ClockThứ Tư, 03/06/2015 10:38

Âm ỉ dạy thêm, học thêm

TTH - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm (DTHT) từ nhiều năm nay, nhưng xem ra thực tế vẫn còn nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.

Học sinh ghi danh, lấy phiếu tại một cơ sở dạy thêm

Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cũng đã có những triển khai cụ thể, mỗi cấp học đều có những văn bản quán triệt đến từng cán bộ, giáo viên, chủ trương quản lý chặt để chấn chỉnh tình trạng DTHT hiệu quả. Đáng chú ý là việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm Thanh tra; Phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục Thường xuyên, Giáo dục Tiểu học ( thuộc Sở GD & ĐT) và Công an (PA 83). Cuối năm 2014, Sở GD &ĐT chính thức lập “đường dây nóng” với kỳ vọng người dân cùng vào cuộc. Song song với “biện pháp mạnh” trên, Sở yêu cầu các đơn vị phải quán triệt đến tận cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh quy định về DTHT mới với mong muốn có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giảm thiểu những tiêu cực trong DTHT.

Giảm nhiệt
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huế, Phó trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên (Sở GD &ĐT), người trực tiếp nắm thông tin về công tác quản lý DTHT và cũng là người trực tuyến “đường dây nóng” của Sở GD & ĐT. Ông Huế cho rằng, sau khi có Thông tư 17 của Bộ, nhất là sau khi có Chỉ thị 23 của UBND tỉnh, tình trạng DTHT trên toàn tỉnh có bước chuyển mạnh. Với 4 giáo viên (2 của Trường tiểu học Vỹ Dạ và 2 của Trường THCS Nguyễn Chí Diểu) bị xử lý kỷ luật, cũng là 4 trường hợp duy nhất bị án kỷ luật trên toàn quốc về DTHT. Điều này, theo ông Huế, đã làm “rúng động” cả đội ngũ giáo viên có tham gia DTHT. Hiện nay, ở bậc tiểu học, những “lò” có tiếng tăm với thu nhập vài chục triệu đồng từ DTHT cũng đã ngừng dạy.
Ở bậc trung học, theo tinh thần chung, những giáo viên trong điều kiện được DTHT đã chủ động liên hệ với Sở để lập hồ sơ cấp phép. Hiện, toàn tỉnh có 64 cá nhân và 26 tập thể có giấy phép hoạt động. Những địa chỉ này, công tác thanh tra, kiểm tra của Sở chỉ là nhắc nhở các vi phạm về bảng hiệu, quy định sĩ số, học phí... về “đường dây nóng” sau gần nửa năm họat động, ông Huế cho biết, ban đầu có khá nhiều thông tin phản hồi. Vụ việc nào thuộc Sở thì Sở xử lý ngay, cái gì thuộc các phòng GD &ĐT, Sở chuyển ngay cho các phòng giải quyết sớm, tuyệt đối không để bị phản ánh lần hai. Tình trạng DTHT trên địa bàn cơ bản ổn định theo chiều hướng tốt; chấm dứt DTHT ở bậc tiểu học; bậc THCS và THPT, tình trạng DTHT tràn lan đã giảm thiểu. Hầu như không có phụ huynh nào bức xúc đến mức phản ánh qua “đường dây nóng”.
Tại Trường THPT Gia Hội, ông Lê Triều Sơn, Phó Hiệu trưởng cho biết, mặc dù đã được cấp phép, nhưng đến nay Gia Hội chưa tổ chức DTHT trong trường do học sinh không đăng ký, dù trường cũng đã phổ biến tận lớp. Chuyện này liên quan đến học phí nên trường cũng không thể “ép” học sinh. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, đây là mô hình tốt trong quản lý học sinh, nên sắp tới trường sẽ xây dựng kế hoạch hợp lý thu hút học sinh.
Cho đến thời điểm này, chưa họat động hoặc họat động cầm chừng là tình trạng chung của 26 đơn vị trường đã lấy giấy phép để tổ chức DTHT. Lý giải, các nhà quản lý cho rằng khi đã hoạt động trong nhà trường, tất cả phải tuân thủ quy định. Việc thu học phí vì vậy bị khống chế trong khung nên rất thấp, lớp càng đông thu nhập của giáo viên đứng lớp càng ít. Có hiệu trưởng tâm sự, trường đã rất nhiều việc, nay tổ chức thêm một họat động mang tính nhạy cảm xã hội, nếu không cẩn thận, để xảy ra sự cố thì mang tiếng.
Những biến tướng
Chị TH, một phụ huynh có 2 con nhỏ đang học tiểu học nói rằng, thay vì đưa con tới nhà cô, hè này chị “hợp đồng” cô dạy tại nhà, học phí nhiều hơn, nhưng được cái khỏi chở đi, chở về. Trong khi đó, chị T. có con vào THCS cho biết, vừa rồi cô giáo của cháu nhắc, chị có cho cháu học thì em tới nhà dạy. T. mới sực nhớ, bữa truớc mời cô DT nhưng cô nói chị đưa con đến nhà thì dạy. Nay cô chủ động, chị đồng ý để khỏi đưa đón, cô liền lên kế hoạch... Nhà chị mấy hôm nay thành lớp học của cô với hơn 10 em. Thì ra, cô chưa có giấy phép dạy tại nhà nên sợ. Đây là tình trạng chung của nhiều giáo viên. Họ không tổ chức lớp ồ ạt, không dạy tại nhà mà xé lẻ lớp học thành nhiều nhóm, “gửi” nhờ nhà mẹ đẻ, nhà bạn, nhà phụ huynh. Vất vả hơn, nhưng những nhóm này phụ huynh cũng phải tăng học phí vì cô lý luận là dạy kèm, chất lượng hơn. N.A, một giáo sinh trẻ vừa tốt nghiệp, sau một năm không xin được việc, đã mở lớp dạy tại nhà với hơn chục cháu. Dạy tốt, cô được phụ huynh tín nhiệm nên lớp học khá đông. Vừa rồi, N.A xin được dạy hợp đồng, cô mừng chưa hết lại lo thu nhập bị giảm vì giáo viên tiểu học không được dạy kèm. Cô than, muốn bỏ dạy ở nhà để tập trung việc trường, nhưng thu nhập của một giáo viên hợp đồng không đủ chi phí, cũng không thể ngửa tay xin tiền cha mẹ nên đành... lách luật.
Nhìn lại hơn một năm chấn chỉnh DTHT trên địa bàn, tuy không thể triệt tiêu, nhưng cũng đã giúp không ít các ông bố, bà mẹ thở phào vì con em mình thóat khỏi những buổi học...ép buộc. Tình trạng giáo viên dạy ở lớp ép học sinh học thêm giảm thiểu. Việc DTHT từng bước đi vào nhu cầu người học, quan hệ nhà trường, phụ huynh bớt căng thẳng. Tuy nhiên, một nhu cầu mới đặt ra không kém phần cấp bách, đó là không học, nghỉ hè các em đi đâu khi sân chơi cho học sinh tiểu học nói riêng và học sinh nói chung trên địa bàn tỉnh quá ít!?
Bài, ảnh: Hương Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng

Sáng 20/4, Trường cao đẳng Du lịch Huế (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm việc, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng
“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”

Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup đến sinh viên, giảng viên Đại học Huế trong buổi tọa đàm “Dặm đường tôi đi: Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast” do Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế tổ chức sáng 19/4.

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Return to top