ClockThứ Ba, 16/05/2017 14:37

A Lưới - Vùng đất giàu tiềm năng đang chờ nhà đầu tư khai phá

TTH - Kêu gọi các nhà đầu tư đặt những “phiến đá” chắc chắn để vùng đất hoang sơ đầy tiềm năng “bước” vững chãi trên “con đường” du lịch, dịch vụ, sản xuất, thương mại... là mong muốn mà huyện miền núi A Lưới đang xúc tiến.

Bên ngọn lửa rừng. Ảnh: Đăng Tuyên

Các dự án (DA) trọng điểm kêu gọi đầu tư về quy mô, hình thức đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư sẽ được đặt lên bàn “Hội nghị xúc tiến đầu tư” diễn ra tại A Lưới diễn ra hôm nay (16/5/2017). Trước đó, các nhà đầu tư đã khảo sát thực tế tại địa phương.

Tiềm năng phong phú

 Một ngày tháng 5, con đường dẫn vào khu du lịch sinh thái Thác A Nôr thuộc làng Việt Tiến (xã Hồng Kim, cách trung tâm thị trấn A Lưới khoảng 7 km) mát dịu bởi gió núi và tiếng suối rì rầm. Dòng nước trắng xóa đổ xuống thành 3 ngọn thác liên hoàn cao 8m, 60m và 120m, làm nên một Thác A Nôr hoang sơ, quyến rũ.

Khu du lịch sinh thái Thác A Nôr là một trong những “điểm nhấn” tiềm năng của  A Lưới, nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua 14 xã, thị trấn với chiều dài trên 100 km; kết nối với các tỉnh, thành: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị; giao cắt với QL49 nối trung tâm huyện A Lưới với TP. Huế; có hai cửa khẩu quốc gia và nước bạn Lào là A Đớt- Tà Vàng và Hồng Vân- Cu Tài. Khu du lịch sinh thái A Nôr có thế mạnh nằm giữa mạng lưới giao thông thuận lợi, có điệu kiện để phát triển du lịch sinh thái. 

Hạnh phúc đơn sơ giữa suối ngàn. Ảnh: Đăng Tuyên 

Một tiềm năng du lịch khác của A Lưới là khu du lịch sinh thái suối nước nóng A Roàng với mạch nước ngầm lộ thiên có nhiệt độ trung bình 60 đến 70 độ C, chứa nhiều khoáng chất chữa một số bệnh, có lợi cho sức khỏe, rất thích hợp với loại hình du lịch nghỉ ngơi và tắm khoáng. Điểm suối khoáng được bao bọc xung quanh bởi rừng núi trùng điệp, nơi có khu rừng nguyên sinh và khu bảo tồn sao la, là thế mạnh để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, kiết hợp chữa bệnh.

Có khí hậu trong lành và nguồn thức ăn sạch từ thiên nhiên, A Lưới còn là vùng đất lý tưởng để phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao. Thịt bò A Lưới hiện được thị trường tiêu thụ nội tỉnh ưa chuộng, là cơ ở để xây dựng thương hiệu thịt bò và công nghệ chăn nuôi, chế biến cũng như phát triển nguồn dược liệu. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, huyện đang mời gọi các  doanh nghiệp (DN) đến khảo sát tiềm năng để đầu tư, khai thác các thế mạnh sẵn có về du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch, dược liệu....“Rất nhiều kỳ vọng, tuy nhiên chúng tôi chưa thể tham vọng có DN đầu tư ngay sau hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, mà sẽ có nhiều nhà đầu tư biết đến, thấy được tiềm năng, thế mạnh của A Lưới. Hiện đã có 5 nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh đến khảo sát thực tế. Chúng tôi sẽ tổ chức các hội nghị tiếp theo để kêu gọi. Hy vọng khi đường giao thông đến A Lưới thuận lợi hơn, sẽ có sức hút lớn hơn với các nhà đầu tư. Hiện, tuyến đường Huế-A Lưới đang được nâng cấp, mở rộng phần còn lại. Trong tương lai sẽ phát triển đường nối giữa A Lưới-Nam Đông, A Lưới- Phong Điền; hành lang kinh tế Đông Tây nối Lào, Thái Lan...Đó là điều kiện thuận lợi để A Lưới thu hút đầu tư ”- ông Hùng nói.

Ông Phạm Bá Hưng, 1 trong 5 nhà đầu tư đến khảo sát thực tế lần này chia sẻ: Với điều kiện khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, nếu có chính sách, cơ chế tốt, hạ tầng được đầu tư thì các DA về du lịch, chăn nuôi, trồng dược liệu rất có triển vọng. Cụ thể, trong hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu về nhà máy sản xuất thuốc tân dược của mình (ở khu công nghiệp Tứ Hạ) trong tương lai. Chúng tôi đang tìm cơ hội trồng cây dược liệu để thay thế nguyên liệu nhập như hiện nay. Với nhu cầu đặt ra, cần phải tạo điều kiện về đất, diện tích trồng dược liệu phải tăng lên hàng chục lần so với quy hoạch hiện tại.   

Và thảm vàng đã trải...

Các dự án  A Lưới đang kêu gọi đầu tư gồm: khu du lịch sinh thái A Nôr, suối nước nóng A Roàng, suối Pâr Le; chăn nuôi gia súc (bò, lợn); trồng cây dược liệu; sản xuất dăm gỗ xuất khẩu và chế biến gỗ nguyên liệu rừng thông; nhà máy chế biến thịt bò; xây dựng trung tâm thương mại huyện.

Theo lãnh đạo huyện A Lưới, một trong những dự án điểm nhấn là  mô hình trang trại chăn nuôi bò có quy mô và công nghệ cao nhằm tạo chuỗi hàng hóa, thay vì chỉ chăn nuôi bò nhỏ lẻ trong các hộ gia đình như hiện nay.

Với tổng mức đầu tư khoảng 18 tỷ đồng, cánh đồng cỏ sẽ được tập trung ở xã Hương Phong. Bò sẽ được nuôi trên những vùng đất khí hậu trong lành, nguồn thức ăn từ thiên nhiên sạch sẽ sẽ cho chất lượng thịt ngon, nhắm đến thị trường tiêu thụ là các thành phố lớn trong tương lai.

Dự án trồng cây dược liệu (tại khu đất Lò Dầu, thôn Hương Thịnh, xã Hương Phong), nơi đất đai phù hợp cho các cây ba kích, đinh lăng, hà thủ ô…sẽ cung cấp nguyên liệu để sản xuất thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân trong nước, hướng tới xuất khẩu, góp phần tích cực tạo nguồn lực kinh tế cho A Lưới. Để “bước” vững chải trên “con đường” du lịch, dịch vụ, sản xuất, thương mại, A Lưới mong muốn đón đợi những nhà đầu tư chiến lược thực sự có năng lực. 

Với quyết tâm kêu gọi các nhà đầu tư, nhiều chính sách ưu đãi đã được xây dựng. Theo đó, các DA đầu tư ở A Lưới được miễn tiền thuê đất, mặt nước 11 năm kể từ ngày hoàn thành đưa vào hoạt động; miễn tiền thuê đất, mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo DA được cấp (nhưng tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định thuê đất, thuê mặt nước). Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm; miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo; được miễn thuế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để bảo vệ môi trường...

Quỳnh Anh

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Chiều 29/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế với toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm nhằm huy động nguồn lực để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Return to top