ClockThứ Năm, 17/11/2011 08:42

Bảo tàng sông nước Quảng Điền

TTH - Lịch sử ghi lại, trong quá trình Nam tiến, vùng đất Thuận Hoá xưa được xem là điểm dừng chân của nhiều cộng đồng dân cư đi khai phá vùng đất mới. Phần lớn đã chọn lưu vực các con sông với những dải đất phù sa màu mỡ thuận tiện cho canh tác nông nghiệp, như sông Ô Lâu, sông Hương, sông Bồ… Còn nữa, cũng là một bộ phận đã tụ cư hai bên khu vực đầm phá Tam Giang, từng bước lập làng, cùng với cư dân bản địa khai thác nguồn lợi thuỷ hải sản.

Nằm ở phía bắc thành phố Huế, huyện Quảng Điền có đến 3.500 ha diện tích mặt nước, là một vùng sông nước điển hình. Cùng với biểu tượng của một vùng đất lúa, Quảng Điền cũng là nơi lắm tôm, nhiều cá, có vùng Sịa với tư cách là một trung tâm nổi danh trong câu ca “Nhất Huế, nhì Sịa”. Đã từ lâu, hình thành và tồn tại ở đây những vạn chài như những ngôi làng trên mặt nước ở ven sông hay phá Tam Giang. Cũng đã đi vào tâm thức con người bao đời nay những tên làng, tên ấp, như Thuỷ Lập, Hà Đồ, Hà Lạc…Và rồi, nó trở thành một điểm nhấn trong dấu ấn văn hoá, lịch sử của Thừa Thiên Huế.

Một tiết mục trong lễ hội “Sóng nước Tam Giang”. Ảnh: Internet

Chủ trương định canh định cư đến hồi kết mang tính nhân văn sâu sắc đã góp phần ổn định, nâng cao đời sống tinh thần lẫn vật chất cho bộ phận cư dân thuỷ diện sinh sống lênh đênh trên sông nước. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra vấn đề về sự mai một của một văn hoá truyền thống giàu bản sắc của người dân vùng sông nước. Một ví dụ tiêu biểu là hình ảnh chiếc đò truyền thống với tư cách là phương tiện cư trú lẫn phương tiện kiếm sống đang dần mất đi để thay vào đó là những chiếc đò hiện đại có kết cấu đơn giản hơn, chỉ thực hiện chức năng là phương tiện sản xuất. Rồi nữa là những công cụ đánh bắt cá như lờ, sáo, đáy, rớ, lưới rê…cùng với hệ thống lễ tiết liên quan đến đời sống người dân vùng sông nước, như đua trải cầu ngư, cúng bến nước, cúng phòng long…cũng đã có biến chuyển để thích nghi với những đổi thay.

Cũng bởi vì những giá trị văn hoá sông nước đặc sắc kia mà tôi đã thực sự thích thú và tâm huyết khi được biết một ý tưởng xây dựng bảo tàng văn hoá sông nước Quảng Điền. Đã có sự thay đổi quan niệm đáng kể về bảo tàng, từ chỗ chỉ là một nơi cất giữ, trưng bày hiện vật đóng khung trong tủ kính và trong những căn phòng tĩnh lặng trở thành điểm sinh hoạt văn hoá với những chuyên đề mang tính mở, thực sự là nơi học tập, vui chơi, giải trí…Nhiều nhà nghiên cứu khoa học khẳng định, với sự hậu thuẫn của điều kiện địa lý đặc thù và tri thức bản địa độc đáo của cộng đồng cư dân thuỷ diện, Quảng Điền nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung là nơi duy nhất ở miền Trung và kể cả quốc gia, khu vực có thể xây dựng được một kiểu bảo tàng như thế.

Cách nay không lâu, Quảng Điền đã tổ chức khá thành công lễ hội “Sóng nước Tam Giang” và gắn liền với đó là việc hình thành tour du lịch đến với những địa danh, tham gia những lễ hội cũng như tìm hiểu đời sống sinh hoạt của con người vùng sông nước. Đây được xem như một sự bổ sung thú vị cho du lịch Huế vốn gắn liền với hoạt động khám phá những cung điện đền đài hay chùa chiền, lăng mộ. Nó cũng rất gần gũi với bảo tàng sông nước hiện đại trong việc góp phần làm sống dậy hình ảnh “con đò cắm con sào đứng đợi” một thời thơ mộng trên phá Tam Giang...
 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top