ClockThứ Ba, 29/11/2011 04:16

Bài 1: Thất tán cổ vật - nỗi xót xa có thật

TTH - Huế - Kinh đô Việt Nam thời nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của đất nước. Di sản vật thể với những thành quách, lăng tẩm; phi vật thể với Nhã nhạc cung đình đều đã được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại. Gắn với di sản Huế là cổ vật và những câu chuyện về cổ vật được lưu truyền không ngưng nghỉ. Chuyện hư, chuyện thực, mà chuyện nào cũng ly kỳ, cũng cuốn hút, cũng mê hoặc người nghe. Thế cho nên, nhiều ý kiến đã khẳng định rằng, kho tàng cổ vật Huế chính là thứ làm nên “phần hồn” của di sản văn hóa Huế. Vậy nhưng, cổ vật Huế giàu có đến mức nào? Còn mất ra sao? Được trưng bày, bồi đắp, gìn giữ như thế nào?... Rất nhiều câu hỏi như vậy đã và đang được người Huế và những người yêu Huế đặt ra.

Những con số từ sử sách

Theo những số liệu được những người có trách nhiệm tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (BTDTCĐ) công bố, số cổ vật do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế quản lý hiện có hơn 11.500 hiện vật, trong đó có 8.800 hiện vật được bảo quản trong kho và trưng bày tại một số điểm (cung An Định, Tả Vu của điện Cần Chánh, Trai Cung thuộc đàn Nam Giao, Thiên Định Cung thuộc lăng Khải Định) và khoảng hơn 2.760 hiện vật được bảo quản, trưng bày tại các khu lăng tẩm và di tích khác. Số cổ vật này chắc chắn chỉ là một phần rất nhỏ còn lại của kho tàng cổ vật Huế sau những biến cố lịch sử. Các sử liệu đã ghi lại những đợt mất mát cổ vật rất lớn của kinh đô Huế mà trong các bài viết, hay trả lời phỏng vấn báo chí của mình, những tác giả - nhà nghiên cứu như Phan Thuận An, Trần Đức Anh Sơn, Phan Thanh Hải… đã hệ thống khá cụ thể: đó là những đợt mất mát xảy ra vào các năm 1775, 1862, 1885, 1945, 1947, 1972...
 
 
Năm 1775, quân đội Lê-Trịnh tấn công và chiếm giữ Thuận Hóa đã vơ vét của cải trong kho tàng hoàng gia và gia đình quý tộc, quan lại thuộc triều đình chúa Nguyễn. Đồng thời hủy hoại rất nhiều đỉnh, vạc, súng đồng… để đúc tiền. Số đồng đã trưng thu là 799 tạ, đúc thành 23.962 quan tiền. 
 
Năm 1862, với Hòa ước Nhâm Tuất, triều Nguyễn phải “đền” 4 triệu piastre (quy đổi thành 2.880.000 lạng bạc) chiến phí cho Pháp. Nhà vua đã phải lấy rất nhiều đồ vật quý giá chế tác bằng vàng, ngọc, kể cả tận thu kim ấn, kim sách, tư trang bằng vàng bạc của hoàng tử, công chúa, thân vương, cung phí... để trả.
 
 
Vụ mất mát được xem là lớn nhất của Huế gắn liền với sự kiện Thất thủ kinh đô 1885 (23/5 năm Ất Dậu). Sau khi phản công quân khởi nghĩa của Tôn Thất Thuyết-Nguyễn Văn Tường, quân Pháp đã tràn vào kinh đô Huế cướp bóc, đốt phá và giết hại dân chúng một cách dã man. Trong bài viết “Chuyện xung quanh cổ vật Huế”, tác giả Phan Thanh Hải đã dẫn: Linh mục Père Siefert chứng kiến sự kiện này đã ghi lại: “Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc… Cuộc cướp cạn ấy kéo dài trong 2 tháng còn gây tai tiếng hơn cuộc cướp phá Cung điện Mùa Hè của Thanh Đế ở Bắc Kinh”. Cũng theo Père Siefert, khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia lập trước ngày 5/7/1885 với những gì đã mất, thì quân Pháp đã cướp: “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ… Tại các tôn miếu thờ các vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ, chậu quán tẩy bằng vàng; hỏa lò, mùng và màn thêu hoa, đỉnh trầm, ấm trà và khay chén, tăm xỉa răng... đều bị cướp”.Tướng De Courcy, người chỉ huy cuộc tấn công vào Kinh đô Huế cũng đã gửi cho chính phủ Pháp một bức điện đề ngày 24/7/1885 (tức 20 ngày sau khi khởi đầu cuộc tấn công) với nội dung:“Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng”. Sự mất mát khủng khiếp ấy cho đến nay vẫn còn hằn in nỗi đau trong tâm khảm người Huế.
 

Nghiên mực Tức Mặc Hầu nổi tiếng (ảnh từ Wikipedia)

 
Và những sự đồn đoán…
 
 
Cũng trong sự biến trên, khi hộ giá vua Hàm Nghi và Tam cung ra chiến khu Tân Sở, người ta tin phe chủ chiến Tôn Thất Thuyết cũng mang theo không ít của cải để mưu cuộc kháng chiến lâu dài. Số của cải này bao gồm những gì, nhiều bao nhiêu? Không ai có thể xác tín. Chỉ có điều, chắc chắn là có!
 
 
Không kể những lời đồn đại vô căn cứ và trường hợp người tìm kho báu của vua Hàm Nghi xuyên hai thế kỷ mà nhiều báo đề cập-ông Nguyễn Hồng Công. Ở đây, chúng tôi muốn trưng dẫn một số bài viết mà theo chúng tôi là có sức thuyết phục cao với công chúng. Vietnamnet dẫn bài Những cứ liệu về kho vàng của vua Hàm Nghi từ Báo Giáo dục Việt Nam, bên cạnh những thông tin có vẻ chung chung như: “Một số đồng bào dân tộc Vân Kiều ở gần cầu Đắkrông (Quảng Trị), vào đầu những năm 1980, trong khi đi bắt cá khe đã tình cờ phát hiện trong một hốc cây lớn chìm dưới suối cả một kho tàng gồm toàn tiền cổ bằng vàng ròng và những thoi vàng nặng 1 lượng. Cùng thời gian này, một đoàn khảo sát của Bảo tàng Trung ương đã tình cờ phát hiện được tại bản Sê Bu (xã Hướng Phùng - Hướng Hóa - Quảng Trị) một chiếc áo dài màu đen, lót lụa đỏ, thêu kim tuyến và hình rồng 5 móng được cho là áo bào của vua Hàm Nghi.... Tương tự, tại thôn 5, xã Hải Phúc (huyện Đắkrông) sát với vùng căn cứ Tân Sở, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện trong gia đình Vân Kiều một chiếc mâm đồng cổ rất lớn chạm 2 con rồng 5 móng và 5 chữ Hán: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh…” thì lại có những thông tin với nhân chứng, địa chỉ rất cụ thể: Theo ông Thái Xuân Bạ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Minh Hóa, những năm 50 của thế kỷ trước, bố ông tham gia dân quân xã đã từng được huy động đi thu gom “vàng vua Hàm Nghi” do dân xã Trung Hóa, Hóa Sơn phát hiện được. Tổng cộng có 3 nong phơi lúa tiền chữ “Đại” bằng vàng ròng, mỗi đồng nặng 12 chỉ được gom về sân nhà ông Bạ trước khi đem giao nộp cho chính quyền. Lợi dụng lúc người lớn không chú ý, ông Bạ và một số trẻ con hàng xóm đã “nhón” đi mỗi người khoảng 10 đồng để... đánh đáo. Sự kiện gom được vàng này được xác định là vào năm 1956. Số tiền vàng này, theo lời kể của người dân sở tại, bên con suối có một cây lim rất lớn, thân rỗng. Sau một trận lụt lớn, cây lim đổ và nước cuốn cây xuống vực sâu. Lũ lụt rút đi, một hôm có hai vợ chồng người dân tộc đi đánh cá ở chỗ gần cây lim bị lũ quật đổ, họ vớt lên được nhiều đồng tiền hình tròn có màu vàng lạ nên mang về bản gọi nhiều người đến xem. Sau khi khẳng định đó là đồng tiền vàng, mọi người mới hè nhau mang rổ rá đi vớt, thu được cả tạ. Sau đó được chính quyền vận động, dân chúng đã tự nguyện đem nộp lại toàn bộ cho Nhà nước. Nhân sự kiện đó, nhiều người cho rằng có thể Vua Hàm Nghi đã cho người giấu vàng trong hốc cây lim đại thụ nọ...
 

Cổ vật triều Nguyễn tại triển lãm nhân Festival nghề Huế

 
Một trong những cổ vật nổi tiếng của Huế được truyền tụng mà đến nay vẫn chưa ai biết lưu lạc phương nào, đó là chiếc nghiên mực Tức Mặc Hầu của vua Tự Đức.
 
Nghiên mực dài khoản 3 tấc, ngang 2 tấc và dày khoản 3 phân tây. Dưới đáy nghiên chạm nổi mạ vàng một bài văn ngự chế của vua Tự Đức ca ngợi đặc tính tuyệt vời của nó. Nghiên lại được đặt trong một chiếc hộp bằng đồi mồi Hà Tiên vàng rực, được chế tác cực kỳ tinh xảo…
 
Tương truyền khi cần kíp, không cần mài mực, chỉ cần thổi một hơi là trên mặt chiếc nghiên mực đã “tứa ra” đủ cho nhà vua dùng. Chính vì tính năng tuyệt diệu như thế cho nên vua Tự Đức rất quý đến mức phong tước “Hầu” cho chiếc nghiên mực này.
 
Học giả Vương Hồng Sển giới thiệu: Đó chỉ là một nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê...Nghiễm nhiên nhà vua đã nhân cách hóa một vật vô tri, một cục đá mài mực, vì nó biết dâng mực cho ông cấp kỳ, theo ý ông muốn. Chính cụ Vương Hồng Sển trong một lần ra Huế đã được quản thủ Tàng cổ viện lúc ấy là ông Tôn Thất Đào đem khoe chiếc nghiên mực và trực tiếp chứng kiến sự kỳ diệu của chiếc nghiên mực này. Cụ Vương viết: “…(Tôi) nâng nghiên mực lên gần sát mặt, và thổi một hơi dài lên chỗ mài mực … dưới ánh sáng mặt trời tôi thấy hơi thở trên nghiên mực đã biến thành một lằn mống ngũ sắc, đang từ từ chạy lên chạy xuống mặt nghiên, rồi vụt biến mất...Lấy ngón tay quệt thử trên nghiên, quả đầu ngón tay tôi ướt đẫm những mực, không khác gì đã nhúng vào mực do ai mài sẵn hồi nào không hay...”.
 
 
Sau này, có một kẻ “khéo nịnh bợ, vì mưu cầu danh lợi” đã ôm báu vật vào Sài Gòn cống nộp cho Ngô Đình Diệm. Và khi Dinh Gia Long bị quân đảo chính tấn công (1-11-1963), nghiên mực Tức Mặc Hầu cũng theo đó mà mất tích cho đến bây giờ…
Vietnamnet, Thừa Thiên Huế điện tử… cũng từng dẫn lại bài viết từ Báo Văn hóa kể về ông Nguyễn Văn Triều- người cách đây gần 6 thập kỷ được Khu ủy khu Bốn cử vào Tuyên Hóa, Quảng Bình “thu gom” vàng của vua Hàm Nghi do nhân dân ở đây phát hiện. Sau ba tháng, ông Triều cùng các cộng sự thu gom được 113 kg vàng nộp cho Ngân hàng Khu. Trong tổng số đó có nhiều loại khác nhau. Loại nhỏ và nhiều là tiền đồng được ghi bốn chữ Hán có đường kính khoảng 0,025m, dày 0,001m. Loại đồng tiền to cỡ 1 lạng, loại 5 lạng như thẻ bài ngà của các quan và loại lớn 25 lạng. Tất cả đều có khắc bốn chữ “Hàm Nghi Kim Bửu”. Hồi ký của ông Triều để lại viết: “Tìm hiểu trong dân thì lúc bấy giờ có một cụ già đã 80 tuổi, cụ nói: Năm Ất Dậu trước, kinh thành Huế thất thủ, lúc ấy tôi đã 10 tuổi. Một buổi sáng sớm thấy ngựa voi, lính tráng tán lọng đi vào thôn, mọi người hoảng sợ bỏ chạy vào rừng, quan quân tầm nã bắt được 30 người dân lực lưỡng. Sau đó, bắt họ đào hố gần gốc cây cổ thụ, đào sâu xuống tận đáy khe rồi đổ vàng xuống đó chôn, đầm nện kỹ, xóa mọi dấu vết…Mưa gió lâu ngày bào mòn, nay mới xuất lộ”. Ông Triều chép lại việc phát hiện ra vàng của vua Hàm Nghi như sau: “Theo tập quán thôn Cát Đặng, lúc sáng sớm, đàn bà, con gái cả thôn xuống khe mò cua, bắt cá (vì sáng sớm còn lắm sương mù chưa đi làm được). Một cháu nhỏ của một gia đình cuối xóm nhặt được một đồng tiền vàng mà cháu không biết là thứ gì, chạy lại hỏi bố thì bố biết là vàng. Rồi ông bố liền bảo con trai xuống suối mò cua bắt cá như thường lệ. Còn hai vợ chồng thì dùng quang gánh xuống khe đào vàng rồi khiêng lên nhà giấu kỹ. Các nhà xung quanh thấy hai vợ chồng khiêng gì mà đã 6, 7 lượt, sinh nghi nên họ chạy đến xem. Hai vợ chồng mới nói là không biết thứ gì. Lúc đó, dân làng mới thét lên là vàng, vàng của vua Hàm Nghi. Cả làng tập trung đào bới... Để giữ kín việc này, họ góp nhau, người nhiều kẻ ít, ủng hộ cho tổ chức nông hội của thôn để làm quỹ. Do nông hội thôn sợ bị kỷ luật nên mang cả ki lô vàng về báo cáo Huyện ủy, Huyện ủy báo cáo lên tỉnh, tỉnh báo cáo lên Liên khu…”.
 
Hay, trong quá trình làm bộ phim “Đi tìm dấu tích ba vua” - Bộ phim ký sự lịch sử nhiều tập về 3 vị vua yêu nước Hàm Nghi- Thành Thái- Duy Tân (Kịch bản Nguyễn Hồ, đạo diễn Đào Anh Dũng) do Công ty BHD và Hãng Phim truyền hình TP.HCM phối hợp sản xuất. Quá trình thực hiện, đoàn làm phim đã gặp câu chuyện cảm động về những người dân xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) luân phiên giữ gìn nguyên vẹn các báu vật của vua Hàm Nghi suốt hơn 120 năm qua. Những người dân ở đây cho biết, năm 1885, vua Hàm Nghi lập căn cứ chống Pháp và hạ chiếu Cần Vương tại sơn phòng Hương Khê. Nhà vua ban tặng dân làng Phú Gia một số kỷ vật, trong đó có long bào, kiếm báu, voi vàng và một số đồ ngự dụng. Mỗi năm, bô lão nơi đây lại bầu ra một cụ đạo chủ, thay phiên nhau cất giữ kho báu ấy trong nhà tranh vách đất đơn sơ. Qua nhiều đận tao loạn, trộm cướp; qua thời giặc Pháp, giặc Nhật; qua cả cái thời cực đoan “chống phong kiến”, chính quyền địa phương bắt giao nộp kho báu cho Nhà nước quản lý nhưng các bô lão kiên quyết cưỡng lại…
 
Tất cả cho thấy, “kho báu” của vua Hàm Nghi-ở một “cấp độ” nào đó là có thật chứ không hoàn toàn là huyền thoại. Và điều đó cũng đồng thời xác tín, ấy là một “kênh” đã khiến cổ vật Huế thất tán không nhỏ ra khỏi vùng sông Hương núi Ngự. Ấy là chưa kể sau này, nhiều cổ vật của Huế còn tiếp tục đội nón một đi không trở lại khi rộ lên nạn đào lăng khoét mộ, bị “hóa giá”, thậm chí (có thể) bị hư hao bởi nhiều lý do ấu trĩ khác…
 
Cách đây hơn chục năm, nhân một lần sang làm việc với Viện KSND tỉnh, ông Hoàng Trọng Khảm- Viện trưởng- cho hay, Viện đang tiến hành xử lý một vụ án khá ly kỳ: Một nhóm lao động khi thi công đào đất trong khu vực Thành Nội đã phát hiện một hũ vàng và lặng lẽ chia nhau. Riêng người nhóm trưởng được ưu tiên cho luôn chiếc hũ- theo mô tả- cũng là bằng vàng, được chạm trỗ rất đẹp. Để giữ bí mật, chiếc hũ đã được đập chẹp, bỏ vào bao tải để tẩu tán. Nhóm lao động sau khi được của đều đã bỏ ngang công việc về quê. Sau nhiều năm, “bình tĩnh” nghĩ lại, có lẽ…thấy chia chác không đều nên đã tố lẫn nhau. Cơ quan chức năng khi ấy mới biết để vào cuộc. Tuy nhiên, như lời ông Khảm nói với chúng tôi lúc ấy, khả năng thu hồi là rất khó…
 

Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top