ClockThứ Năm, 22/09/2016 14:38

45 hộ bị ảnh hưởng vì ruộng không thể đưa vào sản xuất

TTH - Từ khi triển khai xây dựng đường dẫn vào hầm Phước Tượng (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc), nhiều diện tích ruộng lúa của người dân nơi đây bị khô hạn và ngập úng, không sản xuất được.

Nơi khô, nơi ngập úng

Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết: “Việc thi công đường dẫn lên hầm đường bộ Phước Tượng đã làm 8 ha lúa trên địa bàn hai thôn Phước Tượng và Trung Phước của 45 hộ dân bị ngập úng, khô hạn không sản xuất được. Đây là số diện tích nằm ngoài ranh giới giải phóng mặt bằng, chưa được hỗ trợ sản xuất nên người dân đang rất khó khăn”.

Đường cống đặt cao hơn ruộng, bị dất đá lấp đầy nên không thoát nước được

Trước đây, các xứ đồng Đường Đò, Chùa, Hộc ở hai thôn Trung Phước và Phước Tượng có hệ thống kênh mương của HTX Nam Hà (nay là HTX Song Hà). Cứ cách 50m có khoảng 8 đường mương dẫn và tiêu nước từ đồng ruộng ra vào đầm phá. Ông Phan Văn Hạnh (thôn Phước Tượng) cho biết: “Từ vụ đông xuân 2014, đơn vị thi công đổ đất làm đường, đất đá mùa mưa chảy vào lấp cống, không thoát nước được làm 8 sào ruộng ở xứ đồng Chùa Hộc của gia đình bị ngập úng từ đó đến nay”. Để “cứu” ruộng, các hộ dân bị ngập úng dùng máy bơm do HTX hỗ trợ một phần chi phí tiền dầu, bơm nước tiêu úng nhưng lượng nước nhiều nơi đổ về liên tục nên các xứ đồng đành phải bỏ hoang.

Theo người dân nơi đây, việc nhiều diện tích ruộng bị ngập hoặc khô hạn là do đơn vị thi công khi làm đường dẫn vào hầm đã đặt hệ thống ống cống cao hơn hoặc không đúng vị trí với kênh mương dẫn nước nên dẫn đến ruộng không lấy được nước vào mùa khô và không tiêu nước vào mùa mưa.

Theo ông Cái Trọng Như, từ năm 2016, đơn vị thi công có lắp 3 ống cống trên tuyến đường dẫn vào hầm Phước Tượng (dài khoảng hơn 3km), tình trạng ngập úng, khô hạn có cải thiện nhưng về cơ bản, người dân vẫn không sản xuất được trên diện tích ruộng của mình. Việc thi công khu tái định cư Đồng Đinh, dự án mở rộng Quốc lộ 1A đã làm một số diện tích ruộng của các hộ dân bị ảnh hưởng, đến nay vẫn chưa được hỗ trợ, đền bù.

Chậm hỗ trợ

Ông Trương Văn Thuấn, cán bộ Địa chính xã Lộc Trì khẳng định: “Sau khi người dân phản ánh, từ tháng 4 năm 2015, UBND xã Lộc Trì phối hợp với Phòng TN&MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) Phú Lộc và đại diện Ban quản lý dự án BOT đã có buổi làm việc và đi khảo sát thực địa, thống kê phần diện tích bị ảnh hưởng của các hộ dân liên quan đến việc thi công tuyến đường dẫn lên hầm Phước Tượng. Cuối năm 2015, địa phương đã chuyển toàn bộ hồ sơ, thống kê phần diện tích bị thiệt hại cho đơn vị chủ đầu tư là Công ty CP Phước Tượng- Phú Gia-BOT, nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay họ vẫn chưa có động thái đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân”. Nhiều lần địa phương đã đề nghị phía chủ đầu tư, đơn vị thi công có trách nhiệm xem xét hỗ trợ đối với phần diện tích ruộng của các cá nhân bị ảnh hưởng. Về lâu dài, để sản xuất ổn định, xã cũng đề nghị phía đơn vị thi công tiến hành hạ độ cao các cống để đảm bảo thoát nước khi tới vụ sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc TTPTQĐ huyện Phú Lộc cho hay: “Do đây là số diện tích nằm ngoài ranh giới giải phóng mặt bằng nên chủ đầu tư (Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia - BOT), phải xin chủ trương của UBND tỉnh để đưa vào diện tích đền bù. Nếu đưa vào diện tích đền bù luôn thì phải đăng ký kế hoạch sử dụng đất. Còn không, phía chủ đầu tư phải tự thỏa thuận để đền bù cho người dân. Mặc dù TTPTQĐ đã có hướng dẫn cho chủ đầu tư làm việc với địa phương, xin ý kiến UBND tỉnh để hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa phản hồi cho trung tâm biết”.

Chủ tịch UBND xã Lộc Trì khẳng định, xã cũng đã đề nghị Phòng NN&PTNT huyện đưa ra dự toán chi phí sản xuất lúa cho 1 sào (500m2) đối với các xứ đồng bị ảnh hưởng. Sau khi trừ chi phí giống, vật tư, nhân công và các dịch vụ khác, một sào lúa lợi nhuận 775 nghìn đồng. Địa phương đã hoàn thiện hồ sơ chuyển phía chủ đầu tư nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có phương án đền bù nào được đưa ra.

Trong khi đó, ông Phạm Công Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia - BOT cho rằng: “Hiện nay, chủ đầu tư đang tiến hành kiến nghị huyện làm phương án đưa vào diện tích giải phóng mặt bằng để trình lên tỉnh. Khi tỉnh chấp thuận chủ trương, có quyết định, chúng tôi sẽ chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân ngay”.

Dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia do Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia - BOT làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, khai thác, chuyển giao) với số vốn 1.743 tỷ đồng. Trong đó, hầm Phước Tượng có chiều dài 345m, phần đường dẫn vào cầu có chiều dài 3.460m, được xây dựng theo hướng tuyến từ KM867+950 của Quốc lộ 1A.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top