ClockThứ Năm, 04/08/2011 04:16

7 tháng và 71,6%

TTH - Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) trong tháng 7 vừa qua ước đạt 32,58 triệu USD, tăng gần 3% so tháng trước và tăng 44,81% so với tháng 7-2010. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, KNXK hàng hoá trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 200 triệu USD, tăng gần 62% so cùng kỳ năm 2010 và đạt 71,6% kế hoạch năm 2011. Trong bối cảnh lạm phát còn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của tỉnh và cả nước nói chung, tổng mức KNXK 7 tháng đầu năm nay cho thấy những tín hiệu khả quan trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu của tỉnh.

Cùng với giá nguyên liệu tăng cao, lãi suất ngân hàng cao kỷ lục và việc thắt chặt tín dụng... đã gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, việc duy trì sản xuất kinh doanh để ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động đã là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Tại Thừa Thiên Huế, giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm ước đạt 4.290 tỷ đồng, bằng 52,9% kế hoạch năm, tăng 10,15% so cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá thấp trong vòng nhiều năm trở lại đây. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng trên 20%, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) địa phương tăng 15,38%, khu vực DNNN trung ương tăng 5,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,57%. Đặc biệt, ngành sản xuất đồ uống giảm 0,5%, sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại giảm 4,3%, sản xuất xe có động cơ giảm 17,7%...

Trước những biến động của thị trường, điều đáng mừng là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh vẫn ổn định và tiếp tục có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2010. Cụ thể, nhóm dệt may ước đạt 151,53 triệu USD, tăng 68,47%; nhóm thuỷ sản ước đạt 4,7 triệu USD, tăng 13,74%; nhóm sản phẩm gỗ ước đạt 32,75 triệu USD, tăng 69,79%; nhóm vật liệu khoáng sản ước đạt 7,41 triệu USD, tăng 33,1%... Các doanh nghiệp đóng góp cho sự tăng trưởng cao gồm: Dệt May Huế, Hanesbrand, Scavi Huế, Dệt May Phú Hoà An, Sợi Phú Bài, May xuất khẩu Huế, Sợi Phú Nam, Sợi Phú Thạnh, Chế biến nguyên liệu giấy, Pisico, Shaiyoo AA, Fideco, Ngọc Anh...
 
 
Tốc độ tăng trưởng cao về KNXK của tỉnh trong 7 tháng đầu năm nay hoàn toàn không bất ngờ mà đây là kết quả của một quá trình. Sau nhiều biến động và thăng trầm, hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu của tỉnh đã hình thành với 5 nhóm hàng chủ lực. Đó là nhóm dệt may, nhóm nguyên liệu và sản phẩm đồ gỗ, nhóm hàng thuỷ sản chế biến, nhóm vật liệu khoáng sản và nhóm đồ uống. Kết thúc năm 2010, KNXK của tỉnh trên 248 triệu USD, đạt 124% kế hoạch và tăng 70% so năm 2009. Trong đó, đứng ở vị trí số 1 là nhóm sản phẩm dệt may với giá trị KNXK trên 174 triệu USD, tăng hơn 90% so năm 2009 và chiếm trên 70% tổng KNXK của tỉnh. Kế đến là nhóm sản phẩm gỗ chiếm 15,68 tổng KNXK, nhóm vật liệu và khoáng sản chiếm 5,55% tổng KNXK, nhóm thuỷ sản chiếm khoảng 3% tổng KNXK... Cùng với ổn định và phát triển sản xuất, các DN kinh doanh hàng xuất khẩu đã từng bước cũng cố và mở rộng thị trường mới, bên cạnh các thị trường và khách hàng truyền thống. Trong đó, thị trường hàng dệt may gồm: Mỹ, Hàn Quốc, EU, Asean, Ai Cập, Nigieria...; nhóm thuỷ sản chủ yếu là Nhật Bản; nhóm đồ gỗ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; nhóm vật liệu, khoáng sản: Trung Quốc, Lào...
 
 
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã từng bước đầu tư phát triển sản xuất và góp phần vào việc hình thành các nhóm hàng xuất khẩu có thế mạnh của tỉnh; đồng thời tạo ra sự phát triển ổn định và bền vững với tốc độ cao. Con số 200 triệu USD kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 7 tháng đầu năm nay, tăng gần 62% so cùng kỳ năm 2010 và đạt 71,6% kế hoạch năm 2011 không chỉ cho thấy khả năng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu 260 triệu USD năm nay của tỉnh là trong tầm tay; mà còn mở ra triển vọng mới về tính ổn định và mức tăng trưởng trên lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh trong những năm tới.
 
 
Hoàng Thành

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top