Kiểm tra, sửa chữa, đảm bảo an toàn kỹ thuật (nhân vật đội mũ)
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Duân - người chỉ huy trực tiếp, Đại úy Mai Văn Hai thường xuyên giải quyết, thực hiện tốt khối lượng công việc khá bộn bề. Với chức trách nhiệm vụ của một trợ lý quản lý phương tiện (tổng số khá lớn đầu xe ô tô, xe máy, tàu thuyền các loại), Đại úy Hai phải luôn chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị của chỉ huy cấp trên, sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của các chuyên ngành; duy trì sự đồng bộ và tình trạng kỹ thuật của xe máy, tàu thuyền của đơn vị theo quy định; tổ chức bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa đúng quy định, đúng quy trình kỹ thuật. Tổ chức đưa xe máy đi sửa chữa lớn, nhận xe sau sửa chữa đúng kế hoạch. Tham mưu giúp việc cho cấp trên đưa phương tiện thủy đi sửa chữa tại Đà Nẵng bảo đảm về thời gian, tiến độ, chất lượng hiệu quả. Đồng thời, tổ chức thực hiện huấn luyện kỹ thuật hàng năm cho lái xe, thợ sửa chữa; tổ chức tốt kế hoạch kiểm tra trình độ kỹ năng nghề cho các đối tượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị…
Đại úy Mai Văn Hai chia sẻ: Hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của công tác đảm bảo kỹ thuật cho các chuyến xe an toàn, phục vụ tốt các hoạt động huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên hai tuyến biên phòng tỉnh; phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…, trên cương vị trợ lý quản lý phương tiện, trách nhiệm càng “nặng” hơn.
Vậy nên, điều mà Đại úy Hai tâm niệm là phải không ngừng học tập. Với “nền móng” kiến thức tích lũy được tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh luôn trau dồi, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài việc tập trung tiếp thu tốt những kiến thức khi dự các lớp tập huấn, Đại úy Hai còn lên mạng tìm tòi học hỏi thêm, để tập huấn lại thật hiệu quả cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật. “Kỹ thuật đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ, nên kiến thức cần phải thật chắc. Như vậy mới có thể hướng dẫn chính xác, hiệu quả cho người khác; huấn luyện, bổ túc về cấu tạo, nguyên lý làm việc, cách vận hành sử dụng phương tiện, để anh em thành thạo, biết sửa chữa khi có hỏng hóc.” - Đại úy Hai bày tỏ.
Những “bệnh” thông thường, Đại úy Hai hướng dẫn để đội ngũ nhân viên lái xe sửa chữa. Hàng loạt xe ô tô được Đại úy Hai rà soát, kiểm tra định kỳ và đột xuất kỹ lưỡng trong “Ngày kỹ thuật”. Ngoài ra, anh còn trực tiếp về các đơn vị trên hai tuyến biên phòng để kiểm tra, đảm bảo kỹ thuật cho các trang bị kỹ thuật ở cơ sở. Các đồn biên phòng tuyến biển, phương tiện ô tô, tàu thuyền bị hỏng hóc nhanh hơn bởi nước mặn nên Đại úy Hai ưu tiên dành thời gian kiểm tra, bảo dưỡng, chống hà, chống rỉ. Hoặc sau các cuộc điện thoại từ các đơn vị, báo cáo tình hình hỏng hóc (nhất là đối với trường hợp ca nô bị hỏng hóc, bị dây neo, lưới của ngư dân cuốn vào chân vịt, bó động cơ…), Đại úy Hai lập tức có mặt để trực tiếp sửa chữa hoặc hướng dẫn giải quyết.
Đặc biệt, vào trước thời điểm bão lũ, Đại úy Hai gửi văn bản đến các đơn vị, hướng dẫn thực hiện từng nội dung chuẩn bị chi tiết, để các phương tiện đi trong bão lũ đảm bảo an toàn, “phòng chống” tác động của thiên tai, đảm bảo phương tiện không hư hỏng; hướng dẫn công tác bảo dưỡng sau khi ô tô lội trong vùng nước mặn. Đồng thời, Đại úy Hai còn trực tiếp gọi điện thoại dặn dò từng nhân viên sử dụng phương tiện của các đơn vị.
“Là người chiến sĩ, nhiệm vụ nào cũng phải thực hiện hết mình. Hơn nữa, nghề kỹ thuật cần chính xác, tỉ mỉ để tránh “sai một li đi một dặm”, nên dù rất vất vả chúng tôi cũng phải nỗ lực gấp nhiều lần. Tự hào là trong nhiều năm qua, chưa xảy ra vụ tai nạn nào về mặt kỹ thuật” - Đại úy Hai bộc bạch.
Đóng góp được ghi nhận, nhiều năm liền, Đại úy Hai là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Đảng ủy Biên phòng tỉnh tặng giấy khen.
Bài, ảnh: HOÀNG ANH