Đây là nghề chính nuôi sống gia đình bà Hồng mấy chục năm nay |
Đa số ngư dân ra khơi vào đầu giờ tối, chừng 4 giờ sáng là cập bờ. Giờ đó, đàn bà làng biển Phú Diên lại ra biển ngóng chồng và rạng rỡ khi mực, ghẹ, cá đầy ghe… Còn với những người góa bụa như bà Trương Thị Hồng (62 tuổi), từ ngày chồng mất, không còn biết ngóng trông ai, không còn trông chờ “lộc biển” sau mỗi chuyến ghe mà chỉ biết lầm lũi làm việc một mình nuôi con. Phận đàn bà không đi biển được nên sau mỗi chuyến ghe về mọi người bán rẻ ghẹ cho bà Hồng kiếm đồng lời nuôi con. Nghề tách thịt ghẹ theo bà từ đó.
Biển cho ngư dân con cá, con tôm trong những ngày ra khơi giăng lưới, biển cũng cho những người như bà Hồng một cái nghề để mưu sinh. Cả làng chài Phú Diên chỉ có hai hộ làm nghề này, đều là những hộ khó khăn. Theo nghề, họ chỉ cần vài trăm ngàn đồng tiền vốn, nhanh nhẹn, sức khỏe dẻo dai. Họ bắt đầu công việc từ khi thuyền cập bến cho tới khi những con ghẹ cuối cùng được tách xong.
Bà Hồng kể: chẳng mấy ai làm cái nghề “mọn” này, bởi nó không đưa lại thu nhập cao mà lại tốn nhiều thời gian, công sức. Muốn lấy được thịt ghẹ thì phải qua rất nhiều công đoạn: mua ghẹ, hấp rồi mới tách thịt. Nếu hấp chín quá thì hao thịt mà sống lại rất khó làm. Bất kể công đoạn nào cũng phải tỉ mẩn, dày công.
“Đây là nghề chính nuôi sống cả gia đình tui. Ngư dân Phú Diên quanh năm đi biển, có thể sống dựa vào “lộc biển”, mẹ con tui cũng “ăn theo”, có nghề mà làm quanh năm. Mỗi chuyến ghe về bà con để rẻ ghẹ cho, tui mua về làm thủ công kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thịt ghẹ làm sẵn được các nhà hàng, quán ăn trên Huế ưa chuộng, nhưng làm rất mất thời gian nên chẳng mấy ai làm. Một cân ghẹ tươi mua tại ghe khoảng 10-20 ngàn đồng tùy mùa. Khoảng 5 cân ghẹ tươi thì được một cân ghẹ thịt, giá mỗi cân là 200 ngàn đồng. Có thời điểm tui làm cả mấy chục cân một ngày cũng không đủ hàng cho họ về lấy. Tuy không giàu có nhưng thu nhập ổn định. Nếu chịu khó, một ngày kiếm chừng 150 – 200 ngàn đồng”, bà Hồng tâm sự.
Vừa trò chuyện, đôi tay bà Hồng vừa thoăn thoắt, cũng đủ biết thời gian bà gắn bó với nghề không ít. Thoạt nhìn tưởng rất đơn giản, chỉ cần tách thịt ra khỏi con ghẹ là xong. Nhưng để có được những cân thịt ghẹ tươi ngon như vậy, tay bà Hồng không ít lần tóe máu vì bị ghẹ đâm và các ngón tay luôn bị trầy xước. Đó là chưa kể đến việc phải ngồi còng lưng từ sáng tới chiều tối.
Cũng lấy nghề tách thịt ghẹ làm kế mưu sinh, chị Hà, bạn nghề của bà Hồng giải bày: “Chồng ốm mấy năm nay không đi biển được, một mình tui lo toan mọi bề. Vốn liếng không có để đi buôn, bà con thương tình bán chịu ghẹ cho nên cũng cố gắng làm kiếm đồng ra đồng vô nuôi con. Vạn bất đắc dĩ mới theo nghề này, chứ cực lắm. Có hôm làm xong đứng dậy đi không vững vì cái lưng còng xuống do ngồi nhiều quá. Muốn lấy được ghẹ tươi, rẻ thì cũng dậy từ 3 giờ sáng để đợi thuyền vô. Rồi kì công làm mới ra được thành phẩm. Thịt ghẹ làm sẵn bán đắt như tôm tươi, nhưng mấy ai làm đâu vì rất gò bó thời gian”.
Cứ thế, cuộc đời của họ gắn với con ghẹ, với biển mấy chục năm nay và có thể thêm nhiều năm nữa...
Thanh Thảo