ClockThứ Năm, 05/12/2013 10:47

Ai bảo vùng cao không ngập?

TTH - Nhiều người dân ở các phường vùng cao như Trường An, Thủy Xuân, An Tây, Phước Vĩnh (TP Huế) ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến nhiều tuyến đường, nhà dân bị ngập sâu trong nước vào chiều tối thứ 6 ngày 15/11.
 
Ngập chưa từng thấy
 
Rời công sở ngày hôm đó lúc 17h30 trong cơn mưa xối xả, chúng tôi khá ngạc nhiên khi phải băng qua nhiều tuyến đường nước ngập sâu. Chạy xe lên đường Điện Biên Phủ, càng sửng sốt khi nhiều đoạn trên tuyến đường này cũng bị nước bao vây. Những ổ gà, ổ voi không được vá nay bị ngập nước khiến không ít người đi đường loạng choạng tay lái. Qua chùa Từ Đàm vài trăm mét, đường Điện Biên Phủ bỗng nhiên bị tắc do đoạn này trũng, nước ngập rất cao, hàng chục xe máy, ô tô bị chết máy. Quay vòng sang đường Sư Liễu Quán theo hướng đi lên đường Phan Bội Châu, chúng tôi mừng thầm vì nghĩ rằng sẽ “thoát nạn” cảnh ngập đường. Vậy nhưng, suốt cả con đường này cho đến gần khu vực đàn Nam Giao, tình trạng ngập nước cũng tồi tệ không kém.
 
Tuyến đường mới ở khu quy hoạch Cồn Bàng (Trường An) mỗi lần mưa lớn là bị ngập. Sau khi nước rút, mặt đường trơ lại sỏi đá.
 
Sáng hôm sau và nhiều ngày sau đó, câu chuyện của nhiều người dân vùng đồi núi ở TP Huế lại quay sang đề tài mới: chuyện ngập đường. Rất nhiều người chậc lưỡi cho rằng, đây là lần đầu tiên họ chứng kiến cảnh vùng cao ngập nước quá sức tưởng tượng và giao thông hỗn loạn như vậy. Anh bạn gần nhà tôi cho biết, trên đường đi làm việc từ Hương Thuỷ trở về, tuyến đường Quốc lộ 1A Tự Đức – Thủy Dương, Tam Thai, Lê Ngô Cát nhiều đoạn ngập rất sâu. Có nơi lực lượng công an phải canh chừng nhắc nhở không nên đi qua. Cô bạn cùng cơ quan tôi giọng cũng não nề kể lại, tối hôm đó chiếc xe tay ga mới mua của cô bị ngập nước làm chết máy trên đường Phan Bội Châu. Đoạn đường chừng 3 cây số, nhưng về đến nhà mất gần cả tiếng đồng hồ. Ông Nguyễn Tâm, nhà ở đường Trần Thái Tông (Thủy Xuân) cho biết, nước ngập trên tuyến đường trước nhà ông khoảng nửa mét. May ông kịp lái ô tô lên vùng cao hơn để gửi, nếu không, sẽ khổ sở nhiều với món tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng kia.
 
Xuất hiện nhiều điểm ngập nước
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBMTTQVN phường Thủy Xuân cho biết, đợt mưa to, nước ngập đường vào chiều 15/11, ông cũng là “nạn nhân” khi xe bị chết máy trên đường Điện Biên Phủ, buộc phải dắt bộ về nhà. Theo lời ông Lân và một số cán bộ phường Thủy Xuân, trước đây, trên địa bàn phường có một số điểm bị ngập do mưa to, nước thoát không kịp, nhưng tình trạng này ngày càng đáng lo ngại hơn, nhất là ở Bàu Vá, sau khu vực cầu Lim... và dễ thấy nhất là đoạn đường Lê Ngô Cát ngay trước trụ sở UBND phường. Đợt mưa vừa qua, đoạn đường này ngập khá nặng, nhiều xe máy đi qua bị chết máy. Nguyên nhân là do mặt đường phía UBND phường thấp, trong khi hệ thống thoát nước ở đây không có, xung quanh là nền bê tông khiến dòng nước không biết thoát đi đâu.
 
Tại An Tây, bà Phạm Thị Phương Mai, Chủ tịch UBND phường cho biết, mưa lớn đã khiến Quốc lộ 1A Tự Đức - Thủy Dương đoạn khu vực “Biệt thự phố núi” bị ngập nặng. Có những ngôi nhà trong khu dân cư cũ (thuộc diện giải toả) nước ngập gần đến mái, phường buộc phải di dời 5 hộ đến nơi an toàn. Theo bà Mai, do công tác quy hoạch xây dựng tại khu “Biệt thự phố núi” chưa hoàn thiện, chưa có hệ thống nước, nên khu vực này mới xảy ra tình trạng ngập nước, còn trước đó thì không. Một số tuyến đường, khu vực khác ở An Tây cũng ngập nước mà người dân từng phản ánh nhiều là khu vực xóm Gióng, tuyến đường Nguyễn Khoa Chiêm.
 
Tình trạng ngập úng đáng lo ngại nhất vẫn là ở phường Trường An. Ngoài các tuyến đường Điện Biên Phủ, Phan Bội Châu, Trần Thái Tông, thì các tuyến đường kiệt, đường Lê Đình Thám, khu vực Lương Miêu (tổ 16A, khu vực 5) khi mưa to, nước ngập rất khủng khiếp. Tại kiệt 143 Phan Bội Châu, đợt mưa vừa qua đường ngập quá đầu người. Chiều tối đó, nước tràn vào Trạm Y tế phường khoảng 1m, làm hư hại máy vi tính, máy điện tim. Còn tại Lương Miêu, lần đầu tiên nước ở khu vực này ngập cao 2 mét, Ban phòng chống bão lụt phường Trường An buộc phải tổ chức di dời gấp 13 hộ dân lên khu chung cư.
 
Trông chờ Dự án Cải thiện môi trường nước
 
Kể từ sau cơn lũ lịch sử 1999, nhiều người dân ở TP Huế đã chọn các phường vùng cao để an cư. Quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh tác động tiêu cực đến chuyện thoát nước ở đây. Bên cạnh đó, một số khu quy hoạch do việc đầu tư hạ tầng không được chủ đầu tư tính toán kỹ lưỡng, hệ thống thoát nước đấu nối không hợp lý giữa khu dân cư mới và cũ khiến cho không ít nhà dân “bỗng dưng chịu lụt”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, nhà ở ngay ngã tư đường Trần Thái Tông - Quảng Tế có lần tâm sự: Ai cũng bảo, “Nhà gần Nam Giao vừa cao, vừa mát” nhưng ít ai biết rằng, bây giờ khu vực này cũng bị ngập lụt .
 
TP Huế đang triển khai Dự án Cải thiện môi trường nước với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Gói thầu đầu tiên và ưu tiên nhất là hệ thống thoát nước đường Đống Đa, Điện Biên Phủ với tổng kinh phí mỗi tuyến khoảng 30 tỷ đồng. Hệ thống thoát nước đường Điện Biên Phủ dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2014. Từ năm 2014 đến năm 2018, TP sẽ triển khai tiếp hơn 200km đường ống thoát nước còn lại. Người dân TP nói chung và người dân các phường vùng cao hy vọng dự án sẽ góp phần giải quyết tốt tình trạng ngập úng khi mưa to. Tuy nhiên, trong xu hướng nhiều khu quy hoạch mới sẽ hình thành, tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các chủ đầu tư cùng phối hợp với TP để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đối với hệ thống thoát nước cần phải có hạ lưu. Nếu không, chuyện ngập úng khi mưa to sẽ dễ dàng phát sinh ở những điểm mới.
 
Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 220 triệu USD từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Mục tiêu của dự án là xây dựng, cải tạo và mở rộng hệ thống thoát nước mưa nhằm nâng cao khả năng tiêu thoát nước khu vực nam sông Hương, góp phần khắc phục phần lớn tình trạng ngập úng hiện nay; xây dựng mới và cải tạo phát triển hệ thống thu gom, xử lý khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thị nam sông Hương giai đoạn đến năm 2020.
 
Do một số nguyên nhân, dự án triển khai chậm hơn một năm. Bởi vậy, tại cuộc họp ngày 27-11 bàn về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu Ban QLDA Cải thiện môi trường nước cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ; đảm bảo chất lượng và hiệu quả của dự án. Trong quá trình triển khai, cần chú ý đến giải pháp thi công của các nhà thầu; cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, các ngành của tỉnh để thực hiện đồng bộ các hạng mục công việc, có giải pháp kỹ thuật phù hợp để đảm bảo an toàn trong thi công và an toàn cho người tham gia giao thông tại các tuyến đường, đặc biệt là đảm bảo cảnh quan, môi trường.
 
 
 
Ông Nguyễn Văn Bình, 100 Trần Phú, phường Phước Vĩnh, TP Huế:
 
Cần ưu tiên xây dựng hệ thống thoát nước ở đường Trần Phú
 
Điều dễ nhận thấy là tuyến đường Trần Phú ngày càng ngập nước nhiều hơn mỗi khi mưa to. Đợt mưa giữa tháng 11, có nơi nước ngập khoảng 30-40cm. Mùa mưa, trước cửa hàng tôi ngập nước thường xuyên khiến việc kinh doanh buôn bán bị ảnh hưởng. Tuyến đường này hẹp, lưu lượng người qua lại rất đông, nên tình trạng va quệt, té ngã trên đoạn đường trước cửa hàng chúng tôi xảy ra rất nhiều.  
 
Đường Trần Phú có hệ thống mương thoát nước hở, nhưng không đảm bảo, không hợp lý, đường dốc trong khi hệ thống thoát nước lại chảy ngược. Bởi thế, không chỉ mùa mưa mà mùa hè nước thải đen ngòm dưới cống cũng trào lên, chảy lênh láng trên mặt đường trông bẩn thỉu và hôi hám.
 
Hy vọng, tuyến đường này sẽ được ưu tiên xây dựng hệ thống thoát nước sớm để chúng tôi không còn chứng kiến cảnh ngập nước, ô nhiễm môi trường diễn ra hàng ngày.
 
Ông Phan Vĩnh Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Trường An:
 
Hy vọng tình trạng ngập úng trên địa bàn Trường An sẽ được cải thiện
 
Quá trình đô thị hoá ở phường Trường An diễn ra nhanh, trong khi hệ thống thoát nước trên địa bàn chủ yếu là hệ thống thoát nước hở, không đảm bảo, ý thức của một số người dân không cao, nhất là trong việc đổ rác bừa bãi xuống đường cống khiến việc thoát nước có nhiều điều đáng lo ngại. Không ít khu vực, tuyến đường trước đây không ngập hoặc ít ngập nước thì nay lại bị ngập nặng.
 
Hệ thống thoát nước trên đường Điện Biên Phủ đang triển khai, hy vọng sẽ cải thiện tốt tình trạng thoát nước một phần trên địa bàn phường Trường An. Tuy nhiên, bên cạnh đó phường cũng mong muốn tỉnh, TP sớm quan tâm thực hiện dự án quy hoạch Tây Nam Thủy Trường để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống. Tại đây, khu dân cư Lương Miêu có gần 50 hộ đang sống trong khu nhà ổ chuột, đi chưa được, ở rất khốn khổ, mỗi lần mưa to, nơi đây ngập úng rất nặng khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
 
Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế:
 
Sẽ đẩy nhanh tiến độ Dự án Cải thiện môi trường
 
Cùng với Công ty TNHH NN Môi trường và công trình đô thị Huế, hệ thống thoát nước trên địa bàn TP Huế còn do nhiều chủ đầu tư thực hiện. Quá trình triển khai, một số chủ đầu tư không tính toán kỹ, nên việc đấu nối hệ thống thoát nước mới và cũ chưa hợp lý. Bên cạnh đó, một số khu quy hoạch được xây dựng tiếp nối nhau, không có hạ lưu thoát nước nên xảy ra chuyện ngập úng cục bộ ở một số khu vực dân cư.
 
TP đang triển khai Dự án Cải thiện môi trường nước. Đối với đường Điện Biên Phủ, khi hoàn thành sẽ giải quyết được tình trạng ngập úng ở khu vực Cồn Bàng, chùa Hải Đức, Trạm Y tế phường...
 
Dự án Cải thiện môi trường nước sẽ được triển khai tại 10 phường trung tâm phía nam sông Hương, trong đó, có phường Trường An, Phước Vĩnh, An Cựu... và một phần nhỏ các phường Thủy Xuân, An Tây. Sắp tới, dự án được đẩy nhanh tiến độ nên nhiều tuyến đường sẽ ngổn ngang, song khi hoàn thành, tình trạng ngập úng ở khu vực phía nam TP sẽ được giải quyết.
 
BT (ghi)
 
Thùy Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian

Những bức tranh bích họa dọc theo nhiều tuyến đường ở Huế được coi là địa điểm check in hấp dẫn, thu hút nhiều du khách và giới trẻ. Song, theo thời gian, những hình ảnh sống động, đẹp mắt, độc đáo và ý nghĩa ấy đã hoen ố, một số bức bị xuống cấp, bôi bẩn, mốc meo.

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn
Return to top