ClockChủ Nhật, 31/12/2017 08:24

2017 - Năm “ác mộng” đối với trẻ em các vùng xung đột

TTH - Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), năm 2017 trở thành một năm đầy "ác mộng" đối với những trẻ em bị mắc kẹt trong các cuộc xung đột, khi chúng bị tuyển dụng để chiến đấu, làm lá chắn sống, ép kết hôn, làm nô lệ, thậm chí bị cướp đi mạng sống.

Trẻ em tị nạn xin thức ăn trên một chiếc thuyền đến Bangladesh. Ảnh: Getty Images

Mức độ gây sốc

Trong một báo cáo về tình trạng bất ổn năm nay, UNICEF nêu bật "mức độ gây sốc" của những mối nguy hại đối với trẻ em và việc thế giới đã thất bại như thế nào trước vấn đề này.

Ở đông bắc Nigeria và Cameroon, nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã buộc ít nhất 135 trẻ em tham gia vào các vụ đánh bom tự sát, gần gấp 5 lần so với năm 2016.

Trong những bối cảnh khác, trẻ em đang mắc những căn bệnh liên quan đến xung đột, khi nhu cầu cơ bản, chẳng hạn như thực phẩm, nước sạch và chăm sóc y tế không sẵn có.

Tại Yemen, nơi có ít nhất 5.000 trẻ em thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm, hiện có hơn 11 triệu trẻ em đang cần được hỗ trợ nhân đạo. Hơn 1,8 triệu trẻ em đang bị suy dinh dưỡng, khoảng 385.000 trẻ em trong số đó trong tình trạng rất nghiêm trọng đến nỗi có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị khẩn cấp.

"Trẻ em ở những vùng xung đột khắp thế giới bị tấn công ở quy mô gây sốc trong suốt cả năm", UNICEF cho biết trong một tuyên bố; đồng thời nói thêm rằng, các bên tham gia xung đột đã "phớt lờ luật pháp quốc tế được xây dựng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất".

UNICEF lưu ý, trẻ em đang bị nhắm mục tiêu ở ngay những nơi mà chúng nên được cảm thấy an toàn, bao gồm nhà ở, trường học và khu vui chơi của chúng.

Ông Manuel Fontaine, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của UNICEF nhận định: "Khi các vụ tấn công cứ tiếp diễn năm này qua năm khác, chúng ta không thể bị tê liệt. Sự tàn bạo như vậy không thể được cho là điều bình thường”.

Những con số khổng lồ

Báo cáo của UNICEF cũng nêu bật một số cuộc xung đột khác có ảnh hưởng đáng kể đến trẻ em.

Theo đó, tình trạng bạo lực ở khu vực Kasai của Cộng hòa Dân chủ Congo khiến 850.000 trẻ em phải rời bỏ nhà cửa. Hơn 400 trường học bị tấn công và khoảng 350.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.

Tại Iraq và Syria, trẻ em được báo cáo đã bị sử dụng làm lá chắn sống, mắc kẹt trong các cuộc vây hãm, bị nhắm mục tiêu bởi những tay súng bắn tỉa và trải qua những cuộc bắn phá và bạo lực dữ dội.

Ngoài ra, trẻ em Rohingya ở Myanmar phải rời bỏ quê hương. Tại Afghanistan, gần 700 trẻ em tử vong trong 9 tháng đầu năm. Trong khi ở Somalia, 1.740 trường hợp tuyển dụng trẻ em đã được báo cáo trong 10 tháng đầu năm nay.

Ở phía đông Ukraine, 220.000 trẻ em sống dưới sự đe doạ liên tục của bom mìn và các tàn dư còn sót lại sau chiến tranh. Tại Nam Sudan, hàng ngàn trẻ em tiếp tục bị các nhóm vũ trang tuyển dụng, nhiều trẻ em thiệt mạng trên chiến trường. Ở Cộng hòa Trung Phi, nơi chứng kiến bạo lực gia tăng sâu sắc, trẻ em bị các nhóm vũ trang cướp đi mạng sống, cưỡng hiếp, bắt cóc và tuyển dụng.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ CNN & SBS)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
LHQ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

Trong một báo cáo mới vừa được công bố ngày 12/3, Liên Hiệp Quốc cho biết số trẻ em trên toàn thế giới tử vong trước 5 tuổi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022, và đây là năm đầu tiên số trẻ nhỏ tử vong giảm xuống dưới 5 triệu.

LHQ Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

TIN MỚI

Return to top