Nông dân Hương Phong (TX Hương Trà) chuẩn bị đưa lúa về nhà |
So với vụ đông xuân trước, giá lúa vụ này giảm từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa loại Khang dân giảm 500 đồng, 4B giảm 1.000 đồng/kg...; như vậy, thu nhập mỗi sào lúa giảm bình quân từ 150 ngàn đến trên 300 ngàn đồng. Nguyên nhân chính khiến giá lúa giảm chủ yếu là do chất lượng sản phẩm chưa cao. Các giống lúa đang sản xuất chiếm diện tích lớn chủ yếu là Khang dân, 4B... chất lượng sản phẩm thấp.
Theo quy hoạch chung của cả nước, Thừa Thiên Huế không quy hoạch sản xuất lúa xuất khẩu, chỉ phục vụ tiêu thụ nội địa. Thị trường các tỉnh phía Bắc, đồng bằng Sông Cửu Long đang tiêu thụ một lượng thóc rất lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Giá cả sản phẩm tất yếu phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường các tỉnh hai đầu đất nước. Trong khi đó, giá lúa hai miền Bắc-Nam hiện nay đang giảm mạnh, kéo theo lúa của nông dân Thừa Thiên Huế bị giảm.
Được biết, lúa của nông dân chủ yếu bán cho các lái buôn, chưa có công ty nào hợp đồng thu mua tại chỗ nên giá thấp?
Đúng vậy! Lâu nay, sản phẩm lúa của nông dân sau thu hoạch chủ yếu bán cho các lái buôn ở địa phương, qua nhiều khâu trung gian mới đến doanh nghiệp lớn nên giá thấp là điều tất yếu. Trên địa bàn tỉnh có Công ty Lương thực, có hệ thống hợp tác xã (HTX) nông nghiệp khá lớn mạnh, nhưng vẫn chưa có biện pháp thu mua lúa tại chỗ cho dân. Các công ty, HTX có cơ chế, quy định hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ, ngành nông nghiệp không thể can thiệp sâu. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc các doanh nghiệp, HTX không làm “bà đỡ” cho nông dân trong tiêu thụ sản phẩm là điều đáng tiếc. Sắp đến, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ làm việc với Sở Công Thương tỉnh, các ban ngành, tìm các giải pháp, đồng thời kiến nghị tỉnh có chính sách đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp trong thu mua sản phẩm cho người dân.
Việc nâng cao chất lượng được xác định là yếu tố quan trọng để tăng giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất. Vậy, ngành nông nghiệp có biện pháp gì để nâng cao chất lượng lúa gạo, thưa ông?
Để nâng cao giá lúa không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, một số HTX, doanh nghiệp đã sản xuất các giống lúa chất lượng cao, như Bắc thơm 7, Hương cốm 4... nhưng diện tích và sản lượng còn rất hạn chế. Diện tích các giống chất lượng, như HT1, Iri352, HN6... khoảng 9.000 ha (cả năm). Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh, đến năm 2020 sẽ nhân rộng diện tích các giống lúa chất lượng cao từ 15 - 16 ngàn ha. Để mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang tích cực chỉ đạo các ban ngành, địa phương triển khai khảo nghiệm cơ bản, mô hình thí điểm để tuyển chọn giống lúa đảm bảo chất lượng, phù hợp đưa vào sản xuất. Vụ đông xuân 2014-2015, ngành nông nghiệp đã khảo nghiệm thành công giống lúa mới đầy triển vọng NDA1 (RG3.3). Đây là giống lúa chất lượng cao, sẽ đưa vào sản xuất trên diện rộng thời gian đến. Vụ hè thu 2015 và các năm tiếp theo, Sở chỉ đạo các ban ngành, địa phương tiếp tục nhân rộng các giống lúa mới chất lượng cao, như Bắc thơm 7, HN6, NDA1...
Cánh đồng mẫu, hay cánh đồng mẫu lớn được xác định là phương thức sản xuất mang tính hàng hóa, có sự liên kết “bốn nhà”, vậy ngành nông nghiệp có biện pháp gì để nhân rộng mô hình?
Cánh đồng mẫu hình thành trên địa bàn tỉnh cách đây mấy năm, đến nay tổng diện tích khoảng 2.400 ha, bình quân mỗi cánh đồng từ vài chục ha đến khoảng 100 ha. Đây là phương thức sản xuất tập trung, tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hầu hết các cánh đồng mẫu đều đưa các giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy, tạo ra sản phẩm có chất lượng, thơm ngon, dẻo, được thị trường ưa chuộng. Điều đáng quan tâm, việc sản xuất cánh đồng mẫu bước đầu đã thu hút sự tham gia, liên kết “bốn nhà”. Quá trình sản xuất, nhà doanh nghiệp không chỉ góp phần chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho người dân, mà còn hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao, ổn định... Thời gian đến, ngành nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời đề xuất tỉnh tiếp tục có chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất cánh đồng mẫu lúa, gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao. Vậy, theo ông, thời gian đến cần phải gì để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm?
Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo chất lượng cao đang được các ban ngành, HTX quan tâm. Vừa qua, HTX Nông nghiệp Thủy Thanh 2 liên kết với nông dân tổ chức sản xuất cánh đồng mẫu lúa chất lượng cao, đồng thời hợp đồng bao tiêu sản phẩm tại địa phương và một số vùng lân cận. HTX cũng đã xây dựng nhãn hiệu Gạo thơm Thủy Thanh và được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay gạo thơm Thủy Thanh chưa có mặt rộng khắp trên địa bàn tỉnh, chủ yếu bán tại HTX Nông nghiệp Thủy Thanh 2, xã Thủy Thanh (TX Hương Thủy) và quầy giới thiệu sản phẩm tại Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh (14 Phùng Hưng-TP Huế)... Ngành nông nghiệp tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa lớn, gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; đồng thời liên kết với các địa lý, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh để mở rộng thị trường, đưa gạo chất lượng cao vào tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng lớn...
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Triều (thực hiện)