Thể thao trong nước

3 chị em cùng tuyển vật

ClockThứ Bảy, 28/01/2017 07:12
TTH - Nếu Mỹ Hạnh thiên về lối đánh tấn công dồn dập để thắng áp đảo về điểm số thì Mỹ Trang lại được đánh giá cao về khả năng phòng thủ kín đáo, khó để lại sơ hở. Với Mỹ Linh, sự nghiên cứu kỹ lối đánh của hai người chị giúp em phát triển những đòn thế giàu kỹ thuật, công thủ đều tốt

Cô em út Mỹ Linh vật nhấc bổng đối thủ khi tập luyện

Nối gót đam mê

Nhắc lại kỷ niệm ngày đầu đến với môn vật, cảm xúc của Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1997) vẫn rộn ràng như mới. Quê của Hạnh (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) gần với làng Thủ Lễ (xã Quảng Phước), mỗi dịp đầu năm, tiếng trống hội và hình ảnh sới vật luôn thôi thúc khiến cô bé hơn 10 tuổi không thể ngồi yên ở nhà. Gặp duyên tuyển vật Huế về tuyển quân, Hạnh nhớ lại hình ảnh những trận đấu trên sới cát, vận dụng ngay vào thử thách của ông thầy tuyển vật và lập tức nhận được cái gật đầu. Rời gia đình lúc mới 13 tuổi, phải ở chung với những người bạn không quen biết, vừa học văn hóa vừa tập luyện thể thao đôi khi em cảm giác tủi thân. Có những lúc ngồi giặt quần áo hay nấu ăn, hình ảnh người mẹ bảo bọc lúc nhỏ lại hiện về.

Một năm làm quen cuộc sống mới, Hạnh luôn tập cách đối mặt với khó khăn. Nữ tuyển vật chia sẻ, đây là lý do giúp em vượt qua lo lắng để giành được huy chương vàng (HCV) giải vô địch các lứa tuổi trẻ tại Thanh Hóa. Cũng từ đó, sự nghiệp thi đấu của nữ VĐV người Huế như gỡ được “nút thắt”. Các giải (trong nước hay Đông Nam Á), Hạnh đều thi đấu thăng hoa và luôn đứng top đầu. Năm 2013, Hạnh được gọi tập trung tuyển Quốc gia. Tại giải trẻ châu Á và giải trẻ thế giới, nữ tuyển vật người Huế xuất sắc đứng hạng tư – thứ hạng xưa nay ít VĐV Huế giành được.

Nhiều người “ví von” năng lực của Mỹ Hạnh và người em Mỹ Trang (sinh năm 2001) như Thúy Kiều – Thúy Vân. “Khăn gói” vào tuyển vật tỉnh lúc gần 10 tuổi (cuối 2012) và kế thừa kinh nghiệm từ người chị, chỉ sau một năm, Trang học được những miếng vật quật ngã đối thủ nhanh chóng, đồng thời bổ khuyết được hạn chế của chị gái để dễ dàng giành những tấm huy chương. Ở tuổi 15, Trang khoác áo tuyển trẻ Quốc gia để tập luyện và thi đấu đầy tự tin.

Dù ba mẹ Hạnh không yêu thích vật, nhưng họ vẫn chấp nhận lời đề nghị nối gót hai chị của người con thứ ba trong gia đình (Mỹ Linh – sinh năm 2003) vào năm 2014. Chỉ sau 5 tháng, Linh đã đánh dấu bước ngoặt bằng tấm HCB giải vô địch các lứa tuổi trẻ tại Bắc Ninh. Trong đội tuyển, Linh là VĐV giàu tiềm năng, tuy nhỏ tuổi nhưng có thể vật ngã đối thủ nặng ký hơn mình rất nhiều, kể cả nam giới.

Mỹ Hạnh (áo đen) cùng các VĐV tuyển vật Huế bên niềm vui đoạt cup

Ngoài hội đủ tố chất nhanh – mạnh – mềm dẻo – khéo léo, khi nhắc đến thành công của 3 nữ tuyển vật được ví như thủ lĩnh của 3 tuyến (vô địch, trẻ và cơ sở), người ta thấy 3 phong cách thi đấu hoàn toàn khác nhau. Nếu Mỹ Hạnh thiên về lối đánh tấn công dồn dập để thắng áp đảo về điểm số thì Mỹ Trang lại được đánh giá cao về khả năng phòng thủ kín đáo, khó để lại sơ hở. Với Mỹ Linh, sự nghiên cứu kỹ lối đánh của hai người chị giúp em phát triển những đòn thế giàu kỹ thuật, công thủ đều tốt.

