ClockThứ Năm, 03/11/2011 12:24

Chảy đi sông ơi

TTH - Dễ chừng cũng đã hàng chục năm rồi, sông An Cựu là nơi đi về mỗi ngày của tôi. Đã đi vào tiềm thức, sống mãi với câu ca da diết “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong”.

Còn có tên gọi nữa là Lợi Nông, sông An Cựu được khai sinh dưới thời vua Minh Mạng nhằm lấy nước sông Hương về cho đồng ruộng Hương Thủy, Phú Vang. Đi qua Huế, dòng sông uốn lượn quanh co, làm dùng dằng bao bước chân người. Bên này đường Phan Chu Trinh nhìn qua phía bên kia đường Phan Đình Phùng thấy thấp thoáng bóng dáng người quen thân thương, như thoắt ẩn thoắt hiện dưới bóng những cây xanh. Ở bên phía bờ Nam này, con sông An Cựu như một hàn thử biểu. Mùa hè nhìn thấy cả rong rêu, dòng nước lượn lờ và thu hẹp là hiểu quê mình đang trải qua những ngày hạn hán. Còn mùa mưa, mỗi sáng mỗi chiều, nhìn nước dâng cao trên dòng An Cựu, chảy siết và đôi bờ ngập tràn, con sông như to ra, là biết ngay những cơn lụt đã về.

Con sông Hương huyền thoại là báu vật tạo hóa dành cho Huế. Cũng từ dòng sông có sẵn của đất trời này, người ta đã cho đào thêm ở Huế và vùng phụ cận nhiều con sông nữa để giải quyết yêu cầu thủy lợi, giao thông thủy và môi trường. Bởi vậy, không có gì lạ khi cùng với sông An Cựu, ở Huế còn có cả một hệ thống sông đào. Đó là Ngự Hà nằm ngay giữa nội thành, đồn rằng xưa dành cho nhà vua dong buồm dạo chơi. Đó là sông Đông Ba, nối đoạn cong của dòng sông Hương, từ cầu Gia Hội đến phố cổ Bao Vinh. Đó còn là sông Kẻ Vạn nối dòng Bạch Yến với An Hòa… Chính những con sông kia đã góp phần làm cho Huế đẹp hơn về cảnh sắc và tươi mát hơn về môi trường. Hàng trăm năm nay rồi, chúng vẫn âm thầm chảy mãi, quanh co và uốn lượn như ôm trọn Huế vào lòng.

Những con sông đào ở Huế vẫn được người đời chăm chút bằng những bờ kè hay những cố gắng nạo vét, tạo cho cảnh quang đôi bờ ngày càng thông thoáng, nhưng lại có một cảm giác ngưng đọng, cũng bởi những toan tính của chính con người. Để rồi, như con sông An Cựu, khác hẳn với bây giờ, xưa ngày hè nước chảy đều và trong xanh là nơi tắm mát và nô đùa. Còn như mùa lụt này, con trai tôi ngạc nhiên, mưa lớn thế kia mà sao không thấy lụt. Nó nhớ lụt, nhớ những ngày nghỉ học hiếm hoi của mùa mưa gió. Tầm tã mưa rơi suốt cả ngày đêm, nước vẫn đục ngầu nhưng khác xưa nhiều lắm, không còn những dòng nước cuồn cuộn chảy liên tục. Không có nước ào ạt về, ngày lụt mà hạ lưu khô ráo. Dòng sông yên ả, thấy bềnh bồng giữa dòng cả những túi ni lông.

Người đời vẫn có những lý do biện minh cho những dòng sông không chảy. Nhưng, dù sao đi nữa, tận trong tiềm thức con người, nhớ đến những con sông là nghĩ về dòng chảy. Hung dữ và hiền hoà, mạnh mẽ và nhẹ nhàng. Và tôi rất thích một lời nhạc rất hay của nhạc sĩ Phó Đức Phương, rằng “Ơi con sông hiền hoà. Chở đầy nước ngọt phù sa. Ơi con sông thiết tha. Ấp ôm bến bờ xứ sở. Sông mấy ngàn năm tuổi. Mà sao sông trẻ mãi không già. Chảy đi sông ơi”. Dù thế nào thì chảy cũng biểu hiện đáng mừng của sông nước. Sông mà không chảy là nguồn đã cạn, nước chẳng còn và cuộc sống sẽ chấm dứt. Nước mà đứng yên là nước của ao hồ tù đọng, ô nhiễm, thối tha. Vậy nên, là lời mời gọi thiết tha, chảy đi sông ơi, những dòng sông ở Huế…

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top