ClockThứ Năm, 10/11/2011 05:56

Có một đền thờ mang tên Trung Hiếu

TTH - Cảm kích trước tấm gương vì nước quên thân của vị Tổng đốc thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương, một người con xứ Huế, tại kinh đô Huế, tên ông được thờ ở đền Trung Nghĩa. Cùng với những tuỳ tướng tử trận, tên ông cũng được thờ ở đền Trung Liệt (Hà Nội). Còn ở quê nhà, triều đình cho dựng đền Trung Hiếu để thờ ông cùng người em là danh tướng Nguyễn Duy và con là phò mã Nguyễn Lâm.

Tôi vừa có dịp ghé thăm đền Trung Hiếu ở tại thôn Trung Thạnh, xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Từ trung tâm thành phố Huế, theo Quốc lộ 1A hướng ra Bắc, chừng 30 km là đến thị trấn Phong Điền, từ đó rẽ phải theo tỉnh lộ 6 chừng hơn 10 cây số là đến di tích. Tôi thích không gian tĩnh lặng, yên ả, mênh mông và man mác buồn nơi đây. Theo lời người xưa, nhà thờ Nguyễn Tri Phương buổi đầu là một ngôi nhà một gian hai chái. Qua 140 năm, công trình đã qua nhiều lần tôn tạo và tu sửa. Mới đây nhất là lần trùng tu, sửa chữa với kinh phí lên tới 3,5 tỷ đồng do chính những người thợ Phong Điền tài hoa đảm nhận. Nét xưa và cốt cách cũ vẫn được bảo lưu là một điều rất đáng được trân trọng. Cách đền không xa, ở làng Đại Phú, có mộ của Nguyễn Tri Phương, em trai Nguyễn Duy, con trai Nguyễn Lâm cùng vợ là công chúa Đồng Xuân và mộ của bà Võ Thị Thị, vợ Nguyễn Tri Phương.

 
Không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi Nguyễn Tri Phương gắn liền với một chữ trung- trung liệt, trung nghĩa và trung hiếu. Thời tiểu học, học lịch sử, tôi nhớ mãi hình ảnh vị tướng Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, bị giặc bắt nhưng đã dũng cảm xé hết bông băng, nhịn đói, nhịn đau mà chết, không chịu đầu hàng giặc. Đó là vào năm 1873, khi Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất. Cái chết lẫm liệt và oai hùng, gợi lại khí phách anh hùng của Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Bình Trọng, Đặng Dung… Đó cũng là một cái chết được báo trước, khi vận nước nguy nan, giặc Pháp liên tục tấn công từ Nam chí Bắc và vị danh tướng kia luôn có mặt ở những nơi hiểm nguy nhất. Hơn 10 năm trước khi Nguyễn Tri Phương ngã xuống trên đất Bắc, người em là danh tướng Nguyễn Duy tử trận trong cuộc chiến giữ thành Gia Định và cùng hy sinh với Nguyễn Tri Phương là người con trai, vị phò mã triều đình Nguyễn Lâm. Cái tên Trung Hiếu có thể còn chưa rõ ý nhưng với những tên gọi đền thờ “Tam Công” hay “Nhất Gia Tam Kiệt” cho thấy sự vinh danh mà nhân dân dành cho Nguyễn Tri Phương cùng những người thân.
Từ một gia đình làm ruộng và thợ mộc, Nguyễn Tri Phương không xuất thân từ khoa bảng nhưng nhờ ý chí tự lập đã làm nên nghiệp lớn. Trước khi trở thành Nguyễn Tri Phương, ông là anh thợ mộc Nguyễn Văn Chương và sau đó là tướng tài Nguyễn Văn Chương. Chuyện rằng, vào năm 1847, vua Tự Đức mới lên ngôi thấy tướng Nguyễn Văn Chương, đang làm Tổng đốc ở các tỉnh trong Nam Bộ, đánh giặc rất dũng mãnh, giỏi giang, bèn ban khen 4 chữ “dỏng thả tri phương”, tức là: Mạnh mẽ đấy, nhưng lại còn biết cả mưu trí nữa, luôn biết nghĩa vụ người dân ! Thế là thành tên Tri Phương. Nghe chuyện, tôi đã nghĩ đến một cốt cách, nghị lực và tinh thần Huế trong con người của vùng đất bên dòng sông Ô Lâu này.
Thăm đền thờ Nguyễn Tri Phương, tôi bỗng nhớ về đền thờ Cụ Đồ Chiểu ở Phong An (Phong Điền), đền thờ Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết ở Thuỷ Thanh (Hương Thuỷ) và Trần Tiễn Thành ở Hương Vinh (Hương Trà) hay “Thị độc miếu” thờ quan Thị độc học sĩ Hàm Lâm viện Đặng Hữu Phổ ở Quảng Phú (Quảng Điền)… Đất Huế đế đô là nơi địa nhân linh kiệt. Dấu tích tiền nhân còn lại được in sâu trong những đền thờ, lăng mộ. Nó cần được tôn tạo và nhắc đến thật nhiều để người đời biết đến, tri ân và tưởng niệm và để các nhân vật lịch sử của quê hương được bước ra đời từ những trang sách sử. Và, nó cũng cần được kết nối để trở thành điểm đến trong hành trình trở lại Huế xưa.
 

Đan Duy

Đền Trung Hiếu ở tại thôn Trung Thạnh, xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Ảnh: Internet

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top