ClockChủ Nhật, 06/11/2011 08:46

Gặp Trần Mỹ Hằng, sinh viên trở về từ Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển

TTH - Trần Mỹ Hằng, cô bí thư Đoàn lớp K44B Kiểm toán, Trường đại học Kinh tế - Đại học Huế vinh dự là sinh viên duy nhất của Đại học Huế và cũng là thành viên duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển – Học kỳ trên biển năm 2011. Gặp Hằng một ngày sau khi trở về từ chuyến hành trình kéo dài gần một tháng này, dù vẫn còn khá mệt nhưng Hằng tỏ ra rất hào hứng khi kể về những kỷ niệm đầy ắp của cuộc hành trình.

“Đường Hồ Chí Minh trên bộ thì em đã đi rồi. Em rất tò mò muốn biết đường Hồ Chí Minh trên biển thực tế ra sao nên em đã chuẩn bị rất kỹ để tham gia cuộc thi tuyển chọn của trường”, Hằng cho biết. Năng động, có nhiều kiến thức về lịch sử, về đường Hồ Chí Minh trên biển và thông thạo các kỹ năng mềm, Hằng đã xuất sắc vượt qua vòng phỏng vấn do Đoàn thanh niên và Hội sinh viên Trường đại học Kinh tế tổ chức và vinh dự được chọn tham gia cuộc hành trình đáng nhớ này. 

Khởi hành lúc biển động

Với Hằng, được tham dự chuyến hành trình là niềm vui, niềm tự hào lớn bởi trong cả nước chỉ có 4 sinh viên được tham gia hành trình trong tổng số 148 thành viên của đoàn gồm 9 cựu chiến binh đoàn tàu không số, các đoàn viên, thanh niên ưu tú, một số văn nghệ sĩ trẻ và rất nhiều phóng viên báo chí. Hằng cũng có đôi chút lo lắng về sức khỏe bởi đó là cả một hành trình khá dài và chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chuyện học tập. Hằng cũng đã phải thuyết phục ba mẹ rất nhiều rằng chuyến đi sẽ không ảnh hưởng đến chuyện học tập. Và chuyến đi đã bắt đầu vào ngày 6/10 trong sự háo hức của Hằng và những thành viên trong đoàn.

Trần Mỹ Hằng tại Bến Thạnh Phong (Bến Tre) – di tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Những ngày đầu khởi hành từ Hải Phòng tới Quảng Bình là những ngày biển động mạnh, nhiều thành viên trên tàu HQ 996 chưa quen nên say sóng đứ đừ. Theo lời kể của Hằng, mọi người trên tàu gần như nằm rạp. Có người đành phải rời tàu sau 5 ngày vì không chịu được say sóng, được tàu đưa trả về đất liền. Bản thân Hằng sau 2 ngày lảo đảo vì say sóng và không ăn uống được gì đã cố gắng dậy và “làm quen” với việc nằm sấp ăn cháo để không bị nôn ra. Trải nghiệm này giúp Hằng phần nào hiểu những khó khăn của những thủy thủ đoàn không số ngày trước. Dẫu rằng những khó khăn này chẳng thấm tháp gì so với những hiểm nguy mà các cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa phải đối mặt...

Và những kỷ niệm không bao giờ quên
 

Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - học kỳ trên biển do T.Ư Đoàn phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức. Hành trình do Bí thư Trung ương Đoàn - Dương Văn An - làm trưởng đoàn cùng với 148 thành viên là đoàn viên, thanh niên, cựu chiến binh đoàn tàu không số, phóng viên báo chí, văn nghệ sĩ trẻ và chiến sĩ hải quân. Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục thanh niên cả nước về lịch sử dân tộc, truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam, chiến công huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, phẩm chất cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ và người chiến sĩ hải quân....

Lần lượt đi qua các địa điểm đã ghi dấu những chiến công oanh liệt của những Đoàn tàu không số ngày trước, đó là Bến sông Gianh (Quảng Bình), Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Vũng Rô (Phú Yên), 171 (Vũng Tàu), Thạnh Phong (Bến Tre), Vàm Lũng (Cà Mau) và cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), những lần làm lễ tưởng niệm và thả hoa đăng trên biển nơi các chiến sĩ của tàu không số đã hy sinh để lại trong Hằng ấn tượng đáng nhớ nhất. “Đó là những giờ phút thiêng liêng và cảm giác trân trọng, nể phục các anh hùng, chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh vì tổ quốc trào dâng trong em và em càng hiểu rằng, tuổi trẻ ngày nay phải quý trọng và góp sức bảo vệ, giữ gìn biển đảo quê hương. Ở Vũng Rô (Phú Yên), được nghe các cựu chiến binh kể lại câu chuyện cảm động về sự hy sinh của thuyền trưởng Phan Vinh và các đồng đội và thả đèn hoa đăng tưởng nhở các thủy thủ đoàn đã hy sinh anh dũng để lại trong Hằng ấn tượng sâu sắc nhất. Một kỷ niệm nữa đáng nhớ đối với Hằng là lần cả đoàn cầm đuốc đi bộ suốt chặng đường dài 4 cây số trên những cánh đồng ở Bến Tre. “Lúc đó em cảm nhận được rõ không khí kháng chiến sục sôi ở Nam Bộ một thời. “Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre - năm xưa đi trong đạn bom - đi như nước lũ tràn về...”, Hằng nhớ lại.
 
“Được nghe các bác cựu chiến binh tâm sự, em càng hiểu hơn về những khó khăn để vận chuyển vũ khí vào Nam, hiểu sự hy sinh thầm lặng của những thanh niên trẻ 20 tuổi ngày trước, Hằng nói. - ở trên bộ, khi các bác, các anh nằm xuống, còn được nằm trên đất mẹ, còn sự hy sinh trên biển thì... nằm lại giữa những con sóng xa ngàn trùng... Phải có lòng dũng cảm và yêu tổ quốc lớn nhường nào”. “Sau chuyến đi này, cả đoàn đã đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hải Phòng. Ở đó có ghi nói của Bác Hồ trong dịp Người về thăm Bộ đội Hải quân (1961): “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày có trời có biển, bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Tuổi trẻ ngày nay cần nhận thức rõ về trách nhiệm của mình và góp phần giữ gìn biển đảo quê hương. Em sẽ kể với gia đình, bạn bè và với các sinh viên của trường về sự sáng tạo, lòng dũng cảm và ý chí can trường của các anh hùng, cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa, về những kỳ tích của huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển trong đợt giao lưu với sinh viên trong trường sắp tới để các bạn hiểu hơn về lịch sử, truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam”, Hằng nói.
 
Ngọc Hà

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên làm thêm ngày tết

Những ngày tết, thay vì đi chơi, du xuân cùng bạn bè và người thân, nhiều sinh viên quyết định chọn đi làm thêm để phụ giúp gia đình.

Sinh viên làm thêm ngày tết
Return to top