ClockThứ Ba, 03/12/2019 06:45

“4 tại chỗ” trong tiếp nhận, trả kết quả hành chính

TTH - Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả là những bước quan trọng của nguyên tắc “4 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh. Đây được xem là bước đột phá trong cải cách TTHC.

Tập huấn quy trình “4 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chínhHướng đến nhóm 10 địa phương dẫn đầu về cải cách hành chính

Tiếp nhận hồ sơ theo quy trình “4 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Chuẩn bị chính thức đưa vào hoạt động đầu tháng 12/2019, từ trung tuần tháng 11, TTPVHCC tỉnh đã triển khai thí điểm nguyên tắc “4 tại chỗ”.

Nhiều tiện lợi

Anh Nguyễn Sỹ Hiền ở xã Phong An (Phong Điền) đến TTPVHCC tỉnh nộp hồ sơ đăng ký đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải. Theo quy định trước đây, hồ sơ theo dạng này nhanh nhất trong vòng 3 ngày mới được cấp giấy phép do phải mất thời gian chuyển về Sở Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt. Nhưng bây giờ chưa đầy 2 giờ đồng hồ, hồ sơ của anh đã được hoàn tất thông qua 4 bước tuần tự ngay tại chỗ đó là: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả ngay.

Anh Hiền nhận xét: Hồ sơ được giải quyết nhanh gọn, cán bộ hướng dẫn nhiệt tình. Với nguyên tắc “4 tại chỗ” đang được áp dụng, chúng tôi thấy rất tiện lợi, nhanh chóng, giảm bớt thời gian chờ đợi, đi lại, chi phí cho doanh nghiệp và công dân. Đây là một cải cách cần được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực khác.  

Quét mã số đã được số hóa cho từng bộ hồ sơ

Hiện nay, hầu hết TTHC của các sở, ngành khi đưa vào TTPVHCC tỉnh đều áp dụng giải quyết theo nguyên tắc “4 tại chỗ”. Sở dĩ các thủ tục về đăng ký kinh doanh được xử lý nhanh là do hồ sơ ngay trước khi tiếp nhận sẽ được cán bộ kiểm tra thành phần, thẩm tra nội dung, tính pháp lý của hồ sơ rồi mới tiếp nhận. Trước đây, cán bộ tại bộ phận “một cửa” chỉ kiểm tra thành phần hồ sơ rồi tiếp nhận nên khi chuyển hồ sơ về giải quyết tại các cơ quan chuyên môn sẽ xảy ra tình huống bổ sung hồ sơ, trả lại hồ sơ do không đủ điều kiện giải quyết, làm tốn kém thời gian, chi phí, công sức của công dân, tổ chức.

Phó Giám đốc TTPVHCC tỉnh Nguyễn Kim Tùng chia sẻ, nguyên tắc “4 tại chỗ” là đảm bảo việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả TTHC được thực hiện ngay tại TTPVHCC tỉnh theo quy trình giải quyết áp dụng cho từng TTHC cụ thể. Các TTHC thực hiện theo nguyên tắc này phải do một hoặc một bộ phận cán bộ tại bộ phận “một cửa” được cử đến làm việc tại TTPVHCC tỉnh, các Trung tâm Hành chính công cấp huyện tiếp nhận, trực tiếp thẩm định hồ sơ hoặc trực tiếp tham gia việc thẩm định, trình phê duyệt hoặc phê duyệt hồ sơ. Nguyên tắc này vẫn tuân thủ quy định của pháp luật về giải quyết TTHC như xin ý kiến cơ quan liên quan, thẩm định trực tiếp tại thực địa, thành lập hội đồng, thủ tục liên thông…, hoặc thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, bộ, ngành Trung ương (nếu có).

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Trần Thị Hoài Trâm đánh giá, đây là một điểm tiên tiến mà người dân không cần phải làm bất cứ một công việc nào khác ngoài việc nộp hồ sơ trên môi trường mạng và tiếp nhận, xử lý tại TTPVHCC và hoàn trả trực tiếp trên môi trường mạng. Hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển, xử lý và áp dụng chữ ký số trên môi trường mạng, chủ động giải quyết TTHC theo hướng linh hoạt, phù hợp quy định và sát thực tiễn, hiệu quả, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, việc in ấn, phê duyệt kết quả, phát hành kết quả TTHC sẽ được thực hiện ngay tại TTPVHCC tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện. “Chúng tôi hoàn toàn số hóa 100% hồ sơ cho người dân trên môi trường mạng ở cấp độ 3, còn cấp độ 4 đạt khoảng 30% và đang từng bước số hóa”- bà Trần Thị Hoài Trâm cho biết.

Áp dụng đại trà từ 1/12/2019

Đến nay, tại TTPVHC tỉnh có 34 đầu mối thuộc các sở ngành có thể áp dụng nguyên tắc “4 tại chỗ”. Trong thời gian tới, TTPVHCC tỉnh tiếp tục kiện toàn đủ về đầu mối, nhân lực để phục vụ tốt nhất các TTHC cho cá nhân và doanh nghiệp.

Nói về tính tiện dụng của nguyên tắc “4 tại chỗ”, Phó Giám đốc TTPVHCC tỉnh Nguyễn Kim Tùng cho biết thêm, chúng tôi cho tiếp nhận hồ sơ ở bất cứ nơi đâu. Chúng tôi sẽ luân chuyển hoàn toàn hồ sơ trên môi trường mạng và các đơn vị thụ lý sẽ nhận hồ sơ từ đây để xử lý. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng các quy trình liên thông. Ở TTPVHCC tỉnh đã xây dựng được 16 quy trình, đó là liên thông dọc và liên thông ngang.

Dự kiến, nguyên tắc “4 tại chỗ” sẽ được đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 12/2019 tại TTPVHCC tỉnh và Trung tâm Hành chính công cấp huyện.

Thu phí, lệ phí không sử dụng tiền mặt

Kể từ tháng 12/2019, TTPVHCC tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thí điểm thu phí, lệ phí theo hình thức không sử dụng tiền mặt theo 3 giải pháp: máy POS, QR code, VNPT Pay. Cùng với đó, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai hoàn thiện phân hệ thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công tỉnh về Payment Connect theo chủ trương của Chính phủ. Giải pháp này đáp ứng các chức năng kết xuất, trả lại cho công dân, tổ chức hóa đơn điện tử, hóa đơn thanh toán khi thanh toán trực tuyến, trực tiếp.

Bài, ảnh: Thái Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển biến tích cực trong dịch vụ công trực tuyến

Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn tỉnh năm 2023 đạt 47,3%, tăng 22,3% so với năm 2022 và 28,3% so với năm 2021. DVCTT đang chuyển dần từ cán bộ hướng dẫn làm thay sang công dân tự làm.

Chuyển biến tích cực trong dịch vụ công trực tuyến
Nâng chất lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Cùng với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023 công tác triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của TP. Huế cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp (DN) thực hiện các TTHC nhanh chóng và hiệu quả.

Nâng chất lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Return to top