ClockThứ Sáu, 24/03/2017 14:41

60 năm sau Hiệp ước Rome: Sự tồn tại của EU gặp thử thách “sống còn”

Ngày 25/3, EU tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu, tiền thân của EU.

Lãnh đạo EU: “Châu Âu là tương lai chung của chúng ta”

Chưa bao giờ EU gặp khủng hoảng nghiêm trọng và chịu sức ép mang tính “sống còn” như hiện nay. Các kịch bản về hướng phát triển của khối trong tương lai sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lần này, mà nhiều khả năng thiên về kịch bản xây dựng “châu Âu đa tốc độ”.

Ảnh minh họa: Reuters
Châu Âu đa tốc độ

Ý tưởng “Châu Âu đa tốc độ” thực ra đã nhen nhóm từ khá lâu, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công khiến châu Âu lao đao từ năm 2009 đến nay. Khi đó, châu Âu đối mặt với một thực tế, đó là rất nhiều quyết sách lớn táo bạo do Uỷ ban châu Âu hay Ngân hàng trung ương châu Âu đưa ra đều gặp rất nhiều khó khăn mới có thể đạt được sự đồng thuận, hoặc trong nhiều trường hợp buộc phải từ bỏ.

Nguyên do là vì với 28 nước thành viên, kể cả nước Anh, việc tìm được một giải pháp dung hoà được lợi ích của tất cả các bên là vô cùng khó khăn do 28 thành viên này chênh lệch về trình độ phát triển, trình độ quản lý, quy mô nền kinh tế… Hai cuộc khủng hoảng làm rõ nhất sự bất cập này là khủng hoảng nợ công Hy Lạp và khủng hoảng tị nạn.

Chính vì thế, nhóm các nước chủ chốt của Liên minh châu Âu như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ… đã bàn đến ý tưởng xây dựng một Liên minh với 2 tốc độ phát triển; tốc độ cao hơn là nhóm các nước sáng lập Liên minh ngay từ đầu, chủ yếu là các nước Tây Âu, thấp hơn là các nước gia nhập sau này, chủ yếu là các nước Đông Âu, Nam Âu thì sẽ tham gia với ít cam kết hơn. Nhóm bộ Tứ đã chính thức bàn về vấn đề này tại Hội nghị Versailles hôm 6/3.

Thách thức lớn về khủng hoảng nhập cư

Sau 60 năm triển khai Hiệp ước Rome, châu Âu hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng nhập cư và sự gia tăng của phong trào dân tộc cực hữu.

Liên minh châu Âu cần một chính sách quyết liệt hơn để buộc các nước thành viên phải chung tay gánh vác trách nhiệm xử lý khủng hoảng nhập cư không thể để tiếp tục tồn tại tình trạng có những thành viên bị quá tải như Italy hay Hy Lạp trong khi các nước khác như Áo, Hungary hay Slovakia, Ba Lan…lại thẳng thừng từ chối chia sẻ trách nhiệm.

Khủng hoảng nhập cư vô cùng phức tạp, đòi hỏi châu Âu vừa phải gia cố biên giới ngoại vi của mình nhằm ngăn chặn các làn sóng không thể kiểm soát như trong năm 2015, vừa phải siết chặt quy định về nhận hạn ngạch người nhập cư đối với từng thành viên cụ thể. Xa hơn nữa, châu Âu cần xây dựng một chính sách an ninh và đối ngoại tích cực nhằm góp phần ổn định môi trường địa chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi.

Và chủ nghĩa dân túy

Chủ nghĩa dân tuý quả thực là mối đe doạ lớn với Liên minh châu Âu bởi hầu hết các đảng dân tuý tại các nước châu Âu đều chống EU, chống lại việc hội nhập và hô khẩu hiệu đòi lại quyền tự quyết cho mỗi quốc gia. Đây là thách thức phức tạp với EU bởi chủ nghĩa dân tuý trước hết là vấn đề đối nội trong từng quốc gia thành viên và Brussels không thể dùng các mệnh lệnh hành chính để ngăn cản xu hướng đó.

Vì thế, bên cạnh việc công kích làn sóng dân tuý thì một trong những chiến lược của EU là đẩy mạnh sự đóng góp của các phong trào dân sự, các phong trào công dân, tài trợ và kêu gọi các phong trào này vận động quần chúng chống lại các tư tưởng cực đoan, dân tuý, bài ngoại…

Nói cách khác là tìm cách tác động đến ý thức của các công dân châu Âu để kéo họ ra khỏi làn sóng dân tuý. Các cuộc bầu cử quan trọng tại các nước lớn như Pháp, Đức… trong năm 2017 này sẽ trả lời cho câu hỏi liệu các giá trị của một châu Âu hội nhập có còn đứng vững trước làn sóng dân tuý hay không?

Một tín hiệu khả quan là trong cuộc bầu cử lập pháp ở Hà Lan cách đây ít ngày thì đảng cực hữu và dân tuý ở nước này đã thất bại. Và cả châu lục nín thở chờ những diễn biến trong bầu cử Tổng thống Pháp sắp tới – sự kiện được ví như trận “bán kết” trong cuộc đấu của EU với chủ nghĩa dân túy; và trận “chung kết” sẽ là cuộc bầu cử tại Đức tháng 9/2017./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

EU và Philippines nối lại đàm phán thương mại

Liên minh châu Âu (EU) và Philippines ngày 18/3 cho biết, họ sẽ nối lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do, trong bối cảnh EU tìm cách nắm bắt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn của khu vực châu Á và tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng.

EU và Philippines nối lại đàm phán thương mại
NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB):
Hội nhập kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương “xếp hạng gần” với EU

Trong một thế giới mà các khoảng cách ngày càng thu hẹp, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là minh chứng cho sức mạnh của hội nhập kinh tế và xã hội. Hội nhập kinh tế ở khu vực này "hiện đang được xếp hạng gần" với Liên minh châu Âu (EU) về chuỗi giá trị khu vực và hội nhập xã hội, theo một báo cáo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 26/2.

Hội nhập kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương “xếp hạng gần” với EU
Return to top