ClockThứ Năm, 10/11/2011 05:53

Dịch vụ, du lịch & văn hóa Huế

TTH - Đứng trước những tiềm năng to lớn về du lịch và văn hóa, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm đến thế mạnh này. Ngay từ năm 1993, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh khóa X đã nhấn mạnh: “Đã đến lúc cần đầu tư phát triển du lịch để sớm đưa ngành công nghiệp không khói này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đến năm 1995, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ sang công nghiệp – dịch vụ nông nghiệp với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mạnh góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Những năm qua, khi du lịch phát triển đã góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, nhân văn của đất nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Quan trọng hơn là góp phần quan trọng trong việc mở rộng quan hệ hợp tác, ngoại giao nâng vị thế của Thừa Thiên Huế trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Nhiều hội nghị, hội thảo mang tầm khu vực và quốc tế như Hội nghị Hiệp hội các Thị trưởng nói tiếng Pháp; Hội nghị Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, lễ hội festival... đã được tổ chức trên địa bàn thành phố Huế để lại ấn tượng an toàn, thân thiện. Thông qua hội nghị, hội thảo nhiều tổ chức trên thế giới hiểu Huế hơn và đã có những tiếng nói chung, nhiều đối tác đã đến tìm hiểu đặc trưng văn hóa – du lịch Huế để có dự án đầu tư.

 
Huế như một điểm đến hấp dẫn được quảng bá với thế giới khi thành phố Huế đã trở thành thành phố festival của Việt Nam. Qua các kỳ festival du lịch – dịch vụ Thừa Thiên Huế có thêm một động lực, một đòn bẫy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Từ lý luận đến thực tiễn, Thừa Thiên Huế ngày càng nhận ra thế mạnh của mình, đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và XIV, Thừa Thiên Huế khẳng định dịch vụ - du lịch là thế mạnh cần tập trung đầu tư để phát triển, tạo cú hích cho tỉnh nhà trong quá trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Gần đây nhất, trong Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã thảo luận sôi nổi để có Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước.
Văn hóa Huế như mọi người đã biết đó là cách sống, cách ăn, cách mặc, cách nói, cách vui chơi hội hè... mang tính điển hình của nền văn hóa làng xã Việt Nam. Riêng các món ăn đã tạo nên phong vị độc đáo của Huế. Những làng nghề cũng tạo nên phong thái kinh tế riêng biệt của Huế. Truyền thống, con người và lối sống của Huế như một thực thể được kế thừa từ cha ông đã và đang phát huy giá trị cho hôm nay. Trên thực tế linh hồn và văn hóa Huế trải dài, rộng từ miền núi đến đồng bằng, ven biển hội đủ các hình thái văn hóa từ đô thị, nông nghiệp, ngư nghiệp và văn hóa nương rẫy. Lịch sử hình thành văn hóa Huế tạo một bản sắc văn hóa mang đậm nét văn hóa cung đình và văn hóa đại chúng bình dân của người Việt Nam. Huế giản đơn, thân thiện nhưng kín đáo thâm cung. Huế nghèo nhưng mà sang, vui nhưng cứ ẩn chứa mang mác buồn, nhạy cảm với cuộc sống hiện đại nhưng hay hoài niệm về quá khứ. Huế hiếu khách và hiếu học là nét đặc trưng. Hiếu khách và hiếu học trong sự chắt chiu, chịu thương chịu khó để mở rộng tấm lòng, mở rộng tầm nhìn...
Nét văn hóa riêng của Huế được hòa quyện trong một không gian thiên nhiên hài hòa có núi, có sông, có đầm có biển. Người ta nói văn hóa là cái tự nhiên được biến đổi bởi con người. Nhìn từ lịch sử, con người Huế đã vươn lên phía trước ứng xử hòa hợp với đất - trời. Vì thế mà thắng cảnh thiên nhiên Huế hòa quyện, gắn bó với sinh hoạt, cuộc sống của con người xứ Huế.
Quá trình đô thị hóa của vùng Thuận Hóa – Phú Xuân đã để lại cho Huế những tinh hoa văn hóa, những di sản tinh thần quý giá trên nhiều lĩnh vực từ âm nhạc, kiến trúc, thơ ca, hội họa... Những cụm từ mà những ai yêu Huế đã luôn gọi: Nhà vườn Huế, món ăn Huế, người Huế, kiến trúc Huế, áo dài Huế, tiếng Huế, ca Huế, màu tím Huế...
Riêng lĩnh vực âm nhạc và kiến trúc, Huế được UNESCO công nhận có 2 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại.
Thừa Thiên Huế đang phát huy giá trị văn hóa của vùng đất để lồng nó vào hoạt động dịch vụ - du lịch. Sự chuyển động trong những năm qua đã để lại trong lòng du khách trong và ngoài nước những ấn tượng sâu đậm. Nhưng nhìn lại thế mạnh về đặc trưng văn hóa của vùng đất, chúng ta cần nỗ lực, tư duy sâu hơn để phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu, nổi trội của Huế “ứng dụng” vào sự phát triển của các loại hình dịch vụ - du lịch để Huế xứng đáng là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước.
 
Vấn đề đặt ra là để cho thế mạnh về dịch vụ - du lịch và văn hóa Huế vươn đến đỉnh cao, chúng ta cần quan tâm đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên ngang tầm trong hoạt động hướng dẫn, đưa đón du khách khám phá Huế. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân, viên chức làm việc trong các ngành dịch vụ - du lịch có năng lực chuyên môn cao, có kỹ năng giao tiếp văn minh, lịch sự, văn hóa với khách hàng, tạo dấu ấn văn hóa Huế trong lòng du khách bốn phương. Đầu tư hệ thống giao thông đến các điểm tham quan di tích, danh thắng Huế; trùng tu có trọng điểm các di tích lăng tẩm, đền đài nằm trong quần thể di tích Cố đô. Bên cạnh đó cần có kế hoạch, lộ trình xây dựng các trung tâm quảng bá văn hóa ẩm thực Huế, âm nhạc, lối sống, những sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế như áo dài Huế, nón Huế, hàng thủ công mỹ nghệ Huế, chùa Huế, làng cổ... kéo Huế rộng ra bằng các tour, tuyến du lịch liên kết về các làng quê truyền thống Phước Tích, Bao La, cầu Ngói Thanh Toàn, Nguyệt Biều, Hương Cần, Hiền Lương, Vĩ Dạ...
 
Hoạt động dịch vụ - du lịch mang bản sắc văn hóa Huế là nét riêng chỉ Huế có. Đây là trách nhiệm của những ai là người Huế dù đang ở trong hoàn cảnh, công việc gì cũng phải biết nâng niu, trân trọng bản sắc văn hóa của mình biến những đặc trưng văn hóa ấy thẩm thấu vào hoạt động dịch vụ - du lịch để cho Huế thơ, Huế mơ, Huế mộng, Huế sâu lắng hơn.
 

Chiến Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top