ClockThứ Năm, 10/11/2011 07:23

Nếu không có mùa mưa xứ Huế…

TTH - Sống với Huế hơn ba mươi mùa mưa, tôi mới có được một bài thơ về “Mưa Huế”. Tôi mừng vì đã kí thác vào bài thơ một cảm nhận riêng về Huế, về cuộc đời và đã đền đáp được một chút tình với quê hương. Hơn năm năm trước, bài thơ “Mưa Huế” của tôi đã được đăng cùng trang với bài thơ “Mưa Huế” (bài số 1 trong 203 bài thơ) của nhà thơ xứ Huế -Hải Bằng.

Cho đến khi tôi có được tác phẩm “Hải Bằng”– dày hơn 600 trang, do chính Hải Trung, con trai của nhà thơ gửi tặng. Lòng tôi lại tràn đầy…

Tôi đã đem thơ văn của ông (cũng như các tác phẩm, tác gia quê hương) vào chương trình Văn học địa phương để giảng dạy, ra đề thi tuyển học sinh giỏi. Với cảm giác tự tặng cho mình và học trò một chút quà quê, nồng thơm xứ sở.

Tháng 10. Trời Huế mưa triền miên. Nhìn những con đường quê ướt át trong mưa, tôi lại mở trang sách đọc những vần thơ mưa của Hải Bằng. Vì muốn được gặp lại tâm hồn ông. Chợt hiểu rằng: Thơ ông vời vợi trong tôi một một dáng núi Kim Phụng mà thơ tôi nhỏ bé tựa như người đứng dưới Ngã Ba Tuần tại Bằng Lãng ngước nhìn lên. Tôi coi những dòng tôi sắp viết ra đây như một đốm lửa hồng được nhen lên từ chính tâm hồn thi nhân. Không, đúng hơn là những giọt Huế từ trái tim tôi, để tri ân nhà thơ, một người Huế cùng thế hệ với cha tôi, đã cho tôi hiểu thế nào là tình quê. 

Thơ Hải Bằng bao giờ cũng là những hình ảnh, những cảm xúc chân thực mà thi nhân đã mang nặng trong tim. Đọc những dòngthơ chân thực ấy mà ngỡ như được nghe lời thì thầm tâm sự của nhà thơ Hải Bằng, trong dư âm của tiếng mưa:

 “Thương con đường chạy suốt mùa mưa dầm
 Con đường ấy đưa ta vào tình mẹ
 Con đường ấy không một lời kể lể
 Có đi về mới hiểu được lòng nhau”
 (Bài 7)
 
Thương con đường chạy suốt mùa mưa dầm”, thật ra không chỉ là nỗi thương con đường mà còn là nỗi thương quê nhà. Con đường cũng như con người quê hương mình, lầm lũi, ướt át, lạnh giá trong mưa. Song rất kiên cường, lặng lẽ, nhẫn nại trong mưa. Không biết ý nghĩ của nhà thơ đã bao lần thầm lặng “đi về”trên những con đường mưa mà lời thơ chứa đựng nhiều trăn trở, khắc khoải, thao thức, thiết tha đến thế. Trong thơ ông, gương mặt quê hương mùa mưa hòa lẫn với gương mặt người thân yêu. Gọi về trong lòng người bao kỉ niệm đầm ấm. Hình bóng người mẹ, những ân tình của mẹ trao con làm ấm những con đường mưa . Hình như, sống trong mưa, người con mới thấu hiểu công ơn của mẹ-người đã âm thầm gánh bao nỗi lo toan, nuôi con không lớn trưởng thành. Và khi năm tháng đi qua, khi bóng mẹ xa mờ thì tất cả đã hóa thành quê hương – người mẹ lớn của đời ta. Như “Bước mưa đi ngỡ ngàng chầm chậm / Nhìn bên đường thèm lửa ấm nhà ai”, tôi bỗng ao ước viết được những dòng thơ về quê hương chân thật, nồng ấm như một bếp lửa hồng, như cách của nhà thơ.
 
 
Là một họa sĩ nên thơ Hải Bằng luôn có những bức tranh quê chân thực, thân thuộc, sống động. Nơi ấy, hồn họa sĩ luôn được ẩn trong hồn thi sĩ. Chỉ cần qua vài nét bút phác họa thanh sơ, mềm mại là đủ để hiện ra một bức tranh có hồn. Dưới đây là một trong những bức tranh với sắc màu, đường nét mà đã người Thừa Thiên không ai thấy xa lạ nhưng không phải ai cũng có thế họa nên chất thơ, nếu không phải là nhà thơ Hải Bằng:
 
“Những đàn cò bay ngang trời quê
Cánh thì trắng, đám mây thì đục
Chiếc lá khô đã rụng mùa oi bức
Những cánh chim theo bạn trú mưa về”
(Bài 25)
 
 Nâng bài thơ trên tay, tôi nhận thấy một mối tình quê thầm lặng, bàng bạc trong màu mây xám đục, chớp trắng những cánh cò bay mải miết tìm nơi trú mưa. Gió cuốn, lá bay… Có điều chi thật ấm, thật hiền, như nụ cười thân thiện của thi sĩ với thiên nhiên. Và kì lạ thay, trong bức tranh trước cơn mưa này, cuộc sống quê hương xứ sở đang trở mình, hồi sinh. “Những cánh chim theo bạn trú mưa về”,Về”chứ không phải là “đi”, tôi bâng khuâng ngẫm nghĩ... Hẳn rằng, tôi đang được chạm đến những cảm xúc bồi hồi, hạnh phúc của nhà thơ ẩn dưới những câu chữ ấy.
 
