ nghề của cụ ông tuổi 73 nặng trịch gồm thùng gỗ, đá mài, đồ gọt dao và khăn chùi dao. Phải mất nhiều thời gian làm nghề, học hỏi và sáng tạo, ông Ngọa mới có cho mình bộ đồ nghề ưng ý. Chiếc hộp gỗ để giữ thăng bằng ghế ngồi và khung gỗ với những vành đai sắt cố định dao. Vì thế, chỉ cần diện tích bằng ¼ góc chiếu, ông cũng có thể hành nghề.

Bền bỉ

Hơn 20 năm nay, cứ 4h sáng là ông Ngọa đã ra khỏi nhà và phải gần 6h tối mới về đến. Với chiếc xe đạp cũ, ông phải đi sớm để kịp những mối quen trên thành phố Huế. Chợ Bến Ngự, chợ An Cựu, chợ Cống, chợ Phước Vĩnh…, ngôi chợ nào cũng có những mối quen của ông. Tìm một góc nhỏ, sửa soạn đồ mài, chỉ loáng một chút, ông đã thu về những chiếc dao của các tiểu thương, nhanh chóng mài bén để họ kịp buôn bán. Ông kể: “Lúc trước tôi đi nhiều lắm, đi trong thành phố, rồi còn tìm đến tận những chợ vùng ven. Sau này sức khỏe yếu hơn, phạm vi hành nghề cũng thu nhỏ dần theo tuổi tác”.

Trung bình mỗi con dao ông chỉ mài vài phút, nhưng đôi khi gặp con dao to, hóc búa, đồ gọt dao không sử dụng được thì ông đành mài tay. Cánh tay chằng chịt đường gân, màu da nâu vì dầm sương gió đều đặn với từng đường mài. 10 phút, rồi 15 phút trôi qua, ông thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng con dao cũng bén, sắc.

Tùy vào mỗi loại dao, có cây ông lấy 5, 6 nghìn đồng, cây nào mài vất vả quá ông nhận 7, 8 nghìn đồng tiền công. Mỗi ngày siêng năng trên tổng đoạn đường hơn 60km cả đi và về, ông kiếm thu nhập chỉ đủ để sống. Thế mà với ông, nỗi nhọc nhằn vẫn ánh lên niềm vui hồ hởi: Nghề nào cũng có cái khó, cái dễ. Vất vả thật đấy nhưng mà được đi, trò chuyện với nhiều người nên tôi thấy mình vẫn còn may mắn.

Mỗi con người đều có công việc, cuộc sống với nỗi trăn trở riêng, quan trọng là tìm thấy niềm vui, sự an lạc khi tận tâm làm việc. Cụ ông Đỗ Ngọa, người thợ mài dao 73 tuổi với hơn 20 năm kinh nghiệm đã cho tôi một bài học, bài học về sự nỗ lực, về tính kiên trì, và tìm thấy niềm vui cho mình cho dù vất vả mưu sinh.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn du lịch nông nghiệp với sản phẩm OCOP

Phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ hữu cơ. Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP. Vấn đề là làm sao gắn kết để tạo được hiệu quả.

Gắn du lịch nông nghiệp với sản phẩm OCOP
Dấu mốc của di sản Huế

Tối 17/6, UBND tỉnh long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam trở thành di sản của nhân loại.

Dấu mốc của di sản Huế
Return to top