ClockThứ Bảy, 10/03/2018 13:15

A Lưới: Đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành mũi nhọn

TTH - Các ngành du lịch, dịch vụ ở A Lưới đang từng bước phát triển, sản phẩm ngày càng đa dạng.

Đầu tư phát triển khu kinh tế thương mại tại 2 cửa khẩu ở A LướiA Lưới tổ chức trình diễn tắm suối và liên hoan ẩm thựcChuẩn bị xúc tiến đầu tư vào huyện A Lưới

Du khách nước ngoài tìm đến điểm du lịch cộng đồng xã A Roàng

Chuyển động

Giới thiệu khu rừng trồng đang được thống kê đền bù, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ Hồ Viết Lương phấn khởi: Xã đã quy hoạch hơn 2ha trên tuyến đường vào khu du lịch suối Pâr Le để xây dựng khu nhà sàn theo loại hình du lịch homestay, tái hiện không gian văn hoá bản làng và bố trí các gian hàng thủ công mỹ nghệ, khu ẩm thực... Sau khi được đầu tư, định kỳ ở đây sẽ tổ chức các hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất như dệt Zèng, chế tạo nông cụ, nhạc cụ dân tộc và trình diễn các hoạt động văn hoá cộng đồng để du khách đến đây được hòa mình cùng tái hiện sinh động những bản sắc riêng có về đời sống của đồng bào được lưu truyền từ bao đời nay, nhằm làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch.

Các địa phương khác ở A Lưới chú trọng đầu tư các địa điểm du lịch sinh thái như thác A Nôr (xã Hồng Kim) rộng 10ha, với cơ ngơi lưu trú khá tiện nghi; các địa điểm du lịch hang động Kềnh Crâm, suối nước nóng Tôm Trung (xã A Roàng)… Các địa danh được ghi dấu trong hai cuộc kháng chiến như cụm địa đạo Động So, Lam Sơn, Tà Lương; đồi ABia (còn gọi là đồi Thịt Băm – Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia); động Tiên Công; sân bay ASo… đang được khai thác phát triển loại hình du lịch lịch sử cách mạng, bước đầu thu hút du khách tham quan.

Loại hình du lịch văn hóa cộng đồng đang phát triển mạnh ở A Lưới

Chủ tịch UBND huyện A Lưới  Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Việc tổ chức khai thác các tiềm năng du lịch, dịch vụ của huyện A Lưới đã có những động thái tích cực. Tuy nhiên, những sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng để hấp dẫn du khách nhìn chung vẫn còn thiếu. Điển hình như khu du lịch suối Pâr Le ở Hồng Hạ mới đưa vào khai thác, hiện đang thiếu các dịch vụ đi kèm nên sản phẩm vẫn còn đơn điệu. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vốn đầu tư hạn chế và việc liên kết trong phát triển du lịch, dịch vụ chưa được chú trọng đúng mức. A Lưới cần xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển du lịch, dịch vụ trên cơ sở đánh giá có hệ thống những tiềm năng, điều kiện về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực khác. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch; thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng, văn hóa… để khai thác đúng tiềm năng.

Phát triển du lịch, dịch vụ

Từ cơ chế khuyến khích, các loại hình dịch vụ du lịch, thương mại ở A Lưới có bước phát triển khá. Toàn huyện có 13 điểm du lịch, 7 khách sạn, nhà nghỉ, 1 khu homestay, 3 làng văn hóa du lịch cộng đồng và 9 nhà hàng.

Theo Bí thư Huyện ủy A Lưới - Nguyễn Thị  Sửu, năm 2017, đóng góp vào mức tăng trưởng 11% tổng giá trị sản xuất của A Lưới, ngành nông - lâm - ngư nghiệp chỉ tăng 8%, công nghiệp - xây dựng - TTCN tăng 9%; trong khi du lịch, dịch vụ tăng 22%. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của huyện xác định: “Phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ, du lịch, tạo chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ giá trị sản xuất khu vực du lịch dịch vụ tăng 24%/năm”.   

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Huyện ủy A Lưới chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, phân công cụ thể đến từng ngành, địa bàn; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại.

Chúng tôi được biết, A Lưới sẽ ưu tiên thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh và đa dạng hóa các loại hình du lịch; xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, tiếp tục nâng cao chất lượng các khách sạn, nhà hàng, xây dựng khách sạn 3 sao nhằm đáp ứng nhu cầu khách tham quan, lưu trú trên địa bàn… Trong chiến lược dài hơi sẽ mở rộng thêm các dịch vụ tài chính, phát triển các dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, du khách và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Huyện phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh và công ty tư vấn du lịch tổ chức khảo sát các điểm du lịch như thác A Nôr, Pâr Le, lòng hồ thủy điện A Lưới, đồi A Biah... để đầu tư quy mô, xây dựng tour du lịch.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

TIN MỚI

Return to top