Tử ban trên da xuất hiện ở những bệnh nhân bị bệnh liên cầu lợn. Ảnh minh họa |
Bệnh nhân là ông C. T. 59 tuổi, làm nghề thợ nề ở phường Hương Sơ, TP. Huế. Trước đó, ông T. được người nhà đưa đến Khoa Gây mê - Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc - Bệnh viện Trường Đại học Y Dược, ĐH Huế trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ. Các bác sĩ chẩn đoán người này bị sốc nhiễm khuẩn từ đường tiêu hóa. Tuy nhiên, 4 giờ sau, bệnh nhân xuất hiện tử ban trên da, rối loạn đông máu, nghi ngờ bệnh liên cầu lợn.
Các bác sĩ tiến hành lấy máu xét nghiệm, cấy máu và điều trị tích cực chống nhiễm trùng. Kết quả xét nghiệm cấy máu dương tính với Streptococcus Suis II. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh Ampicillin, vận mạch. Một vài ngày sau, sức khỏe ông T. dần cải thiện, thoát tình trạng sốc nhiễm khuẩn và được chuyển sang Khoa Nội tim mạch.
Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS cùng Trạm Y tế phường Hương Sơ tiến hành điều tra các yếu tố dịch tễ liên quan. Theo đó, gia đình bệnh nhân không nuôi lợn, nhà xung quanh không nuôi lợn; bệnh nhân không ăn tiết canh, lòng lợn, nem chua… Gia đình ông T. cho hay, trước ngày khởi phát bệnh, ông T. từng ăn cơm trưa ở quán cơm (không nhớ địa chỉ quán) có ăn thịt lợn luộc.
Trong 2 tuần, quanh khu vực nơi bệnh nhân ở không có tình trạng lợn mắc bệnh, không có người mắc bệnh tương tự. Lực lượng chức năng đã cấp phát 0,3kg Cloramin B 25% phun tẩy uế tại nhà bệnh nhân và các hộ dân ở khu vực xung quanh. Những người tiếp xúc gần và người xung quanh nhà bệnh nhân sẽ được Trạm Y tế Hương Sơ theo dõi tình trạng sức khỏe hàng ngày. Y tế cơ sở cũng tiến hành truyền thông giáo dục các biện pháp phòng chống bệnh này.
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 ca bệnh liên cầu lợn. Ca bệnh đầu tiên là một thợ nề ở Quảng Điền sốc nhiễm khuẩn huyết do Streptococcus suis II, suy đa tạng được kịp thời cứu sống. Ca thứ hai là một nông dân ở phường Hương Xuân, TX. Hương Trà.
Bệnh liên cầu lợn có các biểu hiện ban đầu như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất hiện xuất huyết dưới da, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Các chuyên gia y tế khuyên người dân tránh mua thịt lợn xuất huyết hoặc phù nề. Không ăn lợn chết, các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên nấu chín thịt lợn trên 70 độ C; dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.