Thế giới ghi nhận 2 triệu ca tử vong tiếp theo vì COVID-19 chỉ trong 166 ngày. ẢNh minh hoạ: AFP/TTXVN
Trong khi số ca mắc mới và tử vong đã giảm ở các quốc gia mà dịch bệnh từng bùng phát rất mạnh như Mỹ và Anh, một số quốc gia khác lại đang thiếu hụt vaccine khi biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh chóng đang trở thành chủng virus thống trị toàn thế giới.
Phân tích của Reuters cho thấy một thực tế rất đang lo ngại khi phải mất hơn 1 năm để số người chết vì COVID-19 đạt mốc 2 triệu người đầu tiên, nhưng 2 triệu ca tử vong tiếp theo được ghi nhận chỉ sau 166 ngày.
Năm quốc gia đứng đầu về tổng số người chết gồm có Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Mexico - chiếm khoảng 50% tổng số ca tử vong trên thế giới, trong khi Peru, Hungary, Bosnia, Cộng hòa Séc và Gibraltar có tỷ lệ tử vong cao nhất tính trên quy mô dân số mỗi nước.
Theo Reuters, các quốc gia ở Mỹ Latinh đang phải đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2021, khi cứ 100 ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới thì có đến 43 ca được ghi nhận ở khu vực này. Chín quốc gia hàng đầu báo cáo số người chết tính theo đầu người cao nhất trong tuần qua đều ở Mỹ Latinh.
Các bệnh viện ở Bolivia, Chile và Uruguay phần lớn đều đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 trong độ tuổi từ 25 đến 40 khi xu hướng nhiễm bệnh tiếp tục lan rộng đến nhóm bệnh nhân trẻ tuổi. Tại bang Sao Paulo của Brazil, 80% người điều trị tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) là bệnh nhân COVID-19.
Số người chết tăng cao đang khiến công suất hoạt động của các lò hỏa táng ở các quốc gia đang phát triển bị quá tải và những người bốc mộ ở một số quốc gia đã buộc phải mở rộng các nghĩa trang với hàng loạt các ngôi mộ mới.
Ấn Độ và Brazil là những quốc gia ghi nhận số người chết nhiều nhất mỗi ngày trong trung bình 7 ngày qua và vẫn gặp rắc rối với vấn đề hỏa táng và thiếu nơi chôn cất. Theo dữ liệu của Reuters, Ấn Độ chiếm 1/3 số trường hợp tử vong được báo cáo trên toàn thế giới mỗi ngày.
Nhiều chuyên gia y tế tin rằng số người chết chính thức trên toàn cầu vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ước tính số người tử vong thực tế sẽ cao hơn nhiều con số được báo cáo.
Tuần trước, số người chết vì COVID-19 ở bang Bihar của Ấn Độ đã tăng cao đáng kể sau khi phát hiện ra hàng nghìn trường hợp chưa được báo cáo, cho thấy mối lo ngại rằng tổng số ca tử vong của Ấn Độ còn nhiều hơn gấp nhiều lần so với con số chính thức.
Trong bối cảnh các quốc gia nghèo hơn đang phải chật vật để tìm nguồn vaccine nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng cho người dân, với mục tiêu sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, nhiều tổ chức toàn cầu đã kêu gọi các quốc gia giàu có quyên góp nhiều vaccine hơn để giúp kiểm soát đại dịch.
“Vấn đề chính ở châu Mỹ là tiếp cận vaccine chứ không phải tiếp nhận vaccine”, Giám đốc Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (Pan American Health Organization) Carissa Etienne cho biết hôm 16/6, từ đó kêu gọi các nước tài trợ gửi vaccine cho khu vực này càng sớm càng tốt.
Mới đây, sau Hội nghị thượng đỉnh G7, lãnh đạo các quốc gia giàu có này đã cam kết sẽ cung cấp 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 để giúp các nước nghèo hơn tiêm chủng cho người dân. Số vaccine trên sẽ được phân phối qua kênh trực tiếp và cả qua chương trình COVAX. Tuy vậy, con số này vẫn ít hơn nhiều so với 11 tỷ liều mà WHO cho là cần thiết để có thể tiêm chủng được cho khoảng 70% dân số thế giới.
Nhóm G7 cam kết sẽ cung cấp 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo. Ảnh: Reuters
Trong một diễn biến liên quan, một quan chức hàng đầu của Mỹ hôm qua (17/6) cho biết Nhà Trắng sẽ hoàn tất việc phân bổ 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do Mỹ sản xuất mà nước này đã cam kết để vận chuyển ra nước ngoài trong những ngày tới, và các lô hàng sẽ được chuyển đi ngay khi các nước sẵn sàng tiếp nhận.
Theo ông Jeff Zient, Điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng, Mỹ đã bắt đầu vận chuyển số vaccine nói trên, trong đó khoảng 1 triệu liều vaccien Moderna sẽ được chuyển đến Canada trong cùng ngày và một số khác sẽ đến Brazil trong những tuần tới.
Chính quyền Tổng thống Biden hồi đầu tháng đã công bố kế hoạch phân bổ chi tiết 25 triệu liều vaccine và cho biết sẽ phân bổ 55 triệu liều còn lại vào cuối tháng 6 này.
Mỹ đang tăng cường vận chuyển vaccine ngừa COVID-19 ra nước ngoài sau khi đã tiến hành nhanh chóng các chiến dịch tiêm chủng cho người dân trong nước. Tuần trước, Nhà Trắng thông báo sẽ mua 500 triệu liều vaccine Pfizer để quyên góp cho các nước nghèo hơn trong năm 2021 và 2022.
Tính đến nay, hơn 175 triệu người Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Ông Zient cho biết các trường hợp mắc mới và tử vong vì COVID-19 ở Mỹ đã giảm hơn 90% kể từ cuối tháng 1/2021 và đang ở mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Trong khi đó, các quốc gia như Ấn Độ và Brazil vẫn phải tiếp tục đối mặt với sự bùng phát nghiêm trọng của COVID-19 và đang rất cần được tiêm phòng.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)