Nét duyên con gái Huế

Nói về ba chị em đô vật, HLV Đinh Văn Kiên khẳng định, họ chính là “báu vật” của đội tuyển vật tỉnh nhà. Khoảng 50 huy chương có được từ các giải đấu năm 2016 của đội tuyển có sự đóng góp không nhỏ từ 3 nữ VĐV. Hễ có giải, hai chị em Mỹ Hạnh – Mỹ Trang lại trở về khoác áo tuyển vật Thừa Thiên Huế và giành huy chương. Ông Kiên dứt khoát: “Tuổi đời của 3 nữ vận động viên còn rất trẻ, nhưng họ đã và đang trong độ chín về thành tích. Tương lai “thống trị huy chương” ở những giải đấu không phải là giấc mơ xa vời”.

Ba nữ tuyển vật Hạnh (giữa), Trang (phải) và Linh thử sức tại giải Việt dã tranh cup Báo Thừa Thiên Huế - 2016

Được ví như “mãnh hổ” trên sàn đấu nhưng đời thường, ba chị em đều dịu dàng với nét tính cách đặc trưng của người con gái Huế. Nhìn dáng Mỹ Hạnh, khó ai đoán được đây là một nữ đô vật, nhất là khi cô diện những bộ áo dài Huế. Thân hình lý tưởng cùng tính cách rụt rè, e thẹn đúng chất con gái Huế khiến nhiều người nhầm tưởng nữ VĐV dũng mãnh trên sàn đấu vzzzzzà Mỹ Hạnh ngoài đời là hai cô gái khác nhau.

Mỹ Hạnh tâm sự, lúc mới lên đội tuyển, ở quê vẫn thường có lời ra tiếng vào, con gái lại đi tập luyện vật làm đánh mất đi tính cách, nét duyên. Mỗi lần như thế, ba chị em ngồi lại dặn nhau phải ý tứ trong cách ăn nói, đi đứng, sinh hoạt, tránh vì những động tác mạnh mẽ trong thi đấu mà thay đổi tính cách. “Cũng như người con gái khác, sở thích của tụi em là trang phục đẹp, trang điểm, luôn giữ là mái tóc dài. Đôi khi, sau những trận đấu quyết liệt, tụi em lại lo lắng chấn thương trong tập luyện và thi đấu sẽ ảnh hưởng đến nét đẹp, mất vẻ dịu dàng, vì trong bộ môn vật, khả năng bị hỏng sùi tai (vành tai) khi cọ xát rất cao”, Hạnh nói.

Chia sẻ những dự định, ba chị em đô vật khẳng định, thành công hiện tại mới chỉ là bước đầu và con đường phía trước là phải nỗ lực tập luyện để bước vào trận đấu bằng tinh thần thép và khát khao chiến thắng. Và điều họ luôn “cam kết” là vẫn giữ nét duyên vốn nổi tiếng của người con gái miền sông Hương núi Ngự.

Thành công lớn nhất của 3 chị em là biết “chị ngã em nâng”. Trưởng bộ môn vật tỉnh Thừa Thiên Huế - Đinh Văn Kiên nhận xét, ông chỉ hướng dẫn về chiến thuật thi đấu, còn 3 chị em đã luân phiên làm HLV cho nhau. Mỗi giải đấu, Hạnh – Trang – Linh trở thành trợ lý của HLV làm nhiệm vụ giải tỏa tâm lý cho người còn lại. Như giải vô địch các lứa tuổi trẻ năm 2016, Mỹ Hạnh đã xin phép đội tuyển vật quốc gia để về sát cánh cùng em thi đấu. Ấn tượng nhất là họ biết điểm yếu của nhau để giúp đỡ nhau, điển hình như hạn chế về thể lực.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học công nghệ: Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn

Để tạo ra một sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Và, kết quả nghiên cứu KHCN đòi hỏi phải quay trở lại phục vụ thực tiễn cuộc sống, được chuyển giao, ứng dụng, thương mại hóa để không lãng phí tiền tài, kỳ vọng.

Nghiên cứu khoa học công nghệ Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ

Chiều 18/1, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và hội thảo "2 năm thực hiện chương trình hành động của UBND tỉnh về xây dựng Trung tâm KHCN, kết quả và giải pháp". Tham dự có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Phạm Thị Minh Huệ, UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn...

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ
Return to top