Và khi con người thi sĩ và họa sĩ trong Hải Bằng đứng ngắm mưa ở một góc sân nhà thì sự phát hiện, thưởng thức cuộc sống lại bắt đầu từ những gì rất bình dị, gần gũi:
 
 “Con gà ấp mưa dưới gốc cam
 Nghe tí tách tưởng chừng lúa rụng
 Có tiếng gọi, hạt vàng rắc trên sân rộng
 Gà vô tình mổ cả hạt mưa rơi”
(Bài 20)
 
Cơ chi hạt mưa là hạt lúa rụng!. Tình thương những con vật nuôi trong mùa mưa đã khiến nhà thơ cảm thông và chia sẻ những giấc mơ của chúng qua phép tu từ nhân hóa. Hay đó chính là giấc mơ của một tấm lòng nhân hậu ? Khi đó, hình ảnh con gà chôn chân trong mưa lạnh giữa sân tràn ngập nước không còn tội nghiệp nữa vì “Có tiếng gọi, hạt vàng rắc trên sân rộng / Gà vô tình mổ cả hạt mưa rơi”. Thật ấm. Cũng như câu ca dao xứ sở ngày xưa , không một lời thở than chỉ có tình người với vật nuôi trong tiếng gọi gà. Và những hạt lúa, hạt bắp rắc trên sân. Nhà thơ gọi nó là “hạt vàng”- Như một nốt nhấn, ấm sáng giữa bức tranh mưa. Lặng lẽ. Những hạt mưa vàng ấy lấp lánh trong tôi. Thắm thiết, tràn đầy chất thơ.
 
Nhưng mưa Huế, trong thơ Hải Bằng không chỉ bàng bạc màu mây xám, màu mưa đục mà cũng có lúc đầy ắp sắc màu, xôn xao niềm vui:
 
“Mưa rơi xuống lá là hạt mưa xanh
Mưa rơi xuống hoa là hạt mưa đỏ
Cây ươm hoa cho tình vườn cởi mở
Hết mưa rồi quả lại chín trên tay”
(Bài 21)
 
“Mưa lóe mặt trời lên cánh hoa 
Chim về uốn giọng hót ban trưa
Những dòng nước chải lưa thưa gió
Cây gợn lá vàng óng ánh mưa”
(Bài 130)
 
“Chấm dứt mùa mưa, tiếng dế reo
Cá mè đớp bóng, nắng chao theo
Bồng bềnh mây nổi trên ao biếc
Một mảnh trời trôi dưới cánh bèo”
(Bài 193)
 
Có thể thấy ở đây những khúc hoan ca của tâm hồn thi nhân trong vẻ đẹp, sức sống của cảnh vật và con người quê hương. Chợt nhớ thi sĩ họ Trịnh, người từng đẫm trong mưa Huế, cũng có một cái nhìn hồn nhiên, thắm tươi như thế :
 
 … “Những hạt mưa, những nụ hoa hẹn hò gặp nhau trước sân nhà”
 (Trịnh Công Sơn, Bốn mùa thay lá)
 
Ôi, quê hương!
 
Sự phát hiện này của những người Huế “muôn năm cũ”mà sẽ chẳng bao giờ cũ. Tình quê hương, niềm tự hào xứ sở như cầu vồng, lấp lánh theo mưa về. Những triết lí thâm trầm đã khiến cho những vần thơ dung dị, tươi tắn của Hải Bằng mang nghĩa biểu tượng, đậm chất Huế. Những vần thơ đa nghĩa có khi mang đậm tính ngụ ngôn:
 
“Cái bình tưới cây bắt trước trời làm mưa
Những khóm hoa nhìn nhau ngẫm nghĩ
Cây nào được nước thì xanh
cây không có nước thì khô rễ
Cành lá nói: Mưa ,vẫn là người công bằng hơn.”
(Bài 60)
 
Với tôi, đó là những vần thơ trầm tích. Nuôi cho tâm hồn những thế hệ người Huế đến sau, trong đó có tôi, niềm tự hào, gắn bó, yêu thương.Thầm cảm ơn cuộc đời ban cho mình niềm hạnh phúc được lớn lên từ xứ mưa, để sống xanh, ươm những sắc hoa thắm, dâng quả ngọt cho đời.
 
