ClockThứ Sáu, 20/07/2018 20:46

A Đeeng, nơi khởi nguồn phong trào cách mạng

TTH - Cách đây 60 năm, Hội nghị Diên Hồng của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế diễn ra vào tháng 7/1958 trong vòng 7 ngày tại làng A Đeeng, thuộc xã Bắc Sơn, huyện A Lưới. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt của đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới, là mốc son lịch sử về tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, nơi ghi dấu phong trào cách mạng ở A Lưới khởi đầu.

Bước ngoặt lớn trong phong trào đấu tranh cách mạngTrang sử quê hương qua “đời người cách mạng”Bia chứng tích và tấm lòng tri ân

Các đại biểu trồng cây lưu niệm tại làng A Đeeng, xã Bắc Sơn

Sau đúng 60 năm, lần đầu tiên, lễ kỷ niệm Ngày Hội nghị Diên Hồng của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế (7/1958 - 7/2018) được huyện A Lưới long trọng tổ chức sáng 20/7 nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, đánh giá ý nghĩa lịch sử, bài học sâu sắc về công tác vận động, tập hợp, phát huy ý chí, sức mạnh của toàn dân trong bảo về và xây dựng đất nước. 

Ông Nguyễn Thái Sơn, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các Ban, cơ quan của Tỉnh ủy, cùng đông đảo các đại biểu, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVTND, lãnh đạo huyện A Lưới qua các thời kỳ đã đến dự.

Ôn lại lịch sử, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới Lê Thanh Nam phát biểu, phong trào cách mạng ở miền núi Thừa Thiên những năm 1955 - 1956 gặp vô vàn khó khăn, bị khủng bố gắt gao với chiến dịch tố cộng khốc liệt và gom dân vào “ấp chiến lược” của địch. Lực lượng cách mạng tổn thất nặng nề.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy quyết định xây dựng miền núi Thừa Thiên thành căn cứ địa cách mạng, làm bàn đạp để củng cố và phát triển phong trào cách mạng toàn tỉnh. Tháng 6/1956, Tỉnh ủy Thừa Thiên thành lập Đảng ủy miền Tây Thừa Thiên, các đồng chí Ăm Meo, Ăm Mật, Nhà Hoài, Quỳnh Ra Đàng, Kôn Phơi được chỉ định tham gia vào Đảng ủy, do đồng chí Ăm Meo làm Bí thư.

Để kịp thời củng cố lực lượng, Đảng ủy miền Tây Thừa Thiên xin chủ trương Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trưng cầu dân ý để tìm phương pháp đấu tranh mới, phù hợp với tình hình thực tế lúc này. Đầu năm 1958, được sự cho phép của Tỉnh ủy Thừa Thiên, Đảng ủy miền Tây khẩn trương chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất và địa điểm được chọn là làng A Đeeng Pâr Ruung, giáp ranh với Lào (thuộc xã Bắc Sơn ngày nay).

Ông Hồ Văn Rãi, ở xã Bắc Sơn, người tham gia Hội nghị Diên Hồng, nhớ lại: Diễn ra trong thời gian 7 ngày vào trung tuần tháng 7/1958, Hội nghị Diên Hồng của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên quy tụ 150 già làng, trưởng bản các dân tộc miền núi Thừa Thiên tham dự, lấy chủ đề: “Thương dân, yêu nước đứng lên làm cách mạng”.

Sau 7 ngày thảo luận nóng bỏng, Hội nghị đi đến thống nhất các nội dung: Đồng bào các dân tộc miền Tây Thừa Thiên cùng nhau đoàn kết, một lòng một dạ theo Đảng và Bác Hồ Kính yêu; xóa bỏ hiềm nghi giữa các làng, các phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, nam – nữ bình đẳng; cùng với đồng bào cả nước đánh đuổi Đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc và tiến lên xây dựng Chủ nghĩa Xã hội; hăng hái tham gia cách mạng, động viên con, em lên đường tham gia kháng chiến cứu nước, ủng hộ sức lực, của cải cho cách mạng…

Ông Cu Pộc, thôn A Năm, xã Hồng Vân, một trong 12 nhân chứng từng tham gia Hội nghị ngày ấy, cho biết: Sau hội nghị, già làng về truyền đạt lại cho bà con, được bà con nhiệt liệt hưởng ứng. Từ đó, phong trào thi đua kháng chiến, sản xuất được lan rộng…

Theo ông Lê Anh Miêng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy A Lưới, hội nghị là một sự kiện chính trị, lịch sử đặc biệt quan trọng không chỉ đối với huyện A Lưới mà còn có ý nghĩa đối với cách mạng giải phóng dân tộc của toàn tỉnh; xây dựng địa bàn miền núi thành căn cứ địa vững chắc, để phát triển phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.

 Đến cuối năm 1958, việc phát triển Đảng được đặt ra khẩn trương. Tất cả các xã miền núi bắt đầu thành lập chi bộ Đảng và một số làng xung yếu đều có đảng viên. Chi bộ xã trực tiếp lãnh đạo về mọi mặt, đã tập hợp được lực lượng thanh niên, đoàn viên, sau này trở thành nòng cốt như liên lạc, canh gác, bảo vệ và dẫn đường cho cán bộ hoạt động bí mật. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào huyện A Lưới có tới 8.296 người tham gia cách mạng, đi dân công vận tải đưa vũ khí, lương thực cùng các đoàn xe quân sự theo các con đường 71, 72, 73, 74 từ miền núi xuống đồng bằng tham gia chiến đấu, phục vụ khắp các chiến trường, góp sức cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thái Sơn nhấn mạnh, 60 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của Hội nghị Diên Hồng năm 1958 vẫn còn nguyên tính thời sự. Những giá trị về đoàn kết các dân tộc, chống giặc ngoại xâm, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới, phát triển sản xuất, đến nay vẫn còn giá trị lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh

Ngày 23 và 24/3, tại nhiều địa phương, các lực lượng đã triển khai Phong trào ngày Chủ nhật xanh với các hoạt động đáng chú ý như, tổ chức đổi rác lấy quà, tặng quà cho hộ nghèo, khai trương tuyến đường cờ thanh niên, thực hiện mô hình điểm “Cổng trường văn minh – thân thiện – an toàn”…

Triển khai nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh
Mở rộng phong trào, nâng tầm vị thế

Taekwondo là bộ môn thể thao thế mạnh của tỉnh nhà và được Thừa Thiên Huế chọn làm môn thể thao trọng điểm nhóm 1 tập trung đầu tư trong giai 2021 - 2025. “Mở rộng phong trào, nâng tầm vị thế” là phương châm hoạt động của bộ môn này.

Mở rộng phong trào, nâng tầm vị thế
Hiệu ứng từ các phong trào

Bằng nhiều cách làm với các hoạt động thiết thực, thời gian qua phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng” và các hoạt động ý nghĩa khác do TP. Huế triển khai đã kết nối các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV).

Hiệu ứng từ các phong trào
Return to top