leftcenterrightdel
 Công nhân sản xuất sợi tại Công ty CP Dệt may Huế

Trạm xử lý nước thải (XLNT) của Công ty TMHH MTV Sơn Hà Huế được đầu tư từ khi thành lập. Cứ 3 tháng một lần, công ty lại tổ chức kiểm tra thông số để đảm bảo không xả các chất thải nguy hại ra môi trường. Đơn vị còn mời Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động & bảo vệ môi trường miền Trung đến đánh giá mức độ tiếng ồn, khói bụi, CO2, NH3 nhằm đảm bảo môi trường làm việc cho hơn một ngàn lao động. Đồng thời, đưa các thiết bị hiện đại tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, nguyên, phụ liệu, thân thiện môi trường vào trong quá trình sản xuất.

Ông Lê Văn Khánh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TMHH MTV Sơn Hà cho biết, hướng đến sản xuất xanh, một mặt DN luôn luôn phải tiến đến những xu thế của thế giới. Mặt khác, DN cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu, khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại.

Theo ông Lê Hồng Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Phú Hòa An, hiện các nhãn hàng trên thế giới đánh giá sự phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của DN về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu khi sản phẩm của DN được đưa ra tiêu thụ trên thị trường thế giới cũng như trong nước. Do đó, các DN buộc phải chuyển đổi đầu tư nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá của nhãn hàng. Nếu không đáp ứng các chuẩn mực, DN chắc chắn sẽ tự loại mình ra khỏi sân chơi dệt may toàn cầu”, ông Long nói.

Trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để DN hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín của ngành dệt may đối với người tiêu dùng. Vì vậy, sản xuất xanh là xu thế toàn cầu mà DN bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký FTA.

Nhắc lại kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022, ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do áp lực lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chủ lực gia tăng trong những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dệt may tại các thị trường này sụt giảm trầm trọng, nhưng Công ty CP Dệt may Huế vẫn đạt doanh thu 2.057 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch năm và tăng 9% so với năm 2021. Theo ông Phong, kết quả tích cực này một phần từ nỗ lực chuyển đổi số, hiện đại hóa sản xuất theo hướng "xanh hóa" của DN. Xanh hóa là yêu cầu bắt buộc để DN dệt may giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Thị trường châu Âu (EU) đã đưa ra tiêu chuẩn phát triển xanh, phát triển chuỗi cung ứng dệt may mang tính bền vững. Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ áp dụng và có thể mở rộng ra các thị trường khác. "Nếu DN chậm trễ phát triển theo hướng xanh hóa sẽ khó bán hàng vào các thị trường chủ lực, đồng nghĩa DN tự mình thu hẹp cơ hội phát triển trong tương lai", ông Phong chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, để xanh hóa ngành dệt may, ngoài đầu tư công nghệ hiện đại, thay thế dần các thiết bị lạc hậu tiêu hao nhiều điện năng, tiêu tốn sức lao động và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh lao động, duy trì các hoạt động chăm lo đời sống người lao động, đảm bảo thu nhập để thu hút lao động trẻ, lao động kỹ thuật cao phù hợp với định hướng phát triển của nhà máy.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, với hơn 60 nhà máy may hoạt động trên địa bàn, giải quyết việc làm cho 23 ngàn lao động, vấn đề “xanh hóa” ngành dệt may đóng vai trò quan trọng nên Ban thường xuyên triển khai thẩm định các tiêu chí bảo vệ môi trường đối với các DA tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. UBND tỉnh quy định chặt chẽ vấn đề XLNT ra môi trường, nhằm bảo vệ môi trường xung quanh cũng như giúp DN đáp ứng các yêu cầu của đối tác.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN