ClockChủ Nhật, 18/12/2016 08:01

70 năm trước - Những chiến sĩ đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho tổ quốc

TTH - Tình cờ, vào đúng dịp cả nước hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), tôi nhận được cuốn tiểu thuyết “Huế ngày ấy” của Lê Khánh Căn (1927-1990) mà những trang mở đầu chính là những trận đánh tại Huế từ 70 năm trước.

Sơ đồ diễn biến 50 ngày đêm tấn công và bao vây quân Pháp ở TP.́ Huế (19/12/1946- 6/2/1947)

Sau khi đọc mấy chục trang đầu tác phẩm, tôi đã phải gấp sách lại, bước ra đường Lê Lợi, bên dòng sông Hương quen thuộc. Đi giữa phố xá bình yên hôm nay, lòng không khỏi bồi hồi khi tưởng nhớ lại những trận đánh sinh tử đã diễn ra trên đoạn đường này đúng 70 năm về trước. Trận “rơm-ớt” đánh vào Khách sạn Morin, chuyện nổ thủy lôi sập nhịp cầu Trường Tiền đã có nhiều sách báo nhắc lại, nhưng trận đánh trong Nhà Thông tin Trung Bộ ngay trước khách sạn Morin thì hình như chưa mấy người biết.

Tròn bảy thập kỷ đã qua từ những ngày khói lửa nghi ngút bốc cao trên đoạn đường bên dòng sông Hương thơ mộng này, lớp chiến sĩ vào trận năm đó, nay hầu hết đã ở “cõi khác”; chỉ có thể hình dung cuộc chiến đấu ấy qua những trang sách. “Huế ngày ấy” là tiểu thuyết, nhưng tác giả là người được Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu giới thiệu vào Đảng, từng là bí thư chi bộ hai Trường Quốc Học - Đồng Khánh, tham gia khởi nghĩa tại Huế; hơn thế, ông Lê Khánh Khang, tiểu đoàn trưởng “Tiếp phòng quân” (*), thành viên Ủy ban khởi nghĩa Huế, người phụ trách chỉ huy khu B (đoạn từ Morin, Trường Tiền đến Đập Đá thời cuối năm 1946) là người bà con thân thiết với Lê Khánh Căn, nên có thể tin những trang sách mà tôi xin phép trích một đoạn sau đây, sẽ cho chúng ta “sống lại” không khí hào hùng của trận đánh diễn ra ngay sau trận “rơm-ớt” thất bại.

“… Ngày hôm sau, một đại đội Pháp đã phản công đánh ra Nhà Thông tin Trung Bộ trước cửa nhà Mo-Ranh ngay sát bờ sông Hương, nơi có một trung đội Vệ quốc quân Việt Nam đang đóng. Sung là Trung đội trưởng trung đội ấy. Anh là học sinh trường Khải Định, anh đã bỏ học tòng quân ngay từ những ngày đầu cách mạng mới thành công. Anh họ Tôn Thất, cha mẹ anh giàu có và lúc còn đi học anh hay bị bạn bè chế giễu là tính tình nhút nhát như con gái. Cách mạng bùng nổ, Sung trốn cha mẹ xin vào bộ đội, mặc dù mẹ anh khóc sướt mướt…

Hôm ấy, Sung đang cùng trung đội chia nhau bố trí ở nhà thông tin Trung Bộ thì quân Pháp đánh tới. Chúng cho súng máy bắn đạn đại bác 20 ly vào rất dữ dội rồi mới xung phong phản kích. Cả một đại đội Pháp tấn công bất ngờ vào một trung đội Vệ quốc quân. Họ đã chiến đấu anh dũng, mặc dù chưa thấy viện binh tới. Quân Pháp đã phải trả giá khá đắt, hơn hai mươi tên chết và bị thương. Nhưng trung đội của Sung không chống cự nổi hỏa lực của địch. Trung đội đã hy sinh gần hết. Họ lui dần, lui dần vào những phòng phía trong của vị trí, cho đến phòng cuối cùng thì chỉ còn mình Sung. Anh bắn nốt mấy viên đạn súng lục còn lại, giết chết thêm được hai tên Pháp… Tên chỉ huy đại đội Pháp đã tiến đến trước cửa buồng Sung, theo sau hắn lố nhố đến sáu, bảy tên lính Pháp. Tên chỉ huy là một tên Tây lai, thét: “Giơ tay lên! Hàng thì khỏi chết”. Nhưng Sung đã rút được một quả lựu đạn, rút chốt an toàn… Một tiếng nổ tung lên, ầm vang trong ngôi nhà thông tin Trung Bộ… Bốn, năm tên Pháp, trong đó có cả tên sĩ quan chỉ huy đại đội đã chết vì quả lựu đạn cuối cùng của người Vệ quốc quân trẻ tuổi…”

Kỷ vật còn lại sau khi khai quật “Huyệt lửa chôn chung”17 chiến sĩ Tiếp phòng quân năm 1992

