ClockThứ Tư, 25/05/2016 05:46

“Ấm lòng” ngư dân

TTH - Gạo, kinh phí hỗ trợ kịp thời đến tận tay ngư dân đã tạo niềm tin, sức mạnh tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Tàu gần bờ chờ vươn khơi

Mấy ngày gần đây trụ sở UBND thị trấn Thuận An (Phú Vang) luôn đông vui, phấn khởi. Ngư dân Mai Trúc Lành ở thôn Tân Lập trải lòng: “Hôm nay bà con đến nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do hiện tượng cá chết bất thường. Không ngờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước lần này lại đến với người dân rất nhanh chóng. Gia đình tôi được hỗ trợ 5 triệu đồng và khoảng 1,5 tạ gạo để trang trải đời sống, bớt phần khó khăn trong lúc chưa thể đánh bắt gần bờ”.

Hộ ông Lành có chiếc gọ dưới 90CV, hơn một tháng nay “không biết mùi biển”. “Khá lâu rồi không vươn khơi, rất nhớ biển. Điều quan trọng hơn là không có nguồn thu nhập để trang trải mọi sinh hoạt của gia đình. Lúc bình thường thời tiết thuận lợi như hiện nay, mỗi ngày đánh bắt có thể thu về vài tạ hải sản, thu nhập 5-7 triệu đồng. Trừ các chi phí, mỗi bạn thuyền được chia phần 300-400 ngàn đồng”, ngư dân Mai Trúc Lành chia sẻ.

Ngư dân Thuận An làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ

“Từ khi nghe ti vi, báo, đài thông tin Nhà nước có hỗ trợ cho ngư dân bị thiệt hại do hiện tượng cá chết bất thường, ngư dân chúng tôi thấp thỏm. Cứ ngỡ phải đợi lâu mới nhận được tiền hỗ trợ, không ngờ chỉ sau mấy ngày có quyết định của cấp trên, UBND xã làm thủ tục, mời chúng tôi đến nhận tiền. Đây không chỉ là niềm vui lớn mà còn tạo niềm tin cho ngư dân vững lòng vươn khơi, bám biển”, ông Nguyễn Xuân Tài tiếp lời.

Chứng kiến niềm vui của ông Lành, ông Tài và bà con ngư dân ở thị trấn Thuận An chúng tôi cũng có cảm giác vui lây. Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An thông tin, tất cả các ngư dân có ghe, gọ đánh bắt gần bờ, gắn máy đều nhận hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ: hộ ghe thuyền không gắn máy được hỗ trợ 3,5 triệu đồng/hộ. Mỗi nhân khẩu còn được hỗ trợ 22,5kg gạo (1,5 tháng), góp phần hạn chế khó khăn trước mắt.

Thực hiện chủ trương và quy định của Chính phủ, UBND tỉnh quyết định cấp 630 tấn gạo và 9,4 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp do hiện tượng hải sản chết bất thường trong thời gian qua.

Tại xã Phú Thuận (Phú Vang) có đến 60% hộ dân sống dựa vào đánh bắt thủy hải sản. Các hộ ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ đến thời điểm này chưa có thiệt hại lớn, song số hộ đánh bắt vùng lộng gặp rất nhiều khó khăn do tàu nằm bờ dài ngày. Nhiều hộ còn có ý định chuyển nghề làm ăn, vào Nam sinh sống. Từ khi biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ, các hộ này yên tâm, bám trụ nghề, bám quê hương. Chủ tàu gần bờ Nguyễn Văn Cương ở xã Phú Thuận không giấu niềm vui khi nhận được 5 triệu đồng và hơn tạ gạo của Nhà nước hỗ trợ. “Số tiền tuy không lớn nhưng cũng giúp gia đình vượt qua khó khăn như lúc này. Mong cơ quan chức năng sớm có kết luận về môi trường để ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển”, ông Cương tâm sự.

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận -Đặng Tiến Tùy cho biết, đến nay tất cả các hộ ngư dân thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đều được nhận tiền và gạo. Có 243 chủ ghe, gọ đánh bắt gần bờ có công suất dưới 90CV và không lắp máy đã nhận đủ tiền hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Các xã bãi ngang ven biển huyện Phong Điền đến nay cũng hoàn thành việc cấp phát gạo, kinh phí hỗ trợ cho ngư dân. Chủ tịch UBND xã Phong Hải-Phan Khánh thông tin. Công tác cấp phát gạo và tiền hỗ trợ cho 183 chủ thuyền trên địa bàn xã đã hoàn thành cách đây một tuần (17/5). Từ khi nhận được số tiền, gạo hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân thật sự “ấm lòng”, ổn định tâm lý.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Trần Nguyên Hùng cho rằng, chính sách hỗ trợ kịp thời, sớm đến tay người dân đã tạo niềm tin rất lớn đối với ngư dân. Đây là động lực để ngư dân yên tâm bám biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đến thời điểm này, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành công tác cấp phát gạo, tiền cho ngư dân. Hầu hết các địa phương làm rất tốt công tác hỗ trợ, chưa để xảy ra tiêu cực, gây bất ổn trong ngư dân và dư luận xã hội.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Return to top