Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nguyễn Văn Phước |
- Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều DA Luật được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua. Theo ông, DA Luật nào có tính chất cấp thiết nhất?
Tôi cho rằng, tại kỳ họp này, dự thảo các DA Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, lấy ý kiến của Nhân dân trên cả nước và qua nhiều lần sửa đổi nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Đây đều là các DA Luật quan trọng, đang vướng mắc từ thực tiễn đời sống của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, một số DA Luật có nhiều nội dung mang tính kết nối, liên thông chặt chẽ với nhau, cần được bổ sung, tiếp thu các ý kiến một cách toàn diện, thống nhất. Từ đó, tạo hệ thống pháp luật đồng bộ khi ban hành và có ý nghĩa triển khai, áp dụng trên thực tế.
Về cơ bản, các DA Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đã được các cơ quan hoàn thiện một cách đầy đủ theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đã tiếp thu và giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến đại biểu Quốc hội.
Nói về tính cấp thiết, cần sửa đổi thì tất cả các DA Luật được Quốc hội xem xét đương nhiên đều quan trọng và đã được ghi nhận trong đề cương xây dựng các DA Luật.
- Chiếu theo thực tiễn của Thừa Thiên Huế, ông cho rằng DA Luật nào sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống người dân cũng như sự phát triển chung của tỉnh?
Tác động trực tiếp và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tình trạng khiếu nại, kiện tụng, tố cáo, tham ô, tham nhũng hầu như đa phần đều liên quan đến đất đai, về quy hoạch sử dụng đất ...
Luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống Nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, nội dung có liên quan chặt chẽ với nhiều luật khác trình thông qua tại kỳ họp này như, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi).
Trong bổi cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025, đồng loạt triển khai các nội dung quy hoạch đô thị, hạ tầng... thì DA Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có tác động lớn đến đến tỉnh nhà.
Nhiều tranh cãi việc thu tiền giữ chỗ, đặt cọc mua nhà hình thành trong tương lai cũng đang diễn ra tại Thừa Thiên Huế |
- Còn các DA Luật khác thì sao?
Cùng với việc thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi), việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Dù đã có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn nhưng hiện nay, hai dự Luật này đang có nhiều vướng mắc, độ vênh chưa đồng bộ với Luật Đất đai; thậm chí là khác với Bộ luật Dân sự. Điều này đã gây tranh cãi việc thu tiền giữ chỗ, đặt cọc mua nhà hình thành trong tương lai tại các DA đã gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua và khiến nhiều người mua nhà phải chịu nhiều rủi ro, phát sinh khiếu nại, kiện tụng, tố cáo trên cả nước trong đó có địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Luật Tổ chức tòa án Nhân dân cũng hết sức quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp, tức là thực hiện chức năng xét xử. Việc bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án cũng là vấn đề đang quan tâm khi có ý kiến cho rằng tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan. Điều này càng có ý nghĩa khi mà vấn đề chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp đang được mọi người dân quan tâm. Vì vậy, khi các bên đương sự không thể thu thập chứng cứ thì Tòa án hỗ trợ bằng các quyết định giao nộp chứng cứ mà các cơ quan Nhà nước và tổ chức cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân. Nếu các bên không chấp hành lệnh của Tòa án thì sẽ bị xử phát theo quy định.
- Trong số các dự Luật được Quốc hội thảo luận, Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được cử tri đặc biệt quan tâm. Câu chuyện xử phạt liên quan đến vi phạm nồng độ cồn cũng được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập. Ý kiến của ông về các dự thảo Luật này nói chung và vấn đề đề này nói riêng?
Việc xem xét, thảo luận hai DA Luật này là phù hợp. Nó xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.
Đối với câu chuyện xử phạt liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng quan điểm của tôi đó là việc quy định về xử phạt nồng độ cồn khi lái đang mang lại hiệu quả trong việc hình thành thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Đồng thời, như là sự nhắc nhở mọi người về ý thức giao thông cho cả người không uống rượu bia. Cho nên, tôi vẫn ủng hộ quan điểm là vẫn nên giữ quy định cứ có nồng độ cồn là xử phạt.
- Kỳ vọng của ông như thế nào sau khi các DA Luật được thông qua tại kỳ họp này?
Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lập pháp rất lớn với nhiều nội dung quan trọng. Các ĐBQH đã chủ động, tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung, đưa ra các vấn đề thảo luận, xem xét thực sự khách quan, toàn diện, trọng tâm. Từ đó, đạt được những kết quả đáng ghi nhận; những quyết sách, DA Luật được thông qua lần này có ý nghĩa đòn bẩy, động lực thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước
Tại kỳ họp, DA Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được thông qua. Tôi hy vọng, kỳ họp tới sẽ được Quốc hội thông qua với một dự Luật Đất đai có chất lượng tốt nhất đảm bảo được quyền và lợi ích của người dân, tránh được việc lãng phí quỹ đất, đặc biệt là đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang quá lớn. Một dự Luật hạn chế đến tối đa các kẻ hở, phòng chống được việc tham ô, tham nhũng từ đất đai.
Cảm ơn ông!