ClockThứ Năm, 05/01/2012 05:25

2012 - Năm An toàn giao thông

TTH - Tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, trở thành vấn nạn gây bức xúc cho toàn xã hội. Năm 2011 đang khép lại; tổng kết công tác an toàn giao thông (ATGT) trên toàn quốc cho thấy kết quả kiềm chế và giảm TNGT chưa mang tính bền vững, số người chết, bị thương do TNGT vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng.

Năm 2011 có hơn 12 ngàn người chết do TNGT, trên thực tế số người chết còn nhiều hơn thế bởi nhiều ca bị thương nặng phải cấp cứu ở các bệnh viện chưa được kiểm tra chính xác. Rõ ràng, TNGT diễn ra thảm khốc, gây thiệt hại hơn cả thiên tai, bão lũ, là một báo động khẩn cấp cho cộng đồng và cho xã hội. 

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, TNGT đường bộ xảy ra 150 vụ, làm chết 146 người, bị thương 110 người; so với năm 2010, giảm 14 vụ, giảm 3 người chết, giảm 5 người bị thương. TNGT đường sắt xảy ra 7 vụ, làm chết 9 người; so với năm trước không tăng về số vụ, tăng 2 người chết, giảm 1 người bị thương.
Năm qua, tình hình TNGT có giảm trên cả 3 mặt (số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương). Trong điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều vấn đề; phương tiện và người tham gia giao thông còn vi phạm Luật Giao thông... nhưng Thừa Thiên Huế đã có nhiều cố gắng nhằm hạn chế tối đa TNGT xảy ra trên địa bàn. Đạt được điều đó phải thấy rằng công tác chỉ đạo của chính quyền tỉnh rất cụ thể và kịp thời; công tác tham mưu của Ban ATGT tỉnh với kế hoạch toàn diện, phối hợp, kết hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, các đoàn thể trong thực hiện phương án bảo đảm trật tự ATGT, kiềm chế TNGT, ùn tắc giao thông.
 
Năm 2011, Công an tỉnh đã huy động tổng lực, mở nhiều đợt đảm bảo ATGT. Lực lượng công an đã tập trung tuyên truyền đúng đối tượng, trọng điểm là thanh thiếu niên. Hơn 6.000 đối tượng vi phạm luật lệ giao thông là thanh niên được đưa ra kiểm điểm trước dân. Bên cạnh đó, ngành công an kiên quyết xử lý hành vi vi phạm ATGT, xem đây là biện pháp nhằm răn đe, cảnh tỉnh đối tượng vi phạm trật tự ATGT. Năm 2011, lực lượng công an đã xử phạt vi phạm hành chính thu 26 tỷ đồng, tăng hơn 8 tỷ đồng so với năm trước. Biện pháp mà ngành công an kiên quyết thực hiện để đủ sức răn đe những đối tượng, chủ phương tiện gây TNGT thảm khốc là xử lý hình sự. Năm 2011 đã khởi tố 61 vụ, bằng 40,6% tổng số vụ TNGT trên địa bàn.
 
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền tỉnh, ngành giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, UBMTTQVN tỉnh, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, các địa phương... đã có kế hoạch cụ thể của mình tham gia tích cực vào chương trình công tác đảm bảo trật tự ATGT. Thế nhưng, vấn đề ATGT vẫn chưa được cải thiện mang tính bền vững. Tại hội nghị tổng kết công tác đảm bảo ATGT, những vấn đề nêu ra làm nóng hội trường mà Thừa Thiên Huế đang đối mặt trong công tác đảm bảo ATGT của năm ATGT- năm 2012.
 
Điều mà ai cũng biết khá rõ là hạ tầng kỹ thuật giao thông trên địa bàn còn quá bất cập. Đường phía Tây Huế là sự kiện đáng nêu nhất. Đường xuống cấp nhiều năm, quá nhiều ổ trâu, ổ voi không tài nào thuyết phục được cánh lái xe đi qua tuyến. Từ đó, họ sẵn sàng đi qua tuyến nội đô Huế gây áp lực về giao thông là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Ngoài sự xuống cấp của đường phía Tây Huế, ở Thừa Thiên Huế có 2 chốt gây ách tắc, TNGT thảm khốc thường xuyên xảy ra là đoạn qua đèo Phú Gia và Phước Tượng. Đường xuống cấp cộng thêm xe siêu trường, siêu trọng băm nát con đường, nên các loại phương tiện giao thông qua đây nhiều lúc gây xung đột giao thông, chờ nhau bò qua đèo. Chỉ cần một trục trặc là gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền tại 2 điểm đen này.
 
Đường xuống cấp, phương tiện giao thông thì quá khổ, quá tải, lại thêm nhiều trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT, đấu nối đường ngang trái phép diễn ra với mật độ vụ việc khá dày trong năm 2011 là một nguy cơ, trở lực lớn cho công tác đảm bảo trật tự ATGT.
 
Qua các vụ TNGT gây chết người cho thấy phần lớn là do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; sinh viên, học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, gắn máy chạy quá tốc độ, lạng lách, vi phạm luật giao hông gây nên. Hiện tượng đó như là một điệp khúc trong TNGT.
Không phải bây giờ mà trong nhiều năm nay, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo trật tự ATGT. Công tác này đã được các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân đồng thuận tích cực tham gia. Tuy nhiên, trật tự ATGT, TNGT vẫn là những thách thức, nguy cơ tiềm ẩn đòi hỏi cộng đồng xã hội phải có những hành động quyết liệt hơn, cụ thể, đồng bộ và thiết thực hơn nhằm hạn chế TNGT.
Năm 2012 là Năm ATGT, năm triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ. Các cơ quan, địa phương, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội và các đoàn thể có trách nhiệm tập trung cao độ trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.
Ở Thừa Thiên Huế, năm 2012 là năm có nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng. Các ngành, các cấp cần chú ý đến các địa bàn trọng điểm, thời gian cao điểm, thời điểm quan trọng, đối tượng trọng điểm, phương tiện chủ yếu... để có kế hoạch chủ động phòng tránh, ngăn chặn TNGT và ùn tắc giao thông. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, các cấp, các địa phương, các cơ quan, đoàn thể xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ nhằm thực hiện tốt công tác ATGT trong năm 2012. Trước những phong trào, hoạt động của Năm ATGT, cộng đồng nhân dân đề cao vai trò làm chủ của mình chủ động tham gia và tham gia tích cực nhằm hạn chế tối đa TNGT, đảm bảo trật tự ATGT.
 

Chiến Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top