 Tôi đã từng yêu quí giọng Huế của cha tôi. Từng thấy bồi hồi khi một ngày xa quê, ở nước ngoài, bất chợt nghe giọng Huế thân thiết, nhu mì. Từng tự hào khi nghe giọng nhà thơ Phùng Quán đọc bài Tạ”… Từng nói với học sinh mình rằng :”Giọng Huế cũng là một thứ của cải, các con hãy giữ lấy!”Nhưng mà, vẫn bất ngờ, như lúc được hái đầy tay chùm quả ngọt, khi được chính nhà thơ cắt nghĩa:
 
Khế dầm mưa nên bát canh ngon
Mưa hứng đầy thùng nên lời em ngọt
Đi trong mưa dù áo mình bị ướt
Những đã trọn tình với miếng đất mùa mưa”
(Bài 23)
 
Nếu những cơn mưa triền miên khiến cây cỏ xứ Huế chậm xanh thì mưa Huế lại ban cho người xứ mình thứ nước trời để… muối khế. Tôi tin những ai đã nghiện thức ăn có khế dầm nước mưa thì khi đi xa sẽ thương nhớ quê nhà hơn. Điều đó, người Huế mô cũng biết. Nhưng “Khế dầm mưa nên bát canh ngon / Mưa hứng đầy thùng nên lời em ngọt”thì chỉ đến Hải Bằng mới phát hiện ra. Một khám phá thầm lặng với nhiều thiết tha, suy ngẫm đáng trân trọng.
 
Ai đó khi xa Huế, chắc chắn cũng sẽ thấy kỉ niệm thời thơ ấu của thi nhân cũng là kỉ niệm của chính mình:
 
Tôi đã tắm tuổi thơ vào mùa mưa Huế thương
Con đò giấy trôi sâu vào tiếng khóc
Sân trổ mắt tròn trôi theo bong bóng nước
Giờ nhìn hạt mưa nhớ mãi mái nhà xưa”
(Bài 48)
 
Vậy đó, mưa Huế vẫn lay gọi những kỉ niệm ấu thơ của Hải Bằng, của những tâm hồn Huế . Những câu thơ dài như dòng sông thương nhớ chảy sau mưa…
 
Đời người Huế mình tắm trong mưa và uống nước sông Hương, không phải khi mô mưa cũng chiều lòng người. Vì thế những nỗi vất vả, khó nhọc của quê và mẹ luôn được khắc ghi trong lòng :
 
“Thuở sinh con mẹ mong trời tạnh mưa
Nhưng trời chẳng chiều theo ý mẹ
Tờ giấy khai sinh có tên con tên Huê
Ngày lọt lòng con khóc giữa mùa mưa”
(Bài 72)
 
Điều giản dị mà quá đỗi thiêng liêng! Những nhận biết này là của một con người suốt đời Nghĩ về quê hương… Độc giả quê nhà vui mừng nhận được từ bài thơ “Viên ngọc gia bảo”quý giá, giấu kĩ trong hành trang cuộc đời mình. Vậy mà, Nhiều khi không ý thức hết.
 
Tháng 9, tháng 10 âm lịch, gia đình tôi có đến 5 lần kị giỗ người thân: Bác ruột tôi, ba tôi, chú tôi, chị tôi, cháu tôi nữa. Giờ lại anh rể tôi. Ngày tiễn những người thân yêu về mộ, tôi đã bao lần nghe nước mắt mình chan cùng mưa. Nhưng quả thực là đã được an ủi rất nhiều khi đọc được những vần thơ của bác Hải Bằng:
 
“Ai liệm mưa vào quan tài ngày đưa mẹ ra đi
Giờ bước trong mưa mới hiểu thêm đời mẹ
Nếu không có mùa mưa xứ Huế
Thì mai sau con chẳng biết nắng là gì ?”
(Bài 100)
 
Không biết ngẫu nhiên hay là cố ý khi nhà thơ đã để dành con số 100 cho bài thơ này?!
 
 … Sẽ như mưa Huế, sẽ triền miên nếu tôi còn trôi theo những cảm nhận riêng của mình về những bài thơ Mưa Huế của một người Huế rất đáng ngưỡng mộ này. Xin được cảm ơn ông, Nguyễn Phước Vĩnh Tôn, cháu bốn đời của Lãng Quốc Công Hồng Dật, tức là vua Hiệp Hòa. -Người đã về với nhân dân, trọn một đời gắn bó, yêu thương con người mảnh đất quê hương, xem mưa Huế, lời quê là nguồn sống của mình. Người đã đem tên những địa danh quê nhà: Hải Trung, Thuận An, Hương Giang, Kim Phụng để đặt tên cho các con mình như một lời kí thác thiêng liêng.Giờ người đã về “Dưới chân thành cổ”mà tiếng thơ, tiếng lòng của người vẫn thao thiết cùng tiếng mưa quê hương.
 
Những bài thơ mưa của thi sĩ sẽ làm nắng cho tâm hồn những thế hệ tương lai! Những độc giả thân thiết của ông sẽ Cất quê hương vào tim”, sẽ là cánh chim thương cây nhớ cội, bằng tình yêu và trí tuệ, trở về, xây tổ, xây đắp mảnh đất Thừa Thiên quê mình đẹp giàu. Tất cả rồi sẽ lóng lánh dưới mưa…
 
Huế, mùa mưa 2011
 
Viết cho các con và học trò thân yêu của tôi.
 
Nguyễn Thị Lan Phương

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top