Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ cùng doanh nghiệp |
2.000 DN được hỗ trợ giải pháp số
Thông tin từ Sở KH&ĐT, Thừa Thiên Huế đã triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động để hỗ trợ, đồng hành cùng DN trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động hỗ trợ xuyên suốt từ khi DN đăng ký gia nhập thị trường với việc hỗ trợ chữ ký số, hóa đơn điện tử; hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN đến các chương trình hỗ trợ khi DN đã chính thức gia nhập thị trường.
Trong năm 2024, nhiều hạng mục hỗ trợ được triển khai hiệu quả như chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho hơn 660 lượt DN. Thừa Thiên Huế đã tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp về khởi sự kinh doanh và nâng mức hỗ trợ DN lên 80% thay vì 70% theo Nghị định 80 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Ngoài ra, để hỗ trợ DN chuyển đổi số hiệu quả, từ năm 2019, Sở KH&ĐT đã triển khai chương trình “100 DN chuyển đổi số trong 100 ngày”. Qua hơn 3 năm triển khai, toàn tỉnh đã có hơn 2.000 DN được hỗ trợ giải pháp số, hơn 1.500 DN được hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực và các hỗ trợ khác. Sở KH&ĐT cũng tổ chức huấn luyện từ cơ bản đến chuyên sâu cho DN tham gia kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Cùng với hỗ trợ từ Sở KH&ĐT, Cục Phát triển DN - Bộ KH&ĐT, Cơ quan Phát triển quốc tế Canada, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã đưa các dự án hỗ trợ DN kinh doanh bền vững, DN SIB đến Huế. Thông qua sự hỗ trợ này, các DN SIB có cơ hội bứt phá, góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân cũng như vực dậy các làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một.
Sản phẩm sâm bố chính Hoàng Gia được hỗ trợ từ dự án hỗ trợ doanh nghiệp SIB |
Ông Bùi Văn Tuấn, Đại diện Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các DN SIB tại Việt Nam ứng phó với COVID-19” ngoài hỗ trợ trực tiếp cho DN còn triển khai các chương trình đào tạo hướng dẫn viên địa phương; tổ chức cuộc thi vẽ tranh và khám phá lịch sử; tư vấn thiết kế sản phẩm và điểm check in du lịch cho làng cổ Phước Tích. Các hoạt động này đã góp phần cải thiện năng lực của các DN SIB và cộng đồng địa phương; phát triển các sản phẩm du lịch mới; tạo cơ hội phát triển bền vững và kết nối cộng đồng.
Để hỗ trợ đúng nhu cầu DN
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các chính sách hỗ trợ DN đã góp phần tạo nên những động lực thúc đẩy DN phát triển. Nhờ đó, con số tăng trưởng DN tại Thừa Thiên Huế năm 2024 vẫn đạt ở mức 2 con số với hơn 1.300 DN và đơn vị trực thuộc thành lập trong năm.
Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, để công tác hỗ trợ DN đi đúng định hướng, việc khảo sát nhu cầu DN là yếu tố quan trọng quyết định thành công của các chương trình hỗ trợ DN. Vì thế trong quá trình hỗ trợ, Sở KH&ĐT rất mong muốn tiếp nhận được nhiều hơn sự đóng góp, kiến nghị về nhu cầu của DN để các chương trình hỗ trợ phát huy được hiệu quả, thúc đẩy xây dựng cộng đồng DN Huế vững mạnh, đồng hành tốt hơn cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Tại hội nghị này, nhiều ý kiến trao đổi của DN cũng tập trung vào nhu cầu đào tạo, hỗ trợ kết nối mở rộng thị trường cũng như các hỗ trợ chuyên sâu về thiết kế mẫu mã sản phẩm, hỗ trợ tư vấn 1:1.
Công ty TNHH MTV Sản phẩm thiên nhiên Trà My nhận được nhiều hỗ trợ từ các sở, ngành |
Bà Nguyễn Thị Trà My, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản phẩm thiên nhiên Trà My thông tin: Công ty đang theo đuổi dự án xây dựng các trạm Refill tẩy rửa an toàn từ khế chua (người dân đưa chai lọ cũ đến các trạm để mua nước tẩy rửa tự động với giá ưu đãi) nhằm tái sử dụng chai lọ cũ, giảm rác thải nhựa ra môi trường. Vì thế, công ty rất cần sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án thúc đẩy xây dựng nhiều hơn các trạm Refill, góp phần để Huế xanh hơn, sạch hơn và giảm rác thải nhựa. Ngoài ra, bản thân là một DN nhỏ, siêu nhỏ, chúng tôi đang thiếu các nguồn lực đầu tư phát triển thị trường, tiếp cận tín dụng ưu đãi và các kiến thức chuyên ngành liên quan. Vì thế, DN rất mong muốn nhận được các hỗ trợ liên quan đến đào tạo tiếp cận với các giải pháp công nghệ mới, công nghệ AI, phát triển thương hiệu cá nhân… để vận dụng tối ưu hóa hoạt động DN, nhân sự, nâng cao kỹ năng phát triển thương hiệu.
Trên cơ sở đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm từ việc xây dựng hệ sinh thái SIB, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN cũng thừa nhận, công tác hỗ trợ DN đang có những áp lực nhất định và các cơ quan hỗ trợ DN cũng đang và sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ theo hướng thích ứng hơn.
Theo đó, Cục Phát triển DN sẽ tăng cường các chương trình đào tạo thực tế và sát nhu cầu của DN; tăng cường các buổi đào tạo thực hành và trải nghiệm thực tế để nâng cao kỹ năng cho học viên, thay vì chỉ tập trung vào lý thuyết như trước đây. Thiết kế các chương trình hỗ trợ dài hạn, bao gồm tư vấn trực tiếp 1:1 hoặc đồng hành cùng SIB trong các giai đoạn của quá trình phát triển. Triển khai các gói hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng đáp ứng của từng nhóm đối tượng, đặc biệt với những SIB quy mô nhỏ hoặc mới thành lập.