70 năm đã qua! Bao nhiêu “anh Sung” đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì Tổ quốc trong những ngày đầu cuộc kháng chiến trường kỳ. Cũng dọc con đường Lê Lợi này, trận đánh tại Sở Công chánh (nay là Bảo tàng Văn hoá Huế) cũng diễn ra rất ác liệt, nhiều chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có trung đội trưởng Tôn Thất Xuân (con trai cụ Thượng thư Bộ Lại Tôn Thất Cổn) sau này đã được truy tặng Huân chương Chiến công… Có thể Lê Khánh Căn đã “mượn” hình ảnh liệt sĩ Tôn Thất Xuân để dựng nhân vật Sung trong “Huế ngày ấy”.

Cách không xa đường Lê Lợi, sau trận đánh vào nhà hàng Sáp-phăng-giông (góc đường Hà Nội-Lý Thường Kiệt), 17 chiến sĩ Trung đội Tiếp phòng quân rút lui về gần nhà mật thám Xô-nhi (nay Trụ sở Ủy ban Khoa học kỹ thuật) và tất cả đã hy sinh trong “huyệt lửa chôn chung”. Cũng như cuộc chiến ở Nhà Thông tin Trung bộ. 17 chiến sĩ, tất cả thà hy sinh chứ không chịu đầu hàng, trong đó có người đảng viên duy nhất - chính trị viên Vĩnh Tập - chắt nội vua Hiệp Hòa…

Điều cần nói thêm là trong khi những chiến sĩ vệ quốc như Vĩnh Tập, Tôn Thất Xuân, Trung đội trưởng Sung đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, vĩnh viễn nằm lại trên đất Cố Đô thì cũng có nhiều “anh Sung” khác đã bước tiếp cuộc trường chinh, trong đó có những người như Lê Khánh Khang, hơn mười năm trước, lần cuối cùng ông cùng các cựu binh trở lại thăm Huế, đã cùng tôi dạo bước trên những con đường mà “ngày xưa” các chiến sĩ Tiếp phòng quân đã cơ động tiếp cứu các cứ điểm bị quân Pháp phản kích.

Gần hơn, có Đặng Văn Việt, học viên Trường Thanh niên tiền tuyến Huế 1945, sau trở thành “Hùm xám đường số 4” khiến tướng, lính Pháp phải kính nể, mùa thu vừa rồi đã trở lại Huế dự kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường Thanh niên tiền tuyến.

Tôi cũng vừa gặp lại một “anh Sung” hồi tháng 9 - nhà báo lão thành Lê Ngân trở lại Huế mừng thọ 90 tuổi! Ông sinh cùng năm với Lê Khánh Căn, là cháu nội cụ Phó bảng Lê Trinh (1850-1909), người từng giữ chức Phụ chính đại thần,

Thượng thư Bộ Lễ thời vua Thành Thái. Ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông đang học năm thứ 4 (hệ tú tài 6 năm) Trường Lycée Khải Định (nay là Quốc Học Huế), cũng như nhân vật Sung trong tiểu thuyết “Huế ngày ấy”, như liệt sĩ Tôn Thất Xuân, ông đã gia nhập Vệ quốc quân; chỉ khác, bom đạn kẻ thù đã không giết được ông, kể cả những năm ông Nam tiến và tham gia cuộc chiến đấu ở miền nam Trung Bộ.

Tôi nhắc đến ông Lê Ngân vì tiếc là trong dịp gặp nhau hiếm có vừa rồi mà… quên nhắc ông kể lại tuổi hai mươi của người lính Vệ quốc đã tham gia chiến đấu ở Huế ngày đầu cuộc kháng chiến chín năm. Nhưng thôi, chỉ riêng sự tồn tại của hai cựu binh ở độ tuổi 90 như Đặng Văn Việt, Lê Ngân đến hôm nay đã đủ chứng tỏ vũ khí, sức mạnh vật chất của những cường quốc giàu mạnh không thể tiêu diệt được đội quân “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân quên mình”, càng không thể khuất phục được dân tộc Việt Nam từng đánh bại nhiều lần kẻ thù ôm mộng làm bá chủ thế giới…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

(*) Tiếp phòng quân là đơn vị đặc nhiệm, tuyển những chiến sĩ có trình độ, khả năng giao tiếp với Pháp trong giai đoạn sau Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự hào “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”

Chiều 10/4, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Trường THCS Phạm Văn Đồng (TP. Huế) tổ chức Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”.

Tự hào “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”
Gửi yêu thương trên thao trường

Ngày 29/3, Tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Hội phụ nữ các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chương trình Đồng hành cùng chiến sĩ mới – Gửi yêu thương trên thao trường, Khâu áo chiến sĩ và bữa cơm ấm lòng tình mẹ.

Gửi yêu thương trên thao trường
Return to top