Biểu diễn nghệ thuật tại cầu ngói Thanh Toàn |
Thu hút du khách
Ca dao xưa “Ai về cầu ngói Thanh Toàn/Cho em về với một đoàn cho vui” minh chứng sức hấp dẫn của điểm di tích này qua thời gian. Trải qua bao mùa nắng gió, thiên tai, có thời điểm chiếc cầu đã xuống cấp, hư hỏng. Với tầm quan trọng của cây cầu, Nhà nước đã đầu tư nâng cấp, phục dựng với kiến trúc độc đáo, đặc trưng vốn có của chiếc cầu này… Cũng từ đó, cầu ngói Thanh Toàn trở thành điểm du lịch thu hút không chỉ người dân trong nước, mà cả khách quốc tế thường đến tham quan.
Cứ vào những ngày cuối tuần, hay các lễ hội diễn ra tại cầu ngói Thanh Toàn, anh Lê Song Thao ở đường Đống Đa, TP. Huế, đều đưa gia đình đến tham quan, mua sắm, thưởng thức những món ăn dân dã của người dân sở tại. Các chương trình văn nghệ, văn hóa truyền thống không chỉ mang tính giải trí, mà còn tái hiện những hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp cho các thành viên gia đình anh Thao và du khách hiểu biết thêm về nhịp sống, đời sống thôn dã của vùng quê Thủy Thanh nói riêng và vùng nông thôn của tỉnh nói chung.
Xã Thủy Thanh và ngành văn hóa - thông tin TX. Hương Thủy còn tổ chức thành công lễ hội “Chợ quê ngày hội” nằm trong chuỗi hoạt động của các kỳ Festival Huế. Nhiều hoạt động sôi nổi khác được địa phương tổ chức như đua ghe, giao lưu bài chòi, sàn giao dịch việc làm, triển lãm ảnh, hội thi vẽ tranh về chủ đề lễ hội, các trò chơi dân gian, đêm hoa đăng và nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, sôi nổi khác, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh Dương Anh Tuấn khẳng định, đến thời điểm này, dịch vụ du lịch trên địa bàn được đầu tư khá đa dạng, phong phú và hướng đến chuyên nghiệp, bền vững. Đáng kể là đã hình thành các mô hình trải nghiệm về nông nghiệp Văn Thánh, vườn hoa Lạc Dương, nón lá, Garden & Homestay Vân Thê. Du khách đến đây còn được trải nghiệm cách làm bánh tét, chằm nón lá, mô hình vườn nhà ngoại, du lịch homestay, vườn mẫu thanh trà, nghề truyền thống chẻ tăm hương, làm chổi bằng cây lồ ô, làm nón, hò bài chòi…
Đầu tư khai thác tiềm năng theo hướng bền vững
Ông Nguyễn Nguyên, Phó Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin TX. Hương Thủy thông tin, trên địa bàn hiện có hơn 40 lễ hội cần được bảo tồn và phát huy nhằm vừa giáo dục truyền thống, vừa phát triển văn hóa, du lịch. Đặc biệt, cầu ngói Thanh Toàn là một trong bốn cây cầu nổi tiếng của Việt Nam. Đây là địa điểm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan qua các kỳ festival, lễ hội “Chợ quê ngày hội”, lễ hội “Đua trải truyền thống” đầu xuân.
Thời gian qua, thị xã tập trung đầu tư xây dựng, phục hồi và nâng cao chất lượng, quy mô các hoạt động lễ hội. Theo đó, tổ chức nhiều lớp tập huấn về hướng dẫn kỹ năng tổ chức lễ hội, kỹ năng xây dựng thực đơn và trình bày món ăn, kỹ năng trao truyền dân ca truyền thống, đưa di sản bài chòi vào trường học, thuyết minh viên tại chỗ cho điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn…
Nhiều chương trình, lễ hội được phục hồi và phát huy giá trị, với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng. Ngoài cơ sở hạ tầng du lịch hiện có, thị xã đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch như bãi đỗ xe tại các điểm du lịch cầu ngói Thanh Toàn, thác Đá Dăm, đường vào thác Đá Dăm (xã Dương Hòa), đường vào khu di tích Lùm Chánh Đông (phường Thủy Châu) với tổng kinh phí 4,85 tỷ đồng. Thị xã còn bố trí thêm nguồn vốn trung hạn năm 2023 về đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch với các hạng mục đường bê tông vào rừng nguyên sinh (xã Thủy Phù), thôn Buông Tằm (xã Dương Hòa), nhà trưng bày tại Chợ Kháng chiến, bến thuyền Tân Ba (xã Dương Hòa) tổng kinh phí 5,2 tỷ đồng, chỉnh trang khuôn viên cầu ngói Thanh Toàn với tổng kinh phí 5,5 tỷ đồng, chỉnh trang khuôn viên chiến khu Dương Hòa với kinh phí 2 tỷ đồng.
Để thúc đẩy du lịch, TX. Hương Thủy tổ chức thành công hội thảo xúc tiến du lịch tại xã Thủy Thanh, xã Dương Hòa thu hút gần 500 đại biểu là doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, các chuyên gia về du lịch tham gia. Địa phương, ban ngành kết nối các công ty lữ hành có liên kết với các điểm dịch vụ du lịch khác trong và ngoài tỉnh để hình thành sản phẩm du lịch Hương Thủy.