ClockThứ Năm, 17/11/2011 08:43

Gỗ & hình tượng người phụ nữ

TTH - Ngắm tượng gỗ của Quang, người xem dễ dàng cảm nhận được sự dịu dàng đầy nữ tính của người phụ nữ và sự ấm áp nồng nàn tình mẫu tử. Phan Thanh Quang hiện là giảng viên còn khá trẻ của Khoa Ðiêu khắc, Trường đại học Nghệ thuật - Ðại học Huế.

Trong triển lãm Một ngày mới được trưng bày tại New space Arts Foundation, Trung tâm văn hóa Phương Nam (15 Lê Lợi), nhiều người xem đã dừng chân khá lâu bên series tượng gỗ mang tên chị Phượng, chị Lài, chị Lan, chị Hồng... của Quang. Sức cuốn hút có lẽ đến từ cảm xúc mới mẻ ở hình tượng những cánh hoa - người phụ nữ mà từng bức tượng âm thầm truyền tải. 

Phụ nữ - hương sắc cuộc đời

“Phụ nữ cho tôi nhiều cảm xúc, điều đó đã gắn với cuộc sống của tôi. Nó xuất phát từ sự thiếu tình yêu thương của người mẹ, và sự đỡ đần của người chị, tất cả đã cho tôi cuộc sống ngày hôm nay”. Quang tâm sự. Đề cao, ngưỡng mộ và dành sự tôn trọng đối với mọi người phụ nữ - chủ nhân của cái đẹp, mỗi khi bắt gặp các sự vật, hiện tượng đẹp trong cuộc sống, Quang đều liên tưởng đến hình tượng phụ nữ. Và hình tượng đó chính là những cánh hoa. Anh quan niệm, không có loài hoa nào xấu và cũng không có người phụ nữ nào không đẹp. Những bông hoa và phụ nữ đều cần được nâng niu vì họ mang đến hương sắc và sự tiếp nối trên cuộc đời này...

Phan Thanh Quang miệt màivới những tác phẩm của mình

Cũng như người phụ nữ, thế giới thiên nhiên đa dạng, mỗi loài hoa có một vẻ đẹp riêng và một hương sắc riêng..., Quang đã xây dựng hình tượng người phụ nữ với sự chuyển động của những đường cong mềm mại, đầy nữ tính.

Không phải ngẫu nhiên mà Quang lại chọn chất liệu gỗ cho những tác phẩm của mình. “Tôi chọn chất liệu gỗ bởi gỗ cũng ấm áp như người phụ nữ vậy. Nó có tuổi, có màu sắc riêng, gỗ mức màu trắng, gỗ sơn huyết màu đỏ, gỗ mít màu vàng, gỗ xoan lộ lên những vân gỗ đầy nữ tính. Gỗ cũng có hơi ấm và đặc biệt hơn cả là sự vươn lên mong muốn được che chở như tính cách của người mẹ...”, Quang cho biết. Dưới góc nhìn và sự sáng tạo của Quang, những khối gỗ trở nên sống động, uyển chuyển và rất có hồn. Vì thế, chúng cứ níu kéo người xem dừng lại để nhìn ngắm và chiêm nghiệm những triết lý nhân sinh của cuộc đời...

Phụ nữ hóa thân thành những công cụ lao động, đây là hình tượng cái gầu tát nước sản xuất nông nghiệp, đại diện cho vùng nông thôn

Đam mê

Phan Thanh Quang đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và Quốc tế như: Triển lãm sinh viên – giảng viên Festival Huế 2006; Triển lãm Giảng viên 2008; Triển lãm mùa xuân 2008; Triển lãm Tháng ba 2009: Triển lãm Mùa xuân 2009; Triển lãm Con giáp 2010; Triển lãm Festival Huế 2010, Triển lãm Ubon Thailand 2010; Triển lãm thời gian và sự trở về năm 2011; Triển lãm Bắc miền Trung 2011 và Triển lãm Một ngày mới 2011. Mới đây, hai tác phẩm của anh đã được chọn tham gia Triển lãm festival trẻ 2011 là tác phẩm Kết thúc và bắt đầu và tác phẩm Cô giá hồ Tịnh Tâm.

Con đường đến với điêu khắc của Quang rất tình cờ. Một lần nhìn thấy những tác phẩm điêu khắc tại Trại sáng tác điêu khắc Quốc tế năm 1998 được tổ chức tại Huế, anh bỗng ước mong làm được những tác phẩm như vậy. Và Quang đã chọn thi vào khoa Điêu khắc của Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế. Sau khi tốt nghiệp, anh được trường giữ lại làm giảng viên. Từ đó đến nay, anh lao vào sáng tác và đã tham gia nhiều triển lãm. Tác phẩm của anh luôn thu hút sự chú ý của công chúng và giới phê bình nghệ thuật bởi sự độc đáo trong ý tưởng và cách thức thể hiện.

“Đã làm việc là quên ngày quên đêm” - Quang nói - “Một khi cóý tưởng nảy ra trong đầu là tôi lao vào làm, nhiều khi làm việc 24/24 quên ăn quên ngủ, quên hết mọi cái”. Cũng chính vì sợ cảm xúc bị hao hụt nên anh thường làm cho tới xong phác thảo hình tượng cơ bản, sau đó mới quay lại chỉnh sửa và hoàn thiện từng chi tiết cũng như tổng thể tác phẩm. Từ lòng đam mê và quan niệm “nghệ thuật là lao động, càng lao động càng nghĩ ra cái mới tiếp nối như một phản ứng dây chuyền”, tác phẩm này tiếp nối tác phẩm khác được Quang sáng tạo nên như những dòng chảy của cuộc sống. Thế cho nên có người bảo, “nếu đưa cho Quang một khúc gỗ, lúc quay lại đã là một tác phẩm rồi!”.

Phụ nữ với góc cạnh do tác động của hơi thở thời đại

Bên cạnh chủ đề phụ nữ làm việc - ghi nhận và chia sẻ đức tính chịu thương chịu khó, cùng với thiên chức và sự gánh vác gia đình của người phụ nữ Việt Nam thể hiện sự đồng cảm sâu sắc về vai trò người phụ nữ trong thời đại mới không thuần phát như xưa mà đã có những góc cạnh do tác động của xã hội, Quang dự định sẽ sáng tác những tác phẩm nói lên sự thành đạt của người phụ nữ đặt dấu ấn lên xã hội. “Tôi mong muốn ghi lại chân dung của những người phụ nữ có ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi và sẽ thực hiện một triển lãm cá nhân trong thời gian tới”, Quang nói.

Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top