ClockThứ Năm, 10/03/2016 06:31

Ai giám sát ai?

TTH - Nhìn các hoạt động diễn ra trên đường, nhận thấy có nhiều lực lượng giám sát việc tuân thủ quy định giao thông: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự, kiểm định, đăng kiểm… rồi việc giám sát phân cấp nhiều nấc: trung ương, tỉnh, huyện. Mục đích cuối cùng của việc giám sát này là để mọi hoạt động giao thông diễn ra an toàn.

Nữ cảnh sát giao thông tham gia điều tiết giao thông tại phía nam cầu Trường Tiền. ảnh: Thái Bình

Nhiều là vậy, nhưng tình hình an toàn giao thông có khi là trái ngược với kỳ vọng. Tình trạng tai nạn giao thông, những tổn thất do giao thông gây ra vẫn có chiều hướng gia tăng. Cũng đúng thôi, một khi phương tiện giao thông tăng sẽ kéo theo tỷ lệ rủi ro tăng. Không có bất kỳ một đất nước nào dám cam kết rằng “đất nước tôi không có tai nạn giao thông”. Vấn đề ở chỗ, tai nạn nhiều, liên tục và nghiêm trọng. Tình trạng này buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi: lực lượng giám sát hoạt động giao thông nhiều như vậy nhưng việc giám sát đã thật sự hiệu quả chưa? Câu trả lời ở đây là chưa. Nếu chưa thì phải xem xét, đánh giá lại việc giám sát, xem thử nó hỏng ở chỗ nào, khuyết ở chỗ nào.

Thử so sánh với một số nước xem giao thông của ta và họ khác nhau ở chỗ nào?

Chúng ta thua họ về mặt hạ tầng là rõ ràng, nhưng đáng nói là thua họ về ý thức của người tham gia giao thông. Cứ nhìn vào cách tham gia giao thông của người đi đường sẽ thấy. Nhưng chúng ta không thua họ về mặt phương tiện giao thông. Tất cả mọi phương tiện tham gia trên đường đi đều có xác nhận của cơ quan chức năng về yếu tố đảm bảo kỹ thuật. Vậy thì chúng ta phải giải quyết hai vấn đề trên: đầu tư hạ tầng, đầu tư để giáo dục ý thức giao thông. Cái này phải làm từ từ, không thể làm ngày một ngày hai được. Muốn đầu tư hạ tầng phải có tiền, thậm chí là cần rất nhiều tiền. Muốn nâng cao ý thức phải giáo dục. Giáo dục từ trong gia đình, nhà trường, rồi ra xã hội.

Nhưng có một điều boăn khoăn là liệu mọi phương tiện tham gia giao thông đều đã đảm bảo yếu tố kỹ thuật? Điều này chưa chắc. Quan sát bằng mắt thường thôi đã thấy. Có những chiếc xe chạy trên đường xịt khói đen mù trời. Về yếu tố khí thải đã không đạt tiêu chuẩn. Thế nhưng tại sao nó vẫn được phép lưu thông. Chắc hẳn có một điều gì đó về lỗi đăng kiểm.

Lực lượng thanh tra, giám sát giao thông nhiều như vậy nhưng tại sao vẫn có xe chở quá tải qua lọt. Cách đây mấy năm có vụ hàng chục xe chở gỗ qua nhiều tỉnh Tây Nguyên không lực lượng giám sát giao thông nào phát hiện được, chỉ khi về đến Bình Định thì mới phát hiện là gỗ không hợp pháp, quá tải... Chắc hẳn ở đây có một điều gì đó về lỗi giám sát.

Cái khó là ở chỗ: anh A được sinh ra để giám sát anh B làm đúng. Nhưng khi anh A không làm đúng thì ai giám sát. Và cứ thế, có thể có một anh C được sinh ra để giám sát anh A. Rồi đến lượt mình anh C cũng không làm đúng nữa thì ai giám sát ? Rõ ràng ở đây rất khó giải quyết triệt để điều này, nhất là ở những nơi còn nặng về “ tình cảm” chi phối. Thế thì một việc cần làm nữa là xem xét lại việc giám sát để thay đổi cho phù hợp.

Ở các nước phát triển, việc giám sát việc tuân thủ luật giao thông là do các phương tiện thiết bị kỹ thuật đảm nhận. Ngay một số nước gần ta thôi như Singapore, Thái Lan, Malaysia rất ít thấy bóng dáng lực lượng giám sát giao thông trên đường. Nếu có lực lượng giám sát xuất hiện là để điều tiết sao cho việc giao thông hiệu quả chứ không phải là để xử phạt như ta. Thế mà trật tự giao thông đi vào nề nếp. Còn ta phạt như thế, thậm chí phạt nặng như thế nhưng trật tự giao thông vẫn lộn xộn.

Có thể có người nói, chúng ta chưa có tiền để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để thay thế dần việc giám sát trực tiếp của con người để nâng cao hiệu quả. Nhưng thử làm bài toán thống kê hàng năm chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu tiền để duy trì lực lượng giám sát giao thông ít hiệu quả như hiện tại. Nếu lấy số tiền này thì đầu tư được bao nhiêu thiết bị kỹ thuật giám sát giao thông ? Bài toán này rất cần thiết được giải để trong một thời gian nào đó chúng ta sẽ có một lực lượng giám sát giao thông hiện đại, khoa học, hiệu quả và vô tư.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT GIAO THÔNG (21/2/1946 – 21/2/2023)
Luôn bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Phát huy vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh luôn nỗ lực cố gắng để bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn.

Luôn bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Return to top