ClockThứ Tư, 09/11/2011 09:33

Gió đồng

TTH - Về làng lúc nắng nghiêng sang chiều, qua khỏi cầu Bạch Yến, đi thêm một đoạn ngắn qua khu chung cư Hương Sơ, đã nghe trong gió mùi thơm của lúa thì con gái. Ồ, lâu lắm mới lại nghe thấy hương lúa thì con gái ngọt thơm trong gió. Thơm ngọt ngào và sâu khắc như thể nó khảm lên từng tế bào phổi. Thơm ngọt riết róng mùi sữa mẹ ngày xửa ngày xưa. Chao ơi là hương lúa, ngọt như bao mùa màng đã đi qua, thơm như bao năm tháng đã đi qua, và gió đồng lồng lộng mang cái vị thơm ngọt đó, da diết như bao nỗi niềm mênh mang, cuồn cuộn đã đi qua...

Nghe hương lúa mà bỗng nhớ xa lắc những ngày xưa. Lần đầu được về quê cũng chiều sang như thế này, cũng gió như thế này, mà chiếc xe đạp của cha lóc chóc theo con đường gồ ghề cứ nhảy miết. Đang định kêu lên vì sợ rớt bỗng nghe trong gió mùi hương chi lạ quá. Cha ơi có mùi hương chi ri hè? À, hương lúa đó con! Xe lại nhảy trên con đường gồ ghề, nhưng hương lúa không vì vũ điệu bất phân ấy mà tan đi. Nó ùa vào trong trí não và nằm yên ở đó, ủ miên man ở đó hàng bao nhiêu năm. Lại nhớ cái lần đầu được theo cha đi ra thăm đồng lúa. Đọc sách nghe cứ nhắc đến lúa thì con gái, giờ mới thấy cha ngắt một cây lúa, tước ra cho thấy bên trong thân cây đang e lệ ủ dải hoa trắng mịn như làn da con gái. Đến mức nhiều năm sau, gặp đó đây không biết cái mịn màng ấy là dải lúa thì con gái hay làn da của giai nhân. Lúa - người, người - lúa, phù sa đắp đổi cho nhau trong cộng đồng lúa nước đã hàng ngàn năm, tạo nên một nền văn minh lúa nước rộng mênh mông như những cánh đồng, sâu hút thẳm như những lòng sông, và ngập tràn ngút chân trời hương lúa thì con gái. Ở quê lâu, mới phân biệt được những mùi hương rất riêng của lúa. Những đám mạ non dậy mùi cỏ sương. Lúa thì con gái mùi ngọt đan thanh. Lúa đòng đòng mùi hương nồng nàn thiếu nữ ngọt sâu đêm tân hôn. Lúa trổ trà bông có mùi hương ngọt mãn khai. Lúa chín có ý vị thơm ngọt của lúa và của trặm triền đất đai....

 
Có một chuyện cổ tích kể rằng, xưa có hai mẹ con nọ ở với nhau, người mẹ thương con chăm chút nhường nhịn món ngon cho con đến kiệt sức, vậy mà đứa con trai kia cứ hư hỏng, rong chơi suốt ngày. Một ngày kia biết mình sắp chết, bà kêu đứa con trai lại:- Ngày mẹ chết, con sẽ thấy ở chỗ mẹ nằm một loại hạt nhỏ Con hãy bỏ hạt trong chậu đất, đổ nước vào rồi mang về hoàng cung, sẽ đổi được rất nhiều vàng bạc. Quả nhiên khi mẹ chết, cậu tìm được trên gối những hạt cây nhỏ. Tham lam, cậu liền làm theo lời mẹ dặn, bỏ hạt vào chậu đất, tưới nước đầy rồi gánh về hoàng cung. Không ngờ đường về hoàng cung quá xa, phải mất cả sáu, bảy tháng đi đường. Cậu con trai mệt mỏi, lương thực cạn dần. Cậu bắt đầu phải xin ăn. Bấy giờ cậu mới nhận ra công lao của mẹ đã cực nhọc nuôi nấng mình bấy lâu. Cậu hối hận vì đã đối xử tệ bạc với mẹ.Khi về tới hoàng cung cũng là lúc những cây mọc lên từ hạt kia đã trĩu chín những chuỗi hạt nhỏ, vàng xinh xắn, mùi thơm thoang thoảng, nấu ra ăn thật ngon và bùi. Cậu con trai nhớ thương mẹ, không đem hạt vào cung vua nữa, mà mang giống hạt ấy về trồng… Đó chính là hạt lúa, một sự hóa thân của mẹ ta xưa...
 
 
Vết tích bữa cơm tiền sử nấu bằng gạo từ lúa mọc hoang xưa nhất thế giới, được các nhà khảo cổ xác định có từ 13.000 năm trước, mà cây lúa thì có thể đã có từ xa xưa hơn thế nữa. Ôi, hơn 13.000 năm, hương lúa bay qua hành tinh xanh, không phải là một đại kỳ tích đó sao.
 
Hương lúa thì bao giờ cũng vậy, đem lại cho ta cảm giác ấm lòng hứa hẹn những ngày no đủ. Hương lúa không phai, có lẽ thế nên mỗi lần ngậm nghe hương lúa sao lòng lại nao nao nỗi nhớ. Năm nào đó làng đói, đi qua cánh đồng “lúa vang vang đói vàng con mắt” mà nhưng nhức buồn. Bây giờ làng đã no đủ, người làng đi tìm giống lúa ngon mà ăn, nhưng cánh đồng không còn những giống lúa cũ đã làm nên diện mạo nền nông nghiệp cổ mang những cái tên: chiêng, nước mặn, hẻo rằn, nếp lùn... Gạo de An Cựu lại càng không.
 
Tiếc ngẩn ngơ mà rồi nghe trong hương lúa vọng lại một tiếng thì thầm nhắc nhở khác: mình là lúa, gốc rễ mình là lúa, dù có đi xa tới ngút chân trời, hương lúa vẫn đan thanh bên mình, mãi mãi mang theo... Hãy nhớ!
 

Hồ Đăng Thanh Ngọc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top