Thế giới

8 điểm nhấn trong phát biểu của Tổng thống Nga Putin ở Liên Hợp Quốc

ClockThứ Ba, 29/09/2015 15:08
TTH.VN - Phát biểu của Tổng thống Nga Putin tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đối lập sâu sắc với những gì Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố trước đó.

Sputnik News đã điểm lại 8 điểm nhấn đáng chú ý của ông Putin liên quan đến việc Nga tăng cường hiện diện tại Syria và ủng hộ chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống IS và những vấn đề khác đáng quan tâm trên toàn cầu.

8 diem nhan trong phat bieu cua tong thong nga putin o lien hop quoc hinh 0
Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh AFP

1. Liên Hợp Quốc là nơi thế giới hướng tới sự nhượng bộ lẫn nhau

Theo Tổng thống Nga Putin, Liên Hợp Quốc là nơi các quốc gia nhóm họp và chấp nhận nhượng bộ lẫn nhau thay vì là một tổ chức chỉ để “đóng dấu” thông qua một quyết định hệ trọng nào đó. Nhiều nước (như Mỹ) chỉ coi đây là nơi để “đạt được mục đích của mình”.

“Ngay từ khi được thành lập, Liên Hợp Quốc không coi cơ chế đồng thuận là cơ chế duy nhất thống trị các quyết định của tổ chức này. Việc thành lập Liên Hợp Quốc là nhằm hướng tới sự nhượng bộ lẫn nhau và sức mạnh của tổ chức này là ở chỗ biết chấp nhận những quan điểm trái chiều”, ông Putin nhấn mạnh.

2. Liên Hợp Quốc cần phải thay đổi sau Chiến tranh Lạnh

Tổng thống Nga Putin cảnh báo, dù cần phải cải tổ sau Chiến tranh Lạnh, việc thay đổi tính pháp lý của tổ chức này có thể dẫn tới những hệ lụy cực lỳ nguy hiểm.

“Điều đó có thể khiến việc chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn bị thay thế bởi những “cái tôi cá nhân”. Khi đó, thế giới sẽ có thêm nhiều kẻ độc tài và bình đẳng, dân chủ và tự do sẽ ngày càng ít dần đi. Khi ấy, thế giới sẽ không còn những quốc gia thực sự độc lập mà chỉ có những nước bị chi phối từ bên ngoài”, ông Putin nói.

3. Cần phải tôn trọng mọi sự khác biệt

“Một người không thể thích nghi nổi với một mô hình phát triển do một ai đó áp đặt và cho rằng chỉ có mô hình đó là đúng vĩnh viễn”, ông Putin nói.

Tổng thống Nga cũng lấy ví dụ về sự tan rã của Liên Xô khi cố áp đặt mô hình phát triển của mình lên các nước khác và nhấn mạnh: “Dường như có những nước không học được gì từ sai lầm của nước khác mà chỉ cố lặp lại sai lầm đó”.

4. “Bạn có thực sự nhận ra những gì mình đã làm hay không?”

Đây là một trong những câu nói đáng chú ý nhất của Tổng thống Nga Putin trong bối cảnh ông không chỉ đích danh Mỹ mà chỉ nhắc đến “sự thống trị duy nhất” kể từ sau Chiến tranh Lạnh và những hệ lụy mà nước này đã gây ra.

“Tôi sợ rằng câu hỏi trên sẽ vẫn còn để ngỏ bởi chính sách chỉ trích nước khác trong khi luôn tự trấn an mình và coi mình là ngoại lệ sẽ vẫn còn tiếp diễn”, ông Putin nói.

5. Chủ nghĩa cực đoan vẫn có chỗ dung thân

“Rõ ràng là vẫn có những khoảng trống về quyền lực tại một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi dẫn tới tình trạng vô chính phủ tại các quốc gia nói trên tạo mầm mống cho những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy”, ông Putin nói.

Tổng thống Nga cũng cho rằng, IS không thể “nổi lên từ chỗ vô danh” và nhấn mạnh, chúng được “nuôi dưỡng” bởi những kẻ cung cấp vũ khí chống lại một chính quyền hợp pháp nhưng “không được ưa thích”.

6. Cần thành lập liên minh chống khủng bố

Tổng thống Putin đã lên tiếng kêu gọi thành lập một liên minh rộng lớn tham gia cuộc chiến chống khủng bố, điều ông đã nung nấu kể tử sau cuộc khủng bố ngày 11/9 trên đất Mỹ. Ông Putin cho biết, ông đã chia sẻ ý tưởng này với Tổng thống Mỹ lúc đó là ông George W. Bush.

“Ý tưởng này của chúng ta không phải là vì tham vọng cá nhân mà là vì những giá trị chung và những mối quan tâm chung. Chúng ta cần đoàn kết trong hành động dựa trên luật pháp quốc tế để giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt và tạo ra một liên minh thực sự vì công cuộc chống khủng bố”, ông Putin nói.

Ông Putin cũng cho rằng, các quốc gia Hồi giáo cần phải là nhân tố chủ chốt trong liên minh và kêu gọi giới chức Hồi giáo cần sử dụng quyền hạn của mình để ngăn chặn việc những tổ chức khủng bố tuyển mộ các chiến binh Hồi giáo.

7. Khôi phục vị thế quốc gia cho Libya và Syria

Tổng thống Putin cho rằng, việc khôi phục lại vị thế quốc gia cho Libya và Syria, những nước đang phải đối mặt với các cuộc xung đột triền miên sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết vấn đề người tị nạn đang lũ lượt rời khỏi 2 quốc gia nói trên.

“Người tị nạn cần sự cảm thông và ủng hộ, tuy nhiên, vấn đề này chỉ có thể được giải quyết triệt để bằng việc khôi phục lại các quốc gia từng bị hủy hoại bởi chiến tranh”, ông Putin nhấn mạnh.

8. Không được dùng vũ lực giải quyết vấn đề Ukraine

Tổng thống Nga Putin cho rằng, giống như nhiều quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, Ukraine buộc phải chọn giữa Đông và Tây và điều này đã dẫn đến cuộc nội chiến sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych vào tháng 2/2014.

“Không thể đảm bảo được sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine chỉ bằng những lời đe dọa và vũ lực. Cần phải cân nhắc đến lợi ích và quyền lợi của người dân vùng Donbass cũng như tôn trọng sự lựa chọn của họ và hợp tác với họ trong các vấn đề liên quan đến hệ thống chính trị của Ukraine như đã nêu trong thỏa thuận Minsk”, ông Putin nói.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024

Theo dự báo của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics, giá hàng hóa thực phẩm thế giới sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, làm giảm áp lực lên giá bán lẻ thực phẩm. Động lực chính đằng sau sự sụt giảm này là “nguồn cung dồi dào” đối với nhiều loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và ngô.

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024
Châu Phi cần 277 tỷ USD/năm để thích ứng với khí hậu

Tham dự một hội nghị cấp cao về tài chính khí hậu, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina vừa lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp khi biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia châu Phi.

Châu Phi cần 277 tỷ USD năm để thích ứng với khí hậu
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
Return to top