Vấn đề kiểm tra, kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải lại một lần nữa được đặt ra tại nghị trường Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, diễn ra sáng 9/6.

Xe quá khổ, quá tải là vấn đề dai dẳng nhiều năm, được đặt ra tại nhiều hội nghị, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm mà tình hình vi phạm còn có chiều hướng gia tăng, với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Hệ lụy, xe quá khổ, quá tải không chỉ gây hư hỏng hạ tầng giao thông đường bộ mà còn gây mất trật tự an toàn giao thông, dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Vụ xe ben chở đất có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở quá tải, vượt sai quy định gây ra tai nạn khiến 3 người ngồi trên xe con tử vong tại chỗ ở Hòa Bình cách đây mấy hôm là lời cảnh báo không gì thuyết phục hơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, lúc đăng kiểm thì các xe đăng kiểm chuẩn, sau đó họ mới vi phạm, cơi nới để chở quá tải. Nhưng thường các loại xe này hoạt động trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn trong đường nhỏ để tránh công an. Đánh giá của Bộ trưởng đã cơ bản khái quát bức tranh về xe quá khổ, quá tải, nhưng thực tế có nơi, có lúc tình trạng vi phạm còn diễn ra phạm vi rộng liên quan giữa tỉnh này với tỉnh khác, thậm chí trên cả cao tốc. Vụ bắt giữ hàng chục cán bộ ở Trạm thu phí IC14 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, “làm luật” cho xe quá tải lưu thông trên cao tốc mới đây là một ví dụ.

Để kiểm soát xe, thời gian qua các ngành chức năng như giao thông, công an, Ủy ban An toàn giao thông, chính quyền các địa phương cùng phối hợp thực hiện đồng loạt các giải pháp quản lý, xử lý xe quá khổ, quá tải ngay từ gốc - tức là từ nơi bốc xếp hàng hóa, các mỏ, bến cảng… Lực lượng công an, thanh tra giao thông liên tục tổ chức các đợt ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải. Có những trường hợp cả chủ xe lẫn lái xe vi phạm bị phạt lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, chưa kể việc tước bằng lái, tạm giữ phương tiện.

Nhưng trên thực tế, tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn tái diễn hàng ngày, nhất là ở những khu vực có các công trình trọng điểm, các mỏ khai thác vật liệu xây dựng. Tại Thừa Thiên Huế, một số khu vực như Thủy Phương (Hương Thủy), Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc - nơi có tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang triển khai thi công tình trạng xe quá khổ, quá tải băm nát các con đường, gây ô nhiễm môi trường khiến không ít lần người dân phản ứng, thậm chí mang vật dụng ra chặn đường, hạn chế xe lưu thông.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao các cơ quan chức năng thường xuyên xử lý, chế tài không hề nhẹ mà các chủ xe, lái xe vẫn cố tình vi phạm. Câu trả lời đơn giản là do lợi nhuận từ việc vi phạm quá lớn so với nguy cơ rủi ro bị xử lý. Nguyên nhân của vấn đề cần nhìn nhận từ nhiều góc độ, như pháp luật vẫn còn kẽ hở, bất cập chưa theo kịp với thực tiễn cuộc sống, mức chế tài chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận đem lại; điều kiện nhân lực, thiết bị công nghệ theo dõi, xử lý vi phạm còn hạn chế trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng. Hơn nữa, vẫn còn các vụ việc liên quan đến “xe vua”, “làm luật” bị phát hiện, xử lý gần đây khiến người dân nghi ngờ có sự bảo kê của những người thực thi công vụ, gây tâm lý “nhờn luật”.

Nhận diện được tình trạng, xác định được nguyên nhân sẽ là cơ sở để bịt các kẽ hở về pháp luật, tăng nặng các biện pháp chế tài không chỉ với chủ xe, lái xe mà cả những người tiếp tay như cơ sở cơi nới thùng xe, cán bộ làm nhiệm vụ đăng kiểm, kiểm tra, kiểm soát có những hành vi tiếp tay, bảo kê hay can thiệp trong quá trình xử lý vi phạm. Đồng thời, cần đầu tư nhiều hơn các phương tiện giám sát trên các tuyến giao thông, các khu vực mỏ, bến cảng, bến tàu để kiểm soát chặt tải trọng phương tiện từ khâu bốc xếp hàng hóa đến quá trình lưu thông trên đường. Làm tốt việc này sẽ đem lại hiệu quả kép, các thủ đoạn “canh me” lực lượng làm nhiệm vụ để qua chốt hay “cậy nhờ” những cán bộ làm nhiệm vụ cũng sẽ bị vô hiệu hóa.

Hoàng Minh