ClockChủ Nhật, 10/07/2016 14:41

60% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn?

Tình trạng đa số doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn đã cho thấy còn nhiều vấn đề trong công tác quản lý, giám sát môi trường ở nước ta hiện nay.

Những sự cố về môi trường thời gian qua như cá chết trên sông Bưởi (Thanh Hóa) hay cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung đã khiến dư luận hết sức lo ngại về tình hình ô nhiễm môi trường, xả thải ở các khu công nghiệp. Mới đây, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã công bố một nghiên cứu, có tới 60% doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xả thải vượt quy chuẩn.

Doanh nghiệp xả thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sản xuất của Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)

Điều này cho thấy, còn nhiều vấn đề trong công tác quản lý, giám sát môi trường ở nước ta hiện nay. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải điều chỉnh chính sách, để vừa thu hút được đầu tư, vừa đảm bảo phát triển bền vững.

Thời gian vừa qua, nhiều vụ xả thải của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trầm trọng đã được phát hiện. Năm 2008, Công ty Vedan xả thải đầu độc sông Thị Vải, Đồng Nai. Năm 2010, công ty Tung Kuang được phát hiện xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra sông Cầu Ghẽ, Hải Dương gây ô nhiễm trầm trọng.

Hay mới đây là những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) làm môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung. Đây chính những là lời cảnh tỉnh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, các dự án như gang thép, hóa dầu...đều có báo cáo tác động môi trường nhưng rất tiếc là báo cáo tác động môi trường đấy không thực chất.

“Các báo cáo này thường được thuê một công ty tư vấn của Bộ Tài nguyên Môi trường hoặc Sở Tài nguyên Môi trường làm, sau đó thông qua một hội đồng rồi cất vào ngăn kéo. Trong khi các định mức về môi trường của quốc gia phải được công bố công khai, bắt buộc các nhà đầu tư phải tuân thủ định mức đó, các cơ quan nhà nước phải giám sát định mức đó khi họ bắt đầu sử dụng”, GS.TS. Nguyễn Mại chỉ rõ.

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng ô nhiễm do doanh nghiệp xả thải là hậu quả của một thời gian dài nước ta chỉ tập trung vào kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh mà thiếu sự cân nhắc vấn đề môi trường. Các địa phương chạy theo thành tích tăng trưởng GDP nên dễ dãi trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả thấp, chủ yếu sử dụng tài nguyên và lao động giá rẻ nhưng vẫn nhận được nhiều ưu đãi của nhà nước.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách dịch vụ công, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay, văn bản về môi trường phức tạp, chồng chéo, thay đổi thường xuyên nên chính quyền địa phương còn khá bị động trong việc cung cấp thông tin chính sách.

“Các quy định chính sách của pháp luật về môi trường ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ nhưng yếu hơn là hoạt động thực thi. Để khắc phục điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng quản lý môi trường của các khu công nghiệp, Cảnh sát môi trường… Những lực lượng giám sát, thực thi các chính sách về môi trường cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Đồng thời, cần phổ biến, tuyên truyền cho các doanh nghiệp thêm thông tin để họ có thể tuân thủ một cách tốt nhất”, ông Hải cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Văn Toàn, chuyên gia về đầu tư cho rằng, sự việc cá chết ở miền Trung chính là bài học đắt giá để chúng ta nhận ra rằng, đã đến lúc Việt Nam phải thực hiện triệt để hơn nữa “quyền lựa chọn” của mình.

“Phải có định hướng lại chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, không phải chỉ chạy theo số lượng mà cần hướng theo chất lượng, hiệu quả và tạo cơ hội cho phát triển bền vững ở Việt Nam, không phải thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Hiện tại Việt Nam không phải là quá thừa lao động, trong bối cảnh mới hội nhập, giá trị của Việt Nam sẽ được nâng lên rất nhiều. Do đó, thu hút đầu tư nước ngoài có quyền chọn lọc những dự án, những sản phẩm, nhà đầu tư và quốc gia đầu tư”, ông Toàn chỉ rõ.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc xem xét, cân nhắc ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài phải được tính toán kỹ lưỡng, tránh những hệ lụy về sau, đặc biệt là vấn đề môi trường, an ninh… Bên cạnh đó, cần công khai các thông tin đánh giá tác động môi trường, minh bạch hóa quá trình ra quyết định và tạo cơ chế giám sát cộng đồng trong quá trình hoạt động của các nhà máy.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp giảm tiếng ồn cho thuyền du lịch trên sông Hương
Phí phạm đáng tiếc nếu thiếu lưu tâm

Một chiếc chân vịt nhỏ xíu gắn với bình ắc quy 12V vẫn đẩy được con thuyền chở 10 du khách cộng thêm bác tài công ro ro lướt sóng, thấy thật thú vị. Chợt nghĩ, phải chăng đây cũng là “chìa khóa” cho giải pháp của thuyền du lịch sông Hương?

Phí phạm đáng tiếc nếu thiếu lưu tâm
Tạo thói quen bảo vệ môi trường

Đẩy mạnh các hoạt động, thói quen bảo vệ môi trường (BVMT), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh xây dựng nhiều mô hình “Phụ nữ sống xanh”. Từ đó, dần thay đổi nhận thức cũng như gắn trách nhiệm, để mỗi hội viên (HV) phụ nữ đều chung tay tham gia BVMT, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, sáng.

Tạo thói quen bảo vệ môi trường
Return to top