ClockThứ Ba, 01/05/2018 07:42

“Ai bảo Quảng Lợi nghèo”

TTH - “Ai bảo Quảng Lợi (Quảng Điền) còn nghèo tui không đồng tình mô nghe! Nhìn lại cách đây chừng mười năm trước, đó chưa kể từ sau ngày giải phóng thì đời sống của người dân Quảng Lợi hôm nay quá sướng rồi”, lão thành cách mạng Đoàn Văn Diệm ở thôn Mỹ Thạnh tự hào.

Quảng Điền: Ao hồ nuôi thủy sản có nguy cơ bỏ hoangQuảng Điền: Cần gia cố đê bao xung yếu trước lũ tiểu mãnQuảng Điền: Hơn 50 lao động tham gia phiên giao dịch việc làmQuảng Điền: Phấn đấu trên 97% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóaQuảng Điền, Huế: Trong Xuân Mậu Thân 1968

Dấu ấn đập Cửa Lác

Trong ký ức của ông Đoàn Văn Diệm vẫn còn in dấu niềm vui khôn xiết trước thời khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. “Vui mừng lắm nhưng quê hương sau giải phóng còn ngổn ngang do hậu quả chiến tranh. Ruộng đất nhiều diện tích bỏ hoang. Đời sống của Nhân dân khốn khó vô cùng”, ông Diệm nhớ lại.

Nuôi cá lồng trên phá Tam Giang đem lại thu nhập ổn định cho người dân Quảng Lợi

Ngay sau giải phóng, những vùng đất hoang hóa được  cán bộ, đảng viên hướng dẫn người dân cải tạo, đưa vào canh tác. Kinh tế từng bức phục hồi. Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi còn thấp nhưng bước đầu giải quyết một phần lương thực, cứu đói sau chiến tranh.

Ruộng đồng dần hình thành với diện tích hàng ngàn ha, trải dài từ phía cuối nguồn sông Ô Lâu đến vùng ven phá Tam Giang. Để có một bờ đê ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ trồng lúa, hoa màu, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi Đoàn Văn Diệm hồi đó đã đích thân chỉ huy các lực lượng, Nhân dân ngày đêm be bờ, đắp đập. Sau mấy năm ròng rã, đập Cửa Lác mới hình thành, bằng việc đóng cọc tre, đắp đất bùn, tuy chỉ tạm bợ nhưng cơ bản ngăn được mặn, giữ nguồn nước ngọt cho sản xuất lúa.

Thấy được tầm quan trọng của đập Cửa Lác, không lâu sau đó, Nhà nước đầu tư kiên cố hóa thân đập với hệ thống cửa cống ngăn mặn, thoát nước hiện đại. Từ đó giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn vào đồng ruộng, năng suất lúa ngày càng tăng, từ vài chục tạ/ha sau ngày giải phóng, đến nay đạt trên 60 tạ/ha.

“Hơn 15 năm nay, người dân địa phương không còn tình trạng thiếu lương thực, nhất là vào thời kỳ giáp hạt. Từ độc canh cây lúa, đến nay xã Quảng Lợi có thêm nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng khoai lang, sắn, ớt, ngô, đậu lạc cho thu nhập từ 80-150 triệu đồng/ha”, ông Hà Binh, cán bộ văn hóa xã Quảng Lợi phấn khởi.

Phát triển trang trại, du lịch

Không chỉ trồng lúa, rau màu, Quảng Lợi còn có tiềm năng, lợi thế phát triển mô hình kinh tế trang trại (TT) trên vùng cát nội đồng.

Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi-ông Hồ Lành khẳng định, kinh tế TT là một trong những chương trình trọng điểm phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực được đưa vào sản xuất tại các TT trên vùng cát nội đồng như lợn, gà, bò, vịt trời, nuôi trồng thủy sản. Chính quyền địa phương phối hợp với các ban ngành đã quy hoạch khu vực TT trên vùng cát nội đồng, vận động 25 hộ đăng lý tham gia phát triển mô hình.

Từ một vài TT ban đầu, đến nay vùng cát Quảng Lợi có đến 47 TT của người dân trên địa bàn và ngoài địa phương. Hầu hết các TT đều doanh thu từ vài trăm triệu đồng trở lên, trong đó năm 2017 có 15 TT doanh thu 500 triệu đến gần 1 tỷ đồng.

Quảng Lợi còn có lợi thế về mặt nước đầm phá Tam Giang với nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng sinh học, không chỉ tạo nguồn sinh kế từ nghề đánh bắt và nuôi trồng mà còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

UBND huyện Quảng Điền đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh trồng 70 ha rừng ngập mặn, do Dự án Sodi tài trợ. Những cánh rừng đến nay đã cao quá đầu người, bắt đầu thu hút nhiều loài chim, thủy sản đến trú ngụ. Một số công ty du lịch bắt đầu tìm hướng đầu tư về Quảng Lợi, như Công ty CP Du lịch Đại Bàng. Các điểm du lịch hình thành kéo theo các dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ phát triển, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân.

“Du lịch sinh thái ở Quảng Lợi chỉ mới giai đoạn đầu nên vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện. Các cấp, ngành cần quan tâm hỗ trợ địa phương tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nhằm hướng đến chuyên nghiệp hóa mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Trong đó quan tâm xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân, trồng rau sạch phục vụ du khách...”, ông Lành kiến nghị.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã Quảng Lợi đạt 28,4 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 6%; 16/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Quảng Lợi phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2019.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”

Ngày 11/3, Huyện đoàn Quảng Điền phối hợp Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn” với sự tham gia của 500 đội viên, thiếu nhi các trường trung học sơ sở, tiểu học trên địa bàn xã Quảng Thành.

Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”
Return to top