ClockThứ Ba, 16/11/2010 14:56

Nên dành riêng một số vỉa hè giúp cho những người dân buôn bán nhỏ ?

TTH - Việc lập lại trật tự, dọn dẹp vỉa hè để không gây cản trở giao thông cho khách bộ hành, đồng thời làm cho thành phố văn minh và lịch sự hơn là điều rất cần thiết.

Chị Nguyễn Thị Yến, bán chè gánh ở đường Hải Triều, phường An Cựu, TP Huế cho biết: “Cũng nhờ gánh chè ni mà nuôi sống cả nhà đấy. Anh, chị có 2 đứa con đều đang tuổi ăn, tuổi học. Anh trước đây làm nghề phụ hồ cũng đỡ đần cho gia đình phần nào, nhưng chừ sức khỏe yếu chẳng làm được gì, cùng phụ chị bán chè. Trung bình, mỗi ngày gánh chè của chị cũng kiếm được 50.000đ - 60.000đ, lo tạm được miếng ăn trong nhà. Nếu Nhà nước không cho bán ở vỉa hè như thế này thì cuộc sống gia đình chị không biết răng nữa”.

Khi mà cuộc sống của nhiều người dân nghèo thành thị lắm lo toan, không có nghề nghiệp chính để làm ăn sinh sống, không có vốn để mở những cửa hàng nhỏ bán lẻ,... nhiều người lại ra đường chiếm dụng các vỉa hè để mưu sinh với những hàng ăn nhỏ; tận dụng vài m2 đủ cho những dãy sách cũ; vài chiếc ghế nhựa nhỏ và một chiếc xe đẩy bán cà phê cóc... hay 1 tủ thuốc, ít bánh kẹo cộng thêm vài lít xăng. Thấy họ, nhiều người có trách nhiệm cũng muốn làm mạnh tay để lập lại trật tự đô thị, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng hơi chạnh lòng, bởi biết rằng, do cuộc sống vất vả mà ra chứ chẳng ai thích lân la kiếm sống trên vỉa hè để làm gì.
 
Chị Lê Thị Hạnh, bán bún gánh ở đường Bạch Đằng, cho hay: “Chẳng ai thích ra vỉa hè kiếm sống đâu, nhưng biết làm sao được khi cuộc sống gia đình quá khó khăn. Chồng đạp xích lô, ngày có ngày không nên thu nhập không ổn định, con cái thì đang còn nhỏ. Nói thật, chị cũng muốn có nghề nghiệp gì ổn định để làm nhưng mình vừa không có nghề nghiệp lại vừa không có trình độ thì làm gì được. Muốn mở cửa hàng bán bún lớn thì phải có mặt bằng rộng rãi, có vốn liếng thì mình lại không có. Thôi đành chấp nhận ra vỉa hè kiếm sống. Trời cũng thương cho mình mua may bán đắt, vừa tằng tiện sống qua ngày, tích cóp chút ít lo cho con học hành để sau này chúng đổi đời đừng giống cảnh cha mẹ chúng”.
 
Mưu sinh trên vỉa hè cũng giúp giải quyết được nhiều việc cho những con người nghèo và người có thu nhập thấp. Người bán thì kiếm được miếng cơm manh áo qua ngày đoạn tháng; người mua cũng thỏa mãn được sở thích của mình khi đồng tiền tản cư trong túi rất ít ỏi. Anh Nguyễn Bá Nam, công nhân may ở Công ty Dệt may Huế tâm sự: “Hai vợ chồng em đều là công nhân may cả, thu nhập hàng tháng chưa đến 3 triệu đồng mà phải chi tiêu liên tục biết bao nhiêu khoản, nào là tiền ăn của gia đình, tiền học của hai đứa con, tiền điện, nước, ma chay cưới hỏi... Vì vậy, sáng nào cả gia đình cũng đều tụ họp bên vỉa hè, người thì ổ mỳ, người thì tô bánh canh chỉ tốn vài nghìn đồng là đủ một buổi sáng, chứ còn lấy đâu ra tiền để mà vào các tiệm ăn”.
 
Anh Nguyễn Xuân Quang, một công chức với đồng lương ít ỏi của mình cũng chỉ dùng điểm tâm buổi sáng dọc ở các vỉa hè. Trò chuyện, anh Quang nói: “Mỗi tháng lương chưa đến 2 triệu đồng, vợ cũng thế nên chọn giải pháp ăn sáng ở vỉa hè là tốt nhất. Một tô bún ngon cũng có giá từ 8.000đ - 10.000đ/tô, 01 ly cà phê cũng chỉ có giá 3.000đ/ly. Còn nếu vào tiệm ăn đàng hoàng hay vào các quán cà phê hơi sang một tý là mất tong cả vài chục ngàn đồng. Mình thu nhập thấp thì sống có vậy thôi”.
 
Cũng có nhiều người đam mê đọc sách lắm, nhưng với đồng tiền ít ỏi, họ đành đến các sạp bán sách cũ ở các vỉa hè để mua cho rẻ chứ không dám bước chân vào các tiệm sách, bởi ở đây, giá sách mới rất đắt, có quyển lên đến cả trăm ngàn đồng thì đối với họ quả là một món hàng quá xa xỉ. Vì vậy, vào các buổi chiều ở các sạp bán sách cũ dọc theo đường Ngô Quyền, Nguyễn Trường Tộ... người dân tụ tập rất đông tại các sạp bán sách, người thì đọc sách, người thì chọn sách mua...
 
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát lại toàn bộ vỉa hè các tuyến đường để quy hoạch, sắp xếp lại sao cho có quy cũ. Vấn đề quan trọng là làm sao đó nên dành những chỗ cho một không gian buôn bán nhỏ, một không gian lương thiện cho những người nghèo mưu sinh.
 
Gia Hân
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian

Những bức tranh bích họa dọc theo nhiều tuyến đường ở Huế được coi là địa điểm check in hấp dẫn, thu hút nhiều du khách và giới trẻ. Song, theo thời gian, những hình ảnh sống động, đẹp mắt, độc đáo và ý nghĩa ấy đã hoen ố, một số bức bị xuống cấp, bôi bẩn, mốc meo.

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top