Lễ khai giảng lớp truyền dạy điêu khắc và diễn xướng dân gian trong nghi lễ bỏ mã |
Sự kiện do Phân Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Đông tổ chức. Nghi lễ bỏ mả là một nghi lễ rất quan trọng trong chu kỳ đời người, một thành tố của di sản văn hóa phi vật thể góp phần tạo nên các hệ giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu.
Lớp học được tổ chức với mục đích phục dựng, lưu giữ và trao truyền các kỹ thuật điêu khắc tượng, kỹ thuật điêu khắc hoa văn trang trí trên nhà mồ; nghệ thuật trình diễn các vũ điệu, làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ gắn với quá trình thực hành nghi lễ bỏ mả truyền thống của dân tộc Cơ Tu.
TS. Lê Anh Tuấn, Phân viện Phó Phân Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế nói rằng, trong bối cảnh hiện nay, lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nhiều di sản đang biến đổi nhanh chóng, nhiều nghệ thuật truyền thống bị mai một trước xu thế phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đời sống.
Lớp truyền dạy là một giải pháp cụ thể, một hành động thiết thực góp phần lưu giữ, trao truyền, bảo tồn, phát huy nghệ thuật điêu khắc và diễn xướng dân gian, một trong những giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào Cơ Tu. Qua đó, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, đề án của huyện Nam Đông đối với văn hóa dân tộc Cơ Tu.
Các nghệ nhân, các già làng, các học viên của lớp truyền dạy sẽ là những hạt nhân đóng vai trò tạo nên sức sống cho mô hình “bảo tồn làng truyền thống dân tộc Cơ Tu” đang được xây dựng